Người đàn ông nảy ra ý tưởng lập công ty tài chính trị giá 1,3 tỷ USD từ... quán nhậu

25/10/2018 11:03

Samir Desai là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Funding Circle, công ty được thành lập nhờ một buổi đi uống rượu của Samir và những người bạn.


Samir Desai là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Funding Circle, công ty được thành lập nhờ một buổi đi uống rượu của Samir và những người bạn.

Thông thường, bạn bè hay rủ nhau đến quán rượu để chia sẻ một số ý tưởng kiếm tiền, mặc dù vậy, hầu như không kế hoạch nào có khả năng tạo ra một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Thế nhưng điều đó lại xảy ra sau khi Samir Desai thảo luận với hai người bạn học cũ tại một quán rượu ở trung tâm London năm 2008. Ở thời điểm đó, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và hệ quả là rất nhiều ngân hàng đã dừng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Tình hình này khiến các công ty nhỏ lâm vào cảnh khó khăn, tuy nhiên Samir – một nhà tư vấn quản lý đã nảy ra một ý tưởng hay. Anh muốn loại bỏ ngân hàng ra khỏi quy trình cho vay và thay vào đó, cho phép các công ty có nhu cầu vay tiền từ nơi khác một cách dễ dàng hơn.

Cụ thể, anh muốn tạo ra một thị trường trực tuyến nơi những công ty nhỏ có thể nộp đơn xin vay tiền từ các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác. Tên gọi của hình thức này là cho vay ngang hàng.

Những người bạn của Samir từ hồi học Đại học Oxford - James Meekings và Andrew Mullinger đều đồng ý rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời để thành lập doanh nghiệp mới, vì vậy, họ quyết định nghiên cứu tính khả thi của nó.

Người đàn ông nảy ra ý tưởng lập công ty tài chính trị giá 1,3 tỷ USD từ... quán nhậu - Ảnh 1.

Từ trái qua: Bộ ba Andrew Mullinger, Samir Desai và James Meekings.

Năm 2009, họ nghỉ việc ở công ty cũ và bắt đầu thành lập Funding Circle, công ty được khởi động vào năm 2010. Trước đó, James cũng là một nhà tư vấn quản lý, trong khi Andrew làm việc trong lĩnh vực quản lý rủi ro.

Đầu tháng này, công ty đã trở thành nhà cho vay đầu tiên trong số những công ty hoạt động ở lĩnh vực tương tự lần đầu lên sàn giao dịch chứng khoán London và giờ đây, họ đã được định giá 1,6 tỷ USD.

Nhà sáng lập 35 tuổi cho biết anh nghĩ ra ý tưởng này trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Anh chia sẻ: "Vay tiền từ ngân hàng thường mất từ 15 đến 20 tuần. Và tôi nhận ra rằng ngân hàng chỉ cho một lượng nhỏ doanh nghiệp (khoảng 5%) vay vốn mà thôi. Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ lại đóng vai trò quan trọng trong xã hội bởi họ sử dụng tới 60% lực lượng lao động khu vực tư nhân.

Để Funding Circle hoạt động được tại London, ba người bọn họ đã bỏ 78.000 USD tiền tiết kiệm vào công ty. Ngoài ra, họ cũng gọi vốn được 90.000 USD từ một số nhà đầu tư khác bao gồm bạn bè và bạn của bạn bè của họ. Nguồn vốn này đã giúp họ xây dựng nền tảng công nghệ cho trang web và sau đó tiếp thị cũng như khởi động công việc kinh doanh.

Tuy nhiên, việc thuyết phục người cho vay và các công ty nhỏ tham gia tỏ ra phức tạp hơn họ tưởng. Để thu hút các nhà đầu tư, công ty đã cung cấp cho họ một giao dịch hoàn tiền, theo đó, nếu số tiền mà họ cho vay qua trang web đem lại 7% lãi suất thì Funding Circle sẽ tăng lên thành 9% và trả cho họ 2% từ quỹ của chính mình.

Về việc thu hút khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, Samir và những người đồng sáng lập đã gửi thư nhiều đến nỗi cuối cùng họ đã làm hỏng máy in mượn của cha của James.

Số người dùng ở cả hai bên sau đó bắt đầu tăng từ từ và đến năm 2011, Funding Circle đã gọi vốn thành công 3,2 triệu USD trong vòng tài trợ vốn mạo hiểm. Con số này đã tăng lên thành 320 triệu USD trước khi công ty IPO trong tháng 10 qua.

Đến nay, đã có tới hơn 50.000 doanh nghiệp nhỏ và 80.000 nhà đầu tư sử dụng dịch vụ của Funding Circle. Hai năm sau, dịch vụ của họ đã phát triển ở Mỹ, Đức và Hà Lan.

Người đàn ông nảy ra ý tưởng lập công ty tài chính trị giá 1,3 tỷ USD từ... quán nhậu - Ảnh 2.

Funding Circle cho các doanh nghiệp vay khá đa dạng, từ nhà hàng cho đến cửa hàng xe máy.

Được biết, Funding Circle kiếm tiền bằng cách tính phí người vay một khoản dao động từ 1% đế 7% cho mỗi khoản vay công thêm khoản phí dịch vụ hàng năm là 1%.

Tuy công ty của Samir vẫn chưa tạo ra lợi nhuận nhưng anh cho biết điều này là có chủ ý bởi họ đang tập trung vào việc mở rộng. Anh cho biết: "Công ty của chúng tôi đang phát triển nhanh chóng. Từ quan điểm của mình, chúng tôi muốn trở thành lựa chọn đầu tiên của các doanh nghiệp nhỏ trên toàn thế giới".

Tuần trước, công ty thông báo rằng các khoản vay được sắp xếp thông qua Funding Circle đã đạt 3,6 tỷ USD tính đến ngày 30/9, tăng 61% so với ngày này năm ngoái. Ngoài thông tin trên, họ không tiết lộ bất kỳ khoản doanh thu mới hay số liệu lãi – lỗ của mình.

Laith Khalaf, một nhà phân tích cao cấp của nhóm dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown nói rằng Funding Circle có thể sẽ đối mặt với những thách thức trong tương lai. Một trong số đó là Funding Circle cùng các đối thủ cạnh tranh có thể bị ảnh hưởng bởi việc thắt chặt quy định về cho vay ngang hàng ở Anh.

Tổ chức giám sát các giao dịch tài chính trực tuyến FCA đang xem xét thay đổi quy tắc chỉ cho phép các nhà đầu tư cá nhân cực kỳ giàu có sử dụng Funding Circle hoặc những công ty tương tự. Lý do là vì họ lo ngại vốn của các nhà đầu tư có khả năng gặp rủi ro khi cho các doanh nghiệp nhỏ vay.

Tuy vậy, Samir, Giám đốc điều hành Funding Circle vẫn rất tự tin vào sự tăng trưởng liên tục của công ty: "Chúng tôi ngày càng có nhiều khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ và các nhà đầu tư cũng đang khá hài lòng về tỷ lệ tăng trưởng, lợi nhuận cũng như quy mô khách hàng của chúng tôi".


Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ/BBC