Đó là cảnh giới trí tuệ mà chúng ta chỉ có thể hiểu thấu lúc quay đầu nhìn lại sau khi đã nếm trải đủ kinh nghiệm và tích lũy đủ sự trải đời.
Ở Trung Quốc, có một vị thiền sư nổi danh của thời Tống là Thanh Nguyên Duy Tín đã nói về hành trình tu tập của mình trong suốt hàng chục năm bằng 3 câu:
"Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông.
Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông.
Sau ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông."
Có thể hiểu rằng, khi còn chưa tu tập gì, ông thấy núi chỉ là núi, sông chỉ là sông. Sau này, ông bắt đầu nhập đạo tu hành thì nhìn núi không phải là núi, nhìn sông lại không phải là sông. Nhưng đến khi giác ngộ, ông lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.
Cuộc đời vị thiền sư đã trải qua 3 loại cảnh giới về trí tuệ.
Ở cảnh giới thứ nhất: Nhìn núi là núi, nhìn sông là sông
Tại giai đoạn này, khi trẻ trung và chưa hề trải đời, con mắt nhìn của ông chỉ là của một kẻ phàm phu nên khi tiếp xúc với những hiện tượng bên ngoài, ông chỉ tiếp nhận bề ngoài của nó, nhìn thấy cái mà ai cũng thấy, nhìn núi sông chỉ là một vật thể tự nhiên thông thường. Đó chính là thời điểm bản tính con người thuần khiết, ban sơ và non nớt nhất.
Ở cảnh giới thứ hai: Nhìn núi lại không phải là núi, nhìn sông nhưng không phải là sông
Sau đó, khi bước vào giai đoạn 2, bắt đầu có sự trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn, mọi cảm nhận về hiện tượng bên ngoài đã mang theo cảm thụ xuất phát từ tâm. Chúng ta cũng đã nhìn nhận được sự phức tạp bên trong của mỗi hiện tượng, sự vật trên cõi đời. Con người có mặt ác và mặt xấu, cũng như sự việc nào cũng có bản chất bên trong và cái nhìn bên ngoài. Đó là khi hiện tượng không thể chỉ nhìn nhận và đánh giá theo ấn tượng bề ngoài được nữa.
Do đó, nhìn núi đã không đơn thuần là một ngọn núi, nhìn sang sông cũng chẳng thấy nó đơn thuần chỉ là một con sông. Chẳng hạn như người thợ săn nhìn lên núi sẽ nghĩ đến những con thú hoang, có thể trở thành miếng cơm manh áo, nếu rừng xanh tươi tốt, đó là cơ hội tốt để có những bữa no ấm. Nếu rừng xanh giá rét lầy lội, đó là những tháng ngày hiểm nguy ngập tràn, cơ hội đi săn rất ít vì các con thú đã đi ngủ đông. Lại ví như người nông dân nhìn vào con sông, họ sẽ nghĩ tới đây là nhân tố quyết định vụ mùa của mình. Nếu mưa to gió lớn, họ phải đối mặt với nạn ngập úng, lũ lụt, hoa màu thất bát và cả một năm đói kém trước mặt.
Ở giai đoạn này, con người thường phải chịu sự khổ sở, áp lực lớn về mặt tâm lý. Biết đến càng nhiều về thế giới bên ngoài, chúng ta càng khó có thể học được cách thỏa mãn. Do đó, tâm lý so đo tranh đấu, hiếu thắng và thủ đoạn, đứng núi này trông núi nọ cũng không ngừng sinh ra. Nếu trước kia chưa được ăn thịt, một bữa cơm với bát cơm trắng cũng đã là niềm vui. Nhưng đã biết tới mỹ vị của thịt, chúng ta bắt đầu xét nét đó là thịt nuôi công nghiệp hay thịt chăn thả tự nhiên, thịt nạc hay thịt mỡ, thịt có đủ sạch sẽ vệ sinh hay không, thịt luộc hay hầm hay chiên hay xào... Thế là bữa cơm cũng trở thành nhiều sự lựa chọn đau đầu.
Khi đó, đúng không hẳn là đúng, mà sai cũng chưa chắc đã là sai. Thị phi và đen trắng cũng chẳng thể phân biệt rõ ràng. Chúng ta dùng "màu xám" để tìm cách cân bằng cả hai.
Ở cảnh giới thứ ba: Nhìn núi vẫn là núi, nhìn sông vẫn là sông
Nhiều người nghĩ rằng, hiểu được lý vô thường của vạn vật có mà cũng như không, không mà cũng như có, nay còn mai mất đã đủ trí tuệ rồi. Nhưng kỳ thực, chỉ có những người thông qua tu luyện, đạt được sự thăng hoa về tâm trí mới mở ra cảnh giới tư duy thứ ba của đời người: "Nhìn núi vẫn thấy là núi, nhìn sông vẫn thấy là sông". Từ đây, họ loại bỏ được những cảm xúc của chính mình để nhìn thẳng vào bản chất thật và duy nhất của mỗi một sự vật, đằng sau vô số vỏ bọc, vô số lợi ích liên quan.
Cái gì là núi, vẫn là núi, cái gì là sông, vẫn là sông. Giống như bỏ qua tất cả lời lẽ ngụy biện, lý lẽ tranh cãi, thì đúng cũng chỉ là đúng, mà sai nhất định là sai. Đạo lý vạn vật quy nguyên chính là như thế, dù có thay đổi thế nào, dù khoác lên mình bao nhiêu lớp áo thì mọi sự vật, hiện tượng vẫn luôn giữ nguyên nguyên gốc của chính mình.
Con người mở mang trí tuệ đến cảnh giới này mới một lần nữa nhận rõ bản tính tiên thiên ban đầu. Họ không còn so đo với những người xung quanh nữa mà chú trọng hơn vào chính bản thân mình. Chúng ta cứ trung thành với nguyên vốn của mình, tính toán chi li cũng không khiến sự đời thay đổi được là mấy.
Đây là giác ngộ hoàn toàn khác hẳn với giai đoạn đầu tiên. Chỉ có những người đã từng trải nghiệm, từng hiểu thấu và vượt qua nhiều sóng gió cuộc đời mới có thể bình thản quay đầu nhìn lại chặng đường đã qua, nhận ra rằng, hóa ra khó khăn đến mấy rồi cũng chỉ là vậy mà thôi. Thuận theo tự nhiên, bình bình đạm đạm mới là nguyên vốn chân thật nhất.
Tu luyện chính là một quá trình rèn giũa tư duy và mở mang trí tuệ, để bản thân hiểu được thấu đáo sự đời. Nhìn thấu bản chất rồi, chúng ta không còn sợ hãi hay lo lắng gì, bình thản đối mặt rồi mọi chuyện vẫn sẽ trôi qua. Từ cảnh giới thứ nhất tới cảnh giới cuối cùng chính là khoảng cách của sự trải đời, là khoảng cách của thế hệ thời gian mà chúng ta cần để tích lũy kinh nghiệm. Với người trẻ trong lối sống vội vàng, họ chỉ tìm hiểu nhân sinh ở giai đoạn đầu tiên. Nhưng với những người đã bước vào tuổi trung niên, đã từng có được rồi lại mất đi, đã đi qua thành công rồi lại thất bại, đã từng xuống dốc rồi mới đạt tới đỉnh cao, thì còn có lý do gì mà không mở rộng cõi lòng, bao dung hết thảy và thuận theo dòng chảy tự nhiên.