Số vốn vay ODA từ 6 Ngân hàng phát triển chưa được giải ngân lên đến 16,9 tỷ USD. Tình trạng chậm trễ này khiến cho 6 chủ nợ lớn của Việt Nam không khỏi sốt ruột.
Vất vả đi vay rồi không giải ngân được
Khi kiểm toán chuyên đề sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra rằng nhiều dự án dùng vốn ODA giải ngân chậm, tỷ lệ thấp. Đáng chú ý, có dự án Hiệp định đã hết hiệu lực mà vẫn không giải ngân hết. Cụ thể, Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực Kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2. Hai Hiệp định hết hiệu lực nhưng chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 43,8% (6.450 triệu JPY/14.726 triệu JPY) làm phát sinh phí cam kết 40,9 triệu JPY (tương đương 7,9 tỷ đồng) phải sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương chi trả.
Nhiều dự án khác cũng không giải ngân hết kế hoạch vốn. Điển hình là dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Những vấn đề về thủ tục pháp lý điều chỉnh dự án khiến cho năm 2018 dự án này có kế hoạch vốn nước ngoài giải ngân là con số 0 trên tổng kế hoạch vốn giải ngân trong năm này là hơn 1.000 tỷ đồng. Vốn đối ứng tại dự án này cũng chỉ giải ngân đạt 5,82% (20,37/350 tỷ đồng),...
Những dự án trên chỉ là một vài dẫn chứng liên quan đến việc giải ngân vốn ODA chậm chạp.
Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận trên 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới. Trong đó 80% vốn vay là của 6 ngân hàng: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Thế nhưng, hiện nay, vốn ODA cam kết “chưa tiêu được” từ 6 ngân hàng phát triển này vẫn còn ở mức 16,9 tỷ USD, bằng khoảng 7% GDP của Việt Nam.
Tại Hội nghị ban chỉ đạo quốc gia ODA và vốn vay ưu đãi với nhóm 6 Ngân hàng phát triển mới đây, các “chủ nợ” trên đã thể hiện sự sốt ruột trước việc giải ngân rất chậm chạp.
“Đang rất kém”, “nghiêm trọng” là những từ được đại diện 6 ngân hàng đánh giá về tiến độ giải ngân vốn ODA. Hiệu quả của các dự án đã giảm rất nhiều kể từ giai đoạn 2014-2015.
Tỷ lệ giải ngân - một chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả thực hiện đã giảm từ mức cao 23,1% trong năm 2014 xuống chỉ còn 11,2% trong năm 2018. Tỷ lệ giải ngân 11,2% của các dự án đã được thực hiện trong thời gian tương đối dài phản ánh các vấn đề nghiêm trọng trong hoạt động thực hiện. Tỷ lệ này thấp hơn nhìeu so với mức trung bình toàn cầu của 6 ngân hàng phát triển. Cụ thể, tỷ lệ trung bình toàn cầu của ADB và WB lần lượt là 21% và 20,2% trong năm 2018.
“Nếu Việt Nam đạt được tỷ lệ 21% trong năm 2018, sẽ giải ngân thêm được 1,8 tỷ USD, bằng khoảng 0,75% GDP của đất nước”, nhóm ngân hàng cho hay.
Có tiền không tiêu được, dự án đội vốn kém hiệu quả
Kết quả về tiến độ và giải ngân bị chậm như vậy, nên đại diện 6 ngân hàng cảnh báo tình trạng trì hoãn hoặc thậm chí không đạt được các kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư và do vậy, giảm tác động đến tăng trưởng GDP.
Quá trình thực hiện kéo dài làm tăng chi phí do giá cả leo thang và điều chỉnh làm đội vốn; chi phí tài chính tăng do phải trả phí cam kết… Chi phí hành chính tăng do quản lý dự án trong thời gian dài hơn.
Đại diện nhóm 6 ngân hàng nhấn mạnh:
Cách đơn giản và khách quan nhất để đo lường mức độ cải thiện có lẽ là đặt mục tiêu về quy mô và tỷ lệ giải ngân, bởi vì giải ngân là một chỉ số phổ biến và đơn giản để đo lường tiến độ đầu tư.
“Nếu dự án trên 10 tỉnh bị chậm 2 năm thì tòn bộ hệ thống hành chính từ bộ, ngành trung ương đến cấp địa phương của 1 tỉnh và Ban quản lý dự án tỉnh cũng phải duy trì thêm 2 năm đó”, đại diện 6 ngân hàng ví dụ. “Để xoay chuyển vấn đề hiệu quả thực hiện kém này sẽ không dễ dàng và đòi hỏi tính tập trung, cam kết và nỗ lực mạnh mẽ từ các bên liên quan”.
Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những khuyến nghị từ phía đại diện Nhóm 6 ngân hàng phát triển là khá chính xác. Hiện vẫn còn một số tồn tại, như khung pháp lý còn cồng kềnh, phức tạp, một thay đổi nhỏ cũng phải thực hiện các quy trình dài và phức tạp. Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ xây dựng các văn bản dưới luật và sửa đổi một số nghị định có liên quan.
“Quy định tại luật mới này đã thông thoáng hơn trong lập kế hoạch và giải ngân vốn”, ông Lưu Quang Khánh cho biết, “Với quy định mới hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi”.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ nhận diện rõ những tồn tại, cản trở trong việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và đã có những bước đi cụ thể để khắc phục tình trạng trên.
Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do các quy định về thủ tục còn phức tạp, trùng lặp; mức độ sẵn sàng của dự án thấp; còn độ “vênh” về thủ tục giữa bên tiếp nhận là Việt Nam với các nhà tài trợ... dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế các Nghị định 16 và 132; đồng thời đề nghị các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Nghị định nêu trên.
Lương Bằng
Theo VietnamNet