Mặc dù chịu tác động bởi dịch bệnh khiến lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh đến 60%, điều này tưởng chừng giá nhà sẽ giảm theo. Song, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy giá nhà nhiều nơi tăng mạnh. Vì sao lại có nghịch lý này?
Báo cáo về tình hình thị trường bất động sản quý 1 vừa qua của Bộ Xây dựng cho hay, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động từ dịch bệnh, nguồn cung và giao dịch sụt giảm, nhưng giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có chiều hướng tăng. Đến nay thị trường bất động sản chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện mà chỉ mới có sự ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường.
Lượng giao dịch về bất động sản sụt giảm. Cụ thể, chỉ có 13.042 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt có 1.167 giao dịch thành công (bằng 38% quý 4/2019), 2.816 giao dịch thành công (bằng 55% quý 4/2019).
Lượng giao dịch này chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Xây dựng ghi nhận giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm nhẹ khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019....
Lý do nào khiến giá nhà không giảm mà lại tăng dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?
Trả lời câu hỏi này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát cho hay: Thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm của đô thị hóa nên nhu cầu nhà ở cao. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh các dự án bất động sản chậm được triển khai do các đợt thanh kiểm tra của cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến nguồn cung đầu vào của thị trường bất động sản đang chững lại, thiếu nguồn cung.
“Nguồn cung ít, giao dịch giảm nhưng giá giá không giảm mà tăng là do khan hàng, nhất là phân khúc căn hộ giá rẻ và bình dân. Vì thế, giá nhà tăng là đương nhiên, không có gì lạ của thị trường”, ông Điệp nói.
Trước tình hình này, ông Điệp cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết về thủ tục hành chính cho các dự án của chủ đầu tư để cải thiện nguồn cung, để thị trường bất động sản không bị gãy khúc hay chững lại.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp khác, nguyên nhân khiến các chủ đầu tư buộc phải “giữ giá”, thậm chí có dự án tăng giá là do giá đầu vào sản phẩm đã cao cùng với nhiều chi phí khi xây dựng dự án thì không thể giảm giá. Việc giảm giá không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu, kế hoạch tài chính, thậm chí có thể còn ảnh hưởng đến uy tín, nhìn nhận của thị trường đối với doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp buộc phải giữ giá hoặc tăng giá, còn để kích cầu thị trường thì doanh nghiệp sẽ đưa ra các gói ưu đãi hoặc chương trình khuyến mại từng giai đoạn.
Cũng cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, các dự án mới hầu như không có từ năm ngoái, sang đến năm nay do dịch bệnh nên số lượng sản phẩm rất ít, vì thế giao dịch ít, giá nhà cũng ít biến động.
“Sang quý 2, thị trường có lẽ cũng chưa có nhiều thay đổi so với quý 1, nhưng hy vọng với những chính sách của Chính phủ thị trường sẽ có đột biến. Cùng với đó, các địa phương sẽ tháo gỡ những khó khăn thì doanh nghiệp sẽ phát triển, thị trường sẽ có thêm nguồn cung”, ông Hà chia sẻ thêm.
Còn ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam cho rằng, do giao dịch không nhiều mà chủ yếu rơi vào thời điểm đầu tháng 1, do vậy thời điểm ấy hầu như không có thay đổi giá. Tháng 2 và tháng 3 phần lớn không có giao dịch mới, chỉ có giao dịch đã có thỏa thuận từ trước đó, vì thế việc lấy mẫu điều tra cho các báo cáo thị trường thì không thể hiện sự giảm giá. Nếu mẫu đủ lớn, đủ đánh giá để thấy giá biến động thì mới có thể đưa ra kết luận giá biến động được.
“Nhu cầu giao dịch ở quý 1 phần lớn ở phân khúc trung cấp và giá rẻ, phân khúc này nguồn cung hiếm nên giá chỉ có thể tăng, chứ không giảm. Còn phân khúc cao cấp giao dịch không nhiều. Nhưng chúng tôi đánh giá, cuối quý này giao dịch sẽ tăng lên do hoạt động thị trường bắt đầu sôi nổi trở lại, nhất là phân khúc nhà trung cấp, giá dao động từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng. Có dự án ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) hiện mỗi ngày cũng có vài giao dịch thành công. Điều này cho thấy sức hút của phân khúc nhà có giá hợp lý, phù hợp túi tiền của đại bộ phận người dân thì vẫn được quan tâm”, ông Đính cho hay.
Ông Đính cũng đánh giá, hiện nay cuộc sống sinh hoạt gần như đã trở lại bình thường sau dịch bệnh thì thị trường bất động sản cũng đang tốt dần lên. Không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà ở các tỉnh, bất động sản đã bắt đầu có sự quan tâm của các nhà đầu tư, lượng giao dịch đã bắt đầu tăng; nhất là nhà ở căn hộ thuộc các phân khúc trung cấp và bình dân. Tại các tỉnh, khu vực có kinh tế phát triển thì đất nền có giá dưới 17-18 đồng được quan tâm hay những khu vực mới hình thành, giá đất nền dưới 10 triệu đồng thì đều có giao dịch tốt.
Minh Thư
Theo Infonet