"Con gái, dù có yêu như thế nào, nhưng nếu không học cách trân trọng đối phương, sớm muộn gì cũng sẽ mất đi"... Lá thư mẹ gửi con gái đang gây bão cộng đồng mạng.
Con gái thân yêu của mẹ!
Lúc con đọc bức thư này, có lẽ con sẽ cảm thấy cực kì giận mẹ.
Lúc đuổi con đi, bên ngoài trời vẫn đang mưa, con kiên quyết phải đem theo bé Bi đi cùng, ánh mắt đầy ắp sự tức giận và thất vọng.
Bé Bi không ngừng gọi "bà ngoại, bà ngoại." Tóc mái bởi vì mưa mà dính chặt lấy trán của con bé, nom đến là đáng thương.
Trái tim của mẹ dường như vỡ vụn ra thành từng mảnh, nhẹ nhàng nói với con: " hay là để bé Bi ở lại nhà mình đi".
Con không hề quay đầu lại dù chỉ một cái, cứ thể lao ra giữa màn mưa dày đặc, đến ô cũng chẳng buồn cầm.
Ngày đó, khi con trở về, lúc mở cửa nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của con, mẹ tưởng như cả thế giới đổ ầm ngay trước mắt, nhưng con gái, đuổi con đi là vạn bất đắc dĩ, là vạn lần không muốn, nhưng:
Con gái, trên thế giới này, cha mẹ luôn là người yêu con nhất, sẽ luôn luôn là hậu phương vững chắc, luôn luôn đứng bên cạnh con để chỉ cho con đường nào là đúng, đường nào là nên.
Vì cuộc đời sau này của con, vì gia đình nhỏ của con, đã đến lúc mẹ phải nói với con, với tư cách là một người từng trải, chia sẻ với con những kinh nghiệm, những hiểu biết của mẹ về khái niệm gia đình, về quan niệm hôn nhân, hi vọng sẽ là hành trang giúp ích cho con trên con đường con đã chọn.
Hôn nhân không phải là sự nhẫn nhịn hay nhân nhượng từ một phía, mà đó là sự hiểu biết, cảm thông, khoan dung của cả hai bên.
Con kết hôn đã 4 năm, mẹ cũng không nhớ rõ con đã bao nhiêu lần mắt đỏ hoe chạy về nhà mình.
Lần đầu tiên khi con khóc chạy về nhà, mẹ vội vã ôm lấy con, an ủi con. "Có vẫn đề gì nói với mẹ, mẹ nhất định sẽ bảo vệ con, nếu như có tủi thân, ấm ức gì, ba mẹ nuôi được con".
Sau khi dùng hết một hộp giấy, con vừa nấc vừa nói: "Tất của chồng con cứ vứt bừa ra khắp nơi, anh ấy chỉ sửa được ba bảy hai mốt ngày rồi đâu lại đóng đó, mẹ thử nói xem cứ như thế con làm sao sống nổi đây." Nói xong con lại khóc tiếp.
Mẹ biết, con từ nhỏ đã cực kì ưa sạch sẽ, đồ chơi đều sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng.
Thế nhưng con gái, trên thế giới này chẳng bao giờ có hai chiếc lá giống hệt nhau, thì làm sao có thể xuất hiện hai người có nếp sống, thói quen sinh hoạt hệt như một được?
Chồng con là một người không tồi, không lâu sau đã qua nhà đón con, con hờn mát không muốn để ý đến nó, nhưng hết lần này đến lần khác nó xin lỗi con, nói rằng sau này nhất định sẽ không vứt tất bừa bãi, con mới chịu mỉm cười, tha lỗi cho nó.
Sau đó phát sinh " đại chiến xào rau có cho ớt hay không cho ớt", " giặt quần áo lẫn lộn màu trắng với các màu khác," …., chồng con hết lần này đến lần khác nhún nhường con, cho đến một lần "rửa chén cho quá nhiều nước rửa bát".
Con gái, con biết không, gia đình vì sao được gọi là nơi ấm áp nhất, dễ chịu nhất trên thế giới này, là bởi vì ở nhà, chúng ta không cần phải ngụy tạo bản thân, cũng không phải xô bồ với cuộc sống, mà có thể thoải mái sống đúng bản chất thật nhất của con người mình.
Chồng con đã sống quen với nếp sống nhà nó hơn 20 năm, có rất nhiều thói quen cần con dần dần thay đổi.
Giống như con hồi nhỏ có một thói quen xấu, ăn cơm không chịu ngồi trên bàn mà đòi để bát cơm trên ghế, cha mẹ không hề ép buộc con phải thay đổi thói quen này, con cảm thấy vui là đủ, chỉ cần lúc con ra ngoài ăn cơm không để lộ thói quen này là được.
Chồng con từng nói với mẹ, nó cảm thấy sau khi tan làm về đến nhà, con từ phía sau nhảy lên lưng, quàng vai bá cổ giống như chú khỉ sôi nổi nói chuyện, chồng con bỗng dưng cảm thấy tất cả mệt nhọc bỗng chốc tan biến theo.
Đó chính là khoan dung và thấu hiểu. Con thử nghĩ xem chồng con đã bắt con phải thay đổi những tật nhỏ của mình bao giờ chưa? Đã bao giờ chê con tóc rơi vương vãi khắp nhà chưa? Có bao giờ trách con cơm chảnh lành, canh chẳng ngọt, đã thế còn mắc bệnh kén ăn? Có lúc nào tức giận với con khi vào buổi sáng mỗi lần con thức giấc, giống như một quả bom hẹn giờ sẵn sàng nổ bất kì lúc nào?
Con gái, nhà không phải là nơi để nói đạo lí, vấn đề có to tát đến như thế nào, chỉ cần giải quyết ổn thỏa, thì việc to tát đến đâu cũng chỉ như cây kim, sợi chỉ.
Tình yêu, là kết quả xuất phát từ sự cảm thông, yêu thương của hai phía, nếu chỉ là sự nhẫn nhịn từ một phía nó sẽ không bao giờ có thể duy trì được lâu dài.
Chẳng có bất kì một người đàn ông nào có thể chiều con cả một đời, hôn nhân cần sự trưởng thành.
Mẹ vẫn nhớ buổi tối trước khi con kết hôn, con gối đầu lên chân mẹ thì thầm. "Mẹ ơi, con đã gặp được người tốt nhất trên thế giới."
Trong lòng mẹ cực kì hạnh phúc, trong biển người mênh mông vô tận, không sớm một bước, cũng chẳng muộn bước nào, con gái yêu của mẹ thật may mắn khi gặp được tình yêu đích thực của cuộc đời mình.
Ngày lại mặt kết hôn, khi hai đứa về nhà, mẹ thấy ánh mắt của hai đứa dành cho nhau đều nồng ấm tình yêu tha thiết.
Con nói với mẹ, chồng con cực kì yêu thương con, ở bên cạnh nó con cảm thấy mình giống như một đứa trẻ nũng nịu, yêu kiều. Lúc đó cả mặt con bừng sáng lên niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Mẹ khuyên còn nên cẩn thận: trong bất kì một đoạn tình cảm nào, tình yêu nếu không bước cùng một nhịp điệu đến cuối cùng vẫn chỉ là đường chia hai ngả.
Không biết con có nghe vào lời mẹ nói không, sau đó mẹ nhìn thấy trên face, zalo của con đều là những bài viết "Cô gái, tình yêu thực sự chính là không cần nhường nhịn", "Người đàn ông thật lòng yêu bạn, sẽ không nỡ để bạn quá trưởng thành"... Mẹ đều xem hết những bài viết đó, nhưng mẹ không đồng tình với quan điểm đó. Quan điểm đó theo mẹ là quá ích kỷ, xàm xí. Mẹ cho rằng tình yêu thật sự chính là cần cả hai bên cùng nhau vun đắp, cùng nhau trưởng thành.
Hai đứa từ yêu cho đến bâu giờ, đã 7 năm rồi, chồng con đối xử với con từ việc nhỏ nhất cho đến việc lớn nhất mẹ đều nhìn thấy hết.
Có một lần, chồng con đi công tác xa chỉ ba ngày, sợ con cô đơn, gọi điện nhờ mẹ qua chơi với con, khi mẹ mở tủ lạnh ra, bên trong đấy ắp đồ ăn, còn dính cả giấy nhớ.
Con gái, vì sao mẹ đuổi con về nhà? Bởi chồng con gọi điện cho mẹ: "Mẹ ơi, con thật sự mệt rồi, ngày mai con đi đón thằng bé con."
Con gái, dù có yêu như thế nào, nhưng nếu không học cách trân trọng đối phương, sớm muộn gì cũng sẽ mất đi.
"Anh sẽ yêu em giống như một đứa trẻ, yêu em cả một đời". Khi tình đến độ đậm sâu của nó, tất cả lời thề đều thêm dư vị ngọt ngào.
Con còn nhớ chú Tiến hàng xóm mình không, chú ấy chiều vợ không khác gì một người cha, thế nhưng đột nhiên vào một ngày, chú ấy đột nhiên đòi ly hôn với vợ, chú ấy nói với cha con bởi vì chú ấy không vui vẻ, chú ấy quá mệt khi phải đóng quá nhiều vai trò trong một lúc, vừa chồng, vừa cha, vừa anh trai nên chú ấy ly dị. Thực tế áp lực của chú ấy không hề nhỏ, cuộc sống, công việc, gia đình, cơm áo gạo tiền đè nặng trên đôi vai, thế nhưng cô vợ lại là một người không hiểu chuyện, suốt ngày ầm ĩ, hờn mát như một đứa trẻ, liệu có ai chung sống với đứa trẻ mãi mãi không lớn cả một đời?
Hôn nhân nếu hai bên không học cách trân trọng, hỗ trợ nhau, cuối cùng vẫn cứ chỉ là đường anh anh đi, đường tôi tôi rẽ.
Còn các con, tình yêu sau khi trở về đời thường, sống một cuộc sống với cơm áo gạo tiền, mệt mỏi với những áp lực lo toan của cuộc sống, thì tình yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với nhau, cùng nhau vững bước trên con đường đã chọn, tình yêu thương đó mới có thể chạy đua cùng nhịp thở của thời gian.
Mẹ hi vọng con luôn luôn là một đứa trẻ rạng rỡ nhất dưới ánh mặt trời, là người sát cánh cùng chồng con đi qua những ngày giông bão.
Con gái, mẹ hi vọng người yêu con, yêu không biết mệt, còn con hội tụ đầy đủ phẩm chất để xứng đáng với tình yêu thương đó.
Bản chất của hôn nhân giống như một cán cân, cần hai người phải duy trì bảo vệ
Đúng rồi, con còn nhớ lúc còn còn bé, con luôn luôn nói, phải gả cho người giống hệt cha con, cha con chính là biểu mẫu cho người chồng lý tưởng của con sau này.
Lúc đó nhà mình có một sân vườn nhỏ, ba còn trồng một ít rau xanh, mỗi lần sau khi con tan học, việc đầu tiên sau khi về nhà là chạy đến xem những mầm non kia đã nảy mầm đến đâu rồi.
Con cảm ơn ba vì đã cho con cơ hội được chứng kiến một mầm non trưởng thành như thế nào, cha con lại bảo : "người con nên cảm ơn là mẹ, vì mỗi ngày mẹ đều tưới nước cho chúng, nên chúng mới trưởng thành đến hôm nay."
Còn mùa đông lúc con còn nhỏ, lúc đó trời thường xuyên rơi tuyết, cha con luôn dậy rất sớm, làm một bữa sáng nóng hổi cho hai mẹ con mình,khi đó chắc hẳn trong tâm trí của con chắc đã ươm mầm của dư vị hạnh phúc.
Con luôn cảm thấy cha của con thật vĩ đại, nhưng cha luôn nói với con: "mẹ của con mới là vĩ đại nhất, nước lạnh như vậy, mẹ vẫn kiên trì giặt quần áo cho cả nhà."
Không phải mẹ tự khen chính bản thân mình, mà mong con hiểu được, cha của con vì gia đình mình cống hiến rất nhiều, mẹ cũng không thể chỉ biết ngồi hưởng phúc, làm một người chỉ huy.
Con gái, thời đại của con hôm nay khác với các mẹ ngày xưa, giá trị của phụ nữ đã được công nhận rất lớn ở trên mọi lĩnh vực, cũng đạt được sự tôn trọng nhất định, đó chính là sự tiến bộ của lịch sử.
Nhưng cho dù có thay đổi như thế nào nữa, người phụ nữ trong gia đình vẫn luôn là người giữ lửa, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.
Mẹ hi vọng con biết được rằng, gia đình cần phải do hai bên cùng nhau duy trì và hỗ trợ, mặc dù con có thể không biết nấu cơm, nhưng con có thể rửa bát, hoặc chuẩn bị thức ăn cho chồng con nấu, ngày lại ngày, hai đứa sẽ dần phát hiện ra rằng những hành động tưởng nhỏ nhặt ấy, đời thường ấy lại là viên gạch xây dựng vững chắc tình yêu lâu bền.
Con cũng biết, ngày trước gia đình mình điều kiện chẳng dư dả gì, đồ đạc hỏng hóc cha con sửa, mẹ thì hỗ trợ, ngày cũng thế mà qua đi.
Con và chồng con cũng vậy, gặp bất cứ một vấn đề gì hai đứa hãy nghĩ xem làm sao để sửa, chứng không phải cãi nhau xem ai đúng ai sai, cha mẹ chưa từng can dự vào chuyện tình cảm của con, chồng con cũng là người con chọn lựa sau bao nhiêu người mới chọn được, ba mẹ đồng ý vì tin tưởng vào cách nhìn người của con.
Trong hôn nhân đều phải có chút ầm ĩ, có chút khắc khẩu, mẹ hi vọng hai đứa cùng nhau đi đến hết cuộc đời, dìu dắt nhau, hỗ trợ nhau.
Mẹ giúp con nuôi đứa nhỏ là vì tình yêu chứ không phải vì trách nhiệm
Mẹ còn muốn nói về vấn đề của bé Bi, hai ngày nay khi con đưa nó đi, mẹ đã nghĩ rất nhiều, quyết định nói rõ với con.
Mẹ luôn luôn có một mơ ước, sau khi về hưu có thể cùng cha con đi du lịch khắp thế giới, sau đó vẽ từng cảnh một.
Rồi mẹ nghỉ hưu, con có con, tiếp đến Uyển Uyển ra đời, mẹ biết những năm đầu sinh con, cuộc sống cực kì chật vật, vất vả, mẹ không nỡ để con cô đơn không ai giúp nên giúp con nuôi đứa trẻ đến hôm nay.
Mẹ cũng là người phụ nữ có kiến thức, đeo kính não nghiên cứu những sách giáo dục trẻ nhỏ, nhưng con gái mẹ với mẹ đều có những bất đồng về quan điểm nuôi dạy trẻ.
Con còn nhớ việc lần mẹ cho bé Bi uống thuốc, con tức giận nói rằng trong thuốc có chất kháng vitamin, có thể khiến bé Bi ngừng phát triển trong bảy ngày, bé Bi cũng là cháu mẹ, chẳng nhẽ mẹ không thương nó sao?
Con ầm ĩ dọn đồ của bé Bi rồi đưa nó về, ngày thứ hai lại ồn ào đưa nó về nhà mẹ vì tối qua con không ngủ được.
Mẹ cũng đã có tuổi rồi, trên người không đau chỗ nọ thì cũng nhức chỗ kia, buổi tối ngủ không ngon, nhưng vì giúp con nuôi bé, cũng kiên trì đến đến giờ. Giờ đây nó lớn hơn rồi, mẹ cũng có thể nghỉ ngơi, cũng đã đến lúc sống cuộc sống cho riêng mình.
Con gái, con phải nhớ, mẹ giúp con nuôi con là vì tình yêu chứ không phải nghĩa vụ. Không mong con cảm ơn, nhưng mong con có thể hiểu rõ được điều đó.
Con phải nhớ kĩ rằng, cha mẹ luôn luôn hi vọng con hạnh phúc, và hơn hết người mang lại hạnh phúc cho con, nắm tay con đến suốt cuộc đời là chồng con chứ không phải bất kì ai khác.
Nhưng, nếu sau này trong tình cảm, con gặp phải vấn đề liên quan đến nguyên tắc, tuyệt đối không được nhượng bộ.
Thư đã dài, cuối cùng mẹ chỉ muốn nhắn nhủ với con. Đừng quên rằng, cho dù mẹ có đuổi con đi, thì ba mẹ cũng mãi mãi ở bên cạnh con và yêu con hết lòng.
Mẹ mãi mãi yêu con!
Thu Minh
Theo Trí Thức Trẻ