Trong 5 năm, Microsoft già cỗi do Nadella dẫn dắt đã hồi xuân mạnh mẽ, có lúc vượt qua cả Apple về vốn hóa thị trường.
Tháng 8/2013, CEO Steve Ballmer của Microsoft chia sẻ ý định nghỉ hưu. Trong 14 năm ông lãnh đạo, Microsoft làm ăn rất hiệu quả với doanh thu tăng 3 lần và lợi nhuận tăng gấp đôi. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó Microsoft đã bị các công ty mới bỏ xa ở 3 cuộc đua quan trọng: tìm kiếm, smartphone và mạng xã hội.
Điều đó phản ánh ở giá cổ phiếu Microsoft gần như không tăng trong suốt thời kỳ lãnh đạo của Ballmer, cho thấy những nhà đầu tư có rất ít kỳ vọng vào tương lai những ngành kinh doanh chủ lực của Microsoft lúc đó: hệ điều hành Windows và phần mềm.
Vì vậy, vị trí mà Ballmer để lại được cho là không hấp dẫn, thậm chí là không an toàn. Bài viết của Bloomberg về quá trình tìm kiếm CEO tiếp theo cho Microsoft được đặt tên “Vì sao bạn không muốn làm CEO tiếp theo của Microsoft”, với ảnh minh họa có chữ “Công việc tệ nhất thế giới”.
Đó là những gì Satya Nadella, lúc đó là lãnh đạo bộ phận điện toán đám mây của Microsoft phải đối mặt khi ông được chọn làm CEO thứ 3 của công ty này vào tháng 2/2014. Tiếp quản một công ty có tuổi đời gần 40 năm, với hai người tiền nhiệm như Bill Gates và Steve Ballmer là sứ mệnh không hề dễ dàng với người đàn ông 46 tuổi. Khi cái tên Satya Nadella được tiết lộ, nhiều nhà bình luận còn cho rằng ông sẽ thất bại.
Người sáng lập Microsoft thì không nghĩ vậy. Nhận định về vị CEO mới lúc đó, Bill Gates cho biết “không ai phù hợp hơn anh ấy để lãnh đạo Microsoft”. Sau 5 năm, dường như Bill Gates đã đúng.
Những ngành kinh doanh quan trọng nhất của Microsoft đều đang hái ra tiền. Kết quả kinh doanh năm tài chính 2018, chốt vào tháng 6/2018 cho thấy doanh thu của Microsoft tăng 15%, đạt mức 110 tỷ USD. Mảng kinh doanh điện toán đám mây Azure tăng trưởng tới 91% trong năm qua, và thị phần cũng tăng gần gấp đôi từ năm 2015, dù phải cạnh tranh với những cái tên sừng sỏ như Amazon AWS hay Google Cloud. Lợi nhuận của Microsoft tăng 13% so với năm 2017.
Microsoft dưới thời Nadella cũng liên tục được nhắc tới với những thương vụ đình đám. Năm 2016, họ mua lại mạng xã hội dành cho người đi làm LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD. Năm 2018, Microsoft bỏ ra 7,5 tỷ USD để mua lại GitHub, trang web lưu trữ mã nguồn lớn nhất thế giới với 28 triệu người dùng.
Dưới sự lãnh đạo của Nadella, Microsoft còn có một loạt bước đi gây bất ngờ. Tháng 10/2014, ông đứng trước một tấm bảng với dòng chữ “Microsoft yêu Linux”, rồi chính thức gia nhập tổ chức phát triển Linux (Linux Foundation) 2 năm sau.
Kể cả trước khi sở hữu GitHub, Microsoft đã trở thành một trong những nhà phát triển mã nguồn mở lớn nhất thế giới. Đây là một sự tương phản rõ rệt Microsoft dưới thời Steve Ballmer, người từng gọi mã nguồn mở là “ung thư” vào năm 2001.
Nếu như những sự thay đổi trên còn chưa rõ ràng, hãy nhìn vào con số dễ hiểu nhất: giá trị của công ty. Kể từ khi Satya Nadella lên nắm quyền vào tháng 2/2014, cổ phiếu Microsoft đã tăng giá gần 3. Nhờ đó, giá trị vốn hóa của công ty đã vượt trên 800 tỷ USD, có lúc vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới trong năm 2018. Mục tiêu tiếp theo của họ sẽ là cột mốc 1.000 tỷ USD trong năm 2019.
Tất cả những thành công này không đến nhờ sự may mắn. Những thay đổi của Microsoft dưới thời Satya Nadella mang đậm dấu ấn từ tính cách cá nhân của ông, một sinh viên ngành khoa học máy tính nhập cư từ Ấn Độ vào Mỹ cuối những năm 1980.
Satya Nadella sinh năm 1967 tại Hyderabad, Ấn Độ. Tuổi thơ của ông gắn liền với cricket, môn thể thao được hâm mộ nhất tại Ấn Độ. Thậm chí Nadella từng mơ trở thành một cầu thủ cricket chuyên nghiệp.
Đó là trước khi cha mẹ mua cho Nadella một bộ máy tính vào năm 15 tuổi. Chính những bài học đầu tiên về thiết bị mới lạ này đã mở ra đam mê về máy tính cho Nadella. Năm 1988, ông sang Mỹ và học ngành khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin-Milwaukee. Sau khi tốt nghiệp và làm việc một thời gian ngắn tại Sun Microsystems, Nadella gia nhập Microsoft và gắn bó với công ty này từ năm 1992.
Dù không theo nghiệp vận động viên, môn cricket vẫn dạy cho Nadella nhiều bài học. Một trong những bài học đầu tiên khi ông chơi cricket là giá trị của môn thể thao đồng đội.
Trong cuộc phỏng vấn với Geekwire, Nadella kể lại một trận đấu mà ông chơi quá tệ tới nỗi đội trưởng phải cho ra nghỉ, nhưng chỉ vài phút sau ông được gọi trở lại.
“Vì sao anh ta lại làm thế? Đội trưởng có thể đập tan tinh thần tôi và đuổi tôi khỏi đội bóng, nhưng vì lý do gì đó mà anh ta đã cho tôi quay lại đội. Chính khả năng đó, sự nhạy cảm của một người lãnh đạo để kéo đội bóng đi tới kết quả tốt nhất là điều chúng ta có thể học được từ một môn thể thao đồng đội”.
Ngoài niềm đam mê thể thao, Nadella còn là một “con mọt sách” chính hiệu. Trong văn phòng của ông tại đại bản doanh Microsoft, một tủ sách dài chứa đầy sách khiến căn phòng “trông giống như một tiệm sách hơn là trung tâm đầu não của một công ty hàng đầu thế giới”, theo mô tả của nhà báo Harry McCracken từ Fast Company
“Tôi đọc vài trang ở cuốn này, rồi lại vài trang ở cuốn khác. Tất nhiên, cũng có vài cuốn sách tôi sẽ đọc từ đầu đến cuối. Nhưng tôi không thể sống thiếu sách”, CEO của Microsoft chia sẻ.
Không ít lần Nadella trích dẫn hoặc so sánh những câu chuyện ngoài đời với các chi tiết từ những cuốn sách kinh điển. Thậm chí, ông có thể dẫn lời những nhà triết học như Friedrich Nietzsche hay Đức Phật Thích Ca khi nói chuyện, nhưng không làm người khác khó chịu bởi cách nói của Nadella không tỏ ra là người khoe mẽ.
Một lần, khi giải thích về tầm quan trọng của Cortana, ông ví von:
“Nếu Othello mà có Cortana, liệu anh ta có nhận ra được bộ mặt thật của Iago”?
Chính phong cách lãnh đạo của Nadella cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuốn sách cuốn sách Mindset, do giáo sư Carol Dweck của đại học Stanford viết. Trong cuốn sách này, bà Dweck mô tả hai phong cách tư duy: người tư duy hẹp vốn hay chọn phát huy khả năng của mình thay vì thử những điều mới; và người có tư duy phát triển luôn chọn làm và học những thứ mới dù biết không phải lúc nào cũng thành công.
Ông Nadella đã chọn cách tư duy thứ hai cho Microsoft.
Từng là một công ty bị đóng khung với hai sản phẩm Windows và Office, tỏ ra trì trệ trong thời đại Internet và smartphone, Satya Nadella hiểu rằng ông phải thay đổi Microsoft, bắt đầu từ văn hóa công ty.
Đó là tiêu đề một bài viết của Cnet nhận xét về những sự thay đổi của Microsoft dưới thời vị CEO thứ 3. Microsoft do Satya Nadella dẫn dắt khác rất nhiều so với chính công ty này thời những năm 90 và 2000. Sự thay đổi lớn nhất, theo Cnet, chính là ở văn hóa của công ty.
Dưới sự lãnh đạo của Bill Gates và Steve Ballmer, những bộ phận của Microsoft thường có sự cạnh tranh rất căng thẳng. Chính Satya Nadella cũng chỉ ra sự khác biệt về cách quản lý của hai người tiền nhiệm.
“Bill không phải là người bước vào văn phòng và chúc mừng bạn vì đã làm tốt công việc. Ông ấy là kiểu ‘tôi sẽ bắt đầu bằng 20 việc mà anh đã phạm sai lầm hôm nay’”, Satya Nadella kể lại. Ballmer cũng tương tự như vậy.
Cách tiếp cận của Nadella nhẹ nhàng hơn. Một trong những giá trị quan trọng nhất của Nadella là đồng cảm, ông cho rằng sự đồng cảm không chỉ tạo ra sự gắn kết trong công việc mà thực sự sẽ giúp làm ra những sản phẩm tốt.
Chia sẻ với Fast Company, Nadella cho biết sự kiện khiến ông thay đổi chính là sự ra đời của con trai Zain vào năm 1996. Cậu bé mắc chứng bại não, và sau khi Zain ra đời người vợ Anu đã phải bỏ việc để ở nhà chăm cậu. Đó là lúc cuộc sống của cả hai vợ chồng thay đổi hoàn toàn.
“Tôi là con một trong gia đình trung lưu tại Ấn Độ, và vợ tôi cũng thế. Con trai ra đời lúc chúng tôi 29 tuổi, và tôi phải nói là chúng tôi mất nhiều năm mới chấp nhận được sự thật”’, Nadella kể lại.
“Mọi việc tôi làm tôi đều nghĩ mình ở trong hoàn cảnh của Zain, và phải cố gắng sử dụng những gì mình có để giúp thằng bé. Sự đồng cảm này là yếu tố quan trọng tạo nên tôi của ngày hôm nay. Tôi vẫn còn nhớ rõ bản thân mình trước và sau khi Zain ra đời khác nhau như thế nào”.
Khi vừa nhậm chức CEO, Nadella yêu cầu các giám đốc của Microsoft đọc cuốn sách có tựa đề “Giao tiếp không bạo lực” của tác giả Marshall Rosenberg về chủ đề hợp tác một cách hòa bình. Đó là cách ông truyền thông điệp cho những người dưới mình về sự đồng cảm.
Đó không phải giá trị duy nhất mà Nadella mang tới Microsoft. Ông còn xây dựng được một tinh thần luôn học hỏi, điều mà một công ty với hơn 100.000 nhân viên như Microsoft đang thiếu.
Khi lãnh đạo Windows Live Search, bộ phận tiền thân của Bing, Nadella quen biết Reed Hastings, CEO Netflix lúc đó còn ở trong hội đồng quản trị của Microsoft. Ông Hastings mời Satya Nadella tới các cuộc họp của Netflix trong khoảng 1 năm, và điều này đã mở ra một góc nhìn mới cho ông.
“Trời ơi, tôi học được rất nhiều. Một trong những thứ tôi nghĩ là hạn chế lớn nhất của mình, đó là tôi gần như chỉ gắn bó với Microsoft, và chưa bao giờ biết những công ty khác như thế nào”, Nadella kể lại.
Sau khi tiếp quản vị trí tại Microsoft, Nadella tới gặp bà Carol Dweck, tác giả cuốn sách Mindset. Ông muốn tìm cách thay đổi văn hóa để công ty có thể liên tục làm mới.
“Chúng tôi cần một thứ văn hóa công ty cho phép chúng tôi liên tục làm mới mình”, đó là câu hỏi của ông Nadella với tác giả Carol Dweck. Tác giả cuốn sách ngạc nhiên, và bà cho rằng Microsoft chính là một ví dụ rõ rệt nhất về một tổ chức khổng lồ nhưng không ngừng học hỏi.
Sự kiện thường niên của Microsoft từng dành riêng cho những vị lãnh đạo cao nhất của công ty. Sau khi Nadella lên nắm vị trí CEO, ông bắt đầu mời nhiều người hơn, bao gồm nhà sáng lập của các công ty startup mà Microsoft mua lại, và trong một số trường hợp, theo Wired, có cả những khách hàng của Microsoft.
Những nỗ lực thay đổi văn hóa của Satya Nadella dần khiến cho hình ảnh của Microsoft khác đi trong mắt những người ngoài cuộc. Đầu tiên là đội ngũ lãnh đạo, tới các nhân viên, khách hàng và cuối cùng là những nhà đầu tư, tất cả đều nhìn thấy và tương tác với Microsoft một cách khác đi.
“Có cả một danh sách dài những người mà Microsoft có thể đưa vào vị trí CEO. Tuy nhiên không có nhiều ví dụ về một công ty thay đổi về văn hóa ở quy mô như Satya đang làm”, Aaron Levie, CEO của Box nhận định.
Khi nhận vị trí CEO vào năm 2014, Satya Nadella được chính Steve Ballmer dặn dò “cứ là chính mình”. Hành động “là chính mình” đầu tiên của Nadella chính là cập nhật mục tiêu hoạt động của công ty.
Mục tiêu của Microsoft thời kỳ đầu, nói theo lời của Bill Gates, là “có một chiếc máy tính trên mỗi bàn làm việc và mỗi hộ gia đình, sử dụng phần mềm của Microsoft”. Với Nadella, mục tiêu mới là “Giúp cho mỗi con người và mỗi tổ chức trên hành tinh này đạt được nhiều hơn”.
Sự khác biệt ở đây chính là tư duy về vị trí của Microsoft đối với mọi thứ khác. Thay vì chọn Microsoft làm trung tâm của mọi thứ như trước đây, Nadella hiểu rằng bên ngoài còn rất nhiều cơ hội.
“Bill Gates từng nói với tôi, mỗi đồng tiền chúng ta kiếm được, bên ngoài kia còn tới 5, 10 đồng. Ông cũng nhắc tôi rằng nhiều công ty vĩ đại từng được xây dựng nên từ những dòng mã của Microsoft. Đó là thứ tôi muốn tìm lại”, Satya Nadella chia sẻ.
Trong sự kiện đầu tiên dưới cương vị CEO Microsoft, Nadella công bố phiên bản Office dành riêng cho iPad. Đó là khởi đầu của một thời kỳ mới cho Microsoft. Theo Nadella giải thích, Microsoft không còn mù quáng theo đuổi những sản phẩm mà các đối thủ đang làm, mà giờ đây chỉ tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ mà họ có một lợi thế đặc biệt.
“Nhận thức rõ ràng đó giúp cho chúng tôi đưa ra quyết định mình sẽ phải làm gì”, Nadella chia sẻ.
Hơn 1 năm sau khi lên nắm quyền, Nadella ghi nhận khoản lỗ 7,6 tỷ USD cho thương vụ mua lại Nokia, sa thải gần 8.000 nhân viên, và chính thức chấm dứt nỗ lực tự sản xuất điện thoại và hệ điều hành. Nhưng kể từ đó, hãng đã ra mắt hơn 100 ứng dụng iOS, thậm chí tham gia tổ chức mã nguồn mở Linux.
Sự cởi mở của Microsoft mới là điều rất quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh chủ lực của họ hiện nay: dịch vụ. Để cạnh tranh với những hãng đã tham gia từ trước như Amazon, Microsoft bắt buộc phải hợp tác với những công ty họ từng coi là đối thủ.
Dù đã góp phần làm thay đổi Microsoft, Nadella không để cho những thành công trong 5 năm qua làm ông tự mãn. Nadella nhận biết được rằng trong giai đoạn thành công, Microsoft giống như một chú “ngựa ô”, bởi vậy công ty này không thể ngủ quên trên chiến thắng.
“Chúng tôi tự định vị mình là một công ty của các kỹ sư. Chúng tôi càng thành công thì càng dễ mắc phải tư tưởng ‘cứ làm sản phẩm đi, khách hàng sẽ tới’, và rồi bạn càng ngày càng xa cách khách hàng”, Scott Guthrie, người lãnh đạo bộ phận Đám mây và doanh nghiệp của Microsoft giải thích.
Đó là lý do Nadella khuyến khích nhân viên Microsoft tham gia One Week. Ngoài cuộc thi hackathon, đây còn là nơi các nhà khoa học của Microsoft gặp gỡ nhau, chia sẻ và giới thiệu với nhau về những thứ mới lạ. Mục đích của One Week là giúp 131.000 nhân viên của Microsoft “tách khỏi công việc hàng ngày và nghĩ lớn, tìm cách khắc phục những vấn đề và theo đuổi đam mê”, như giới thiệu trên website của công ty.
Tiềm năng của Microsoft còn thể hiện ở những thương vụ của họ. Với LinkedIn, họ đang sở hữu 260 triệu người dùng trong độ tuổi đi làm. Github đem đến cho Microsoft mạng lưới 28 triệu nhà phát triển. Đây là những “mỏ vàng” để họ khai thác trong tương lai.
Quan trọng nhất, Microsoft cần tránh được “vết xe đổ” của chính họ trước kia, khi quá phụ thuộc vào thành công của những gì đã có sẵn.
“Chúng tôi từng dựa vào thành công trong quá khứ quá lâu, nhưng ngành công nghiệp này chẳng quan tâm đến thành công xa xưa. Cái họ quan tâm là tương lai, và thực ra ngành nào cũng vậy. Thành công trong quá khứ chẳng có ý nghĩa gì cả”, Satya Nadella chia sẻ trên Wired.
Anh Lê (tham khảo Wired, Fast Company, Cnet, CNBC, Fortune)
Đồ họa: Châu Châu
Theo Zing