Là những người có tri thức, có vị trí xã hội và đang làm những ngành nghề đòi hỏi phải gìn giữ hình ảnh cá nhân chỉn chu tử tế thì mỗi khi gặp phải vấn đề, mỗi người cần bình tĩnh giải quyết bằng đối thoại hòa nhã đặc biệt là trước mặt con nhỏ để chúng không phải chịu tổn thương tâm lý.
Nói qua cho những ai chưa kịp nắm tình hình. Có một nữ "quái khách áo đen" không được cho qua 8 kg hành lý quá cước nên giở võ mồm với nhân viên sân bay. Khoe kiến thức 4.0 chạy quảng cáo facebook 5 triệu để triệt đường chồng con của cô nhân viên (rất xinh). Tung chưởng tống vào ngực các anh nhân viên an ninh.
Đồng thời không ngừng nghỉ mở hệ thống âm thanh chế độ siêu to khổng lồ lặp lại liên tục câu "mày đánh tao đi… mày đánh tao đi, ối làng nước ơi nó đánh tôi… cướp cướp". Đánh nhịp cho điệp khúc là nhiều từ ngữ mà khi phát trên ti vi thì người ta thay vào bằng tiếng "beep".
Còn có một "Đại hiệp áo trắng" thì ngược lại. Chàng "gạt tay trúng má", "giơ chân hơi cao" vào thân thể một phụ nữ đang bế con nhỏ. Chắc cũng tình cờ thôi, cả hai người ấy lại là vợ và con của chính chàng.
Đáng lưu ý, sân khấu của hai ông bố bà mẹ nói trên đều có một khán giả đặc biệt. Là con trai của "đại hiệp áo trắng" và con gái của nữ "quái khách áo đen". Hai cháu đều khoảng 5-7 tuổi, từ đầu chí cuối chứng kiến toàn cảnh với vẻ mặt thản nhiên, hoặc ngơ ngác không hiểu chuyện gì.
Là người Việt Nam, dù đi học cao hay không, hầu như ai cũng từng nghe ông bà cha mẹ nhắc đến vài câu tục ngữ phổ biến đến mức gần như câu cửa miệng. Khi thấy người ta chép miệng: "Đúng là cha nào con nấy!", nếu cha tài giỏi/nghĩa hiệp/nhân đức, tức là khen cả cha và con-người cha may mắn sinh ra đứa con cũng tài giỏi nhân đức như mình.
Khi ngược lại, cả cha và con đều vô lại/bất nhân/vô lương… thì câu chê bai cũng trút xuống cả gia đình.
Những câu tục ngữ tương tự như "Rau nào sâu ấy", "Giỏ nhà ai quai nhà nấy" đều đúc kết sự thật là: trẻ em luôn luôn sao chép hành động của cha mẹ.
Ở độ tuổi nhi đồng, người mà trẻ em gần gũi nhiều nhất là cha mẹ. Với tâm trí ngây thơ và tâm lý ngưỡng mộ cha mẹ mà đứa trẻ nào cũng có, cha mẹ chính là những thần tượng đầu tiên. Một cách không ý thức, đứa trẻ luôn bắt chước mọi hành vi, ngôn ngữ, cách hành xử của cha mẹ.
Vì thế, trẻ em luôn được ví với trang giấy trắng. Và vì thế, cha mẹ chính là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái.
Có một câu chuyện cổ tích nổi tiếng tên là Chiếc bát gỗ. Có một gia đình nhỏ nọ, gồm ông nội, cha mẹ và một em bé. Ông nội đã già yếu nên tay run run, hay làm vỡ bát đĩa. Một hôm, người cha hì hục đẽo một chiếc bát bằng gỗ. Đứa con trai tò mò ngồi nhìn, rồi hỏi: Cha ơi, cha đẽo chiếc bát gỗ để làm gì thế? Người cha đáp: Để cho ông nội ăn, ông ăn trong bát gỗ thì không đánh vỡ bát đĩa nữa.
Vài hôm sau, người cha thấy con hì hục đẽo một cục gỗ. Ông hỏi: Con đang làm gì thế? Em bé hồn nhiên nói: Con đẽo chiếc bát gỗ này để khi nào cha già thì con cho cha ăn.
Người cha rùng mình, liền vứt chiếc bát gỗ đi và đựng thức ăn cho ông nội già yếu trong bát sứ như trước.
Những câu tục ngữ súc tích trên và câu chuyện cổ tích có nhiều biến thể ở nhiều dân tộc này là các bản tóm tắt ngắn gọn nhất của vô số công trình nghiên cứu về giáo dục tuổi thơ của các nhà khoa học.
Cách đây mới một hai năm, trên mạng xã hội Việt Nam cũng lan truyền một clip người cha quay chính con gái mình. Cháu bé khoảng năm, sáu tuổi ngồi chân co chân duỗi rất xấu mắt bên mâm cơm dọn sẵn, trừng mắt, gọi bố bằng tên, xỉa ngón tay vào bố, rít giọng càu nhàu bảo bố "đồ ham chơi" "chỉ ăn với ngủ là tài" "chả được tích sự gì" "mặt cứ nhơn nhơn ra".
Dưới đó có khá nhiều bình luận của những người thân và bạn bè của gia đình. Có một nội dung lặp đi lặp lại, khen mà thành mắng: "Không ai dạy mà tài thế. Không khác mẹ cháu tẹo nào".
Vô tình, cháu bé đã lặp lại hầu như toàn bộ dáng vẻ của mẹ khi nói chuyện với bố. Và chắc hẳn là hành vi ấy diễn ra thường xuyên, nên cháu mới bắt chước được y hệt từ cách ngồi, nét mặt cắm cảu, cái rít giọng, xỉa ngón tay, đến những lời ca thán tuyệt nhiên không đứa trẻ nào nghĩ ra được.
Còn đã làm cha làm mẹ mà không biết được những câu tục ngữ trên, thì cũng là chưa qua lớp vỡ lòng.
Life is beautiful và sự giáo dục, tình yêu thương cha con tột đỉnh
Người cha quay clip nói trên, với bà Lê Thị Hiền, ông Nguyễn Việt Lượng, khi phát tiết cảm xúc đều đã quên mất đứa con ngay bên cạnh. Quên đôi mắt của con như chiếc camera thông minh nhất đang thu lại toàn bộ và in vào não con những chuẩn mực hành xử với người thân, hay hành xử ở nơi công cộng.
Tôi khuyên những bậc cha mẹ trên nên dành thời gian đọc sách và xem phim nhiều hơn.
Hãy xem bộ phim Life is beautiful (Ý, 1997).
Trong đó, người cha Do Thái và con trai bị bắt vào trại tập trung của phát xít Đức. Hôm ấy cũng chính là sinh nhật em bé tròn 5 tuổi. Để bảo vệ tâm hồn con trước sự tàn bạo trong trại tập trung, người cha bảo con, ông đã chuẩn bị một món quà đặc biệt.
Đó là lời nói dối vĩ đại. Người cha biến chuyến đi đến trại tập trung thành điểm bắt đầu của trò chơi chúc mừng sinh nhật bé. Sự tồn tại trong trại là trò chơi lớn của rất nhiều người cả lớn lẫn bé để giành một phần thưởng là chiếc xe tăng thật (đứa bé trai nào mà chẳng thích mê xe tăng?). Những tên lính SS tàn nhẫn biến thành những người chơi đóng vai kẻ xấu hay la hét. Còn những em bé phải trốn thật kỹ. Em bé nào để họ trông thấy sẽ bị thua và mất phần thưởng.
Người cha không cho phép hình ảnh về địa ngục trần gian trong trại được tồn tại trong tâm trí con trai. Em bé chỉ thấy đó là những thử thách của trò chơi; những em bé khác biến mất vì chúng chơi thua và trở về nhà; không có lò thiêu người vì làm sao mà rút chú "hàng xóm" vẫn cùng chơi với em quẳng vào lò như một thanh củi được, đấy là trò lừa đấy.
Benigni đóng vai Guido Orefice, một người chủ hiệu sách gốc Do Thái và con trai bị bắt vào trại tập trung của phát-xít Đức.
Ngay cả khi bị dẫn đi hành hình, ông vẫn cố tình giơ chân thật cao, giữ vẻ mặt thật hớn hở để diễu qua trước mặt con trai. Hình ảnh cuối cùng của người cha trong mắt cậu bé Joshua 5 tuổi chính là hình ảnh của chiến thắng.
Nếu chưa học được những giá trị lớn lao của tình cha con mà bộ phim chuyển tải, ít nhất ông Lượng và bà Hiền hãy học người cha dạy con cách ứng xử. Ngay cả khi hai cha con bị lùa lên đoàn tàu chở người Do Thái đến trại tập trung, khi cánh cửa sắt đóng sập xuống, người cha vẫn vui vẻ kêu lên "Cảm ơn" với những tên lính SS để đứa trẻ không thấy có gì bất thường. Để làm gương cho con, như ông vẫn làm hàng ngày.
Trong sinh tử, người cha ấy đã phá vỡ những giới hạn cao nhất về thể xác và tinh thần để bảo vệ trọn vẹn tâm hồn trong trẻo của con, để bé được phát triển tâm lý như một người bình thường.
Đó chính là sự giáo dục tột đỉnh, tình yêu thương cha con tột đỉnh. Và đó là những chi tiết từ cuộc sống ba năm trong trại tập trung của chính người cha của đạo diễn bộ phim. Nó có thể được xem là những câu chuyện có thật.
Ông Nguyễn Việt Lượng là cán bộ Kho bạc. Bà Lê Thị Hiền là đại úy công an. Họ đều là những người được giáo dục cơ bản, ít nhất đã học xong đại học, có vị trí xã hội và đang làm những ngành nghề đòi hỏi phải gìn giữ hình ảnh cá nhân chỉn chu tử tế. Họ được sống trong thời bình, an hưởng cuộc sống no đủ. Những xích mích họ gặp phải chỉ là những bất đồng thông thường trong sinh hoạt, đều nhỏ nhặt, hoàn toàn có thể giải quyết bằng đối thoại hòa nhã. Ấy thế mà họ đã chọn những cách thức hành xử tồi tệ nhất.
Cả 2 đều có vị trí xã hội và đang làm những ngành nghề đòi hỏi phải gìn giữ hình ảnh cá nhân chỉn chu tử tế.
Và vì họ thản nhiên để nó diễn ra trước sự chứng kiến của hai đứa trẻ, cho nên ngoài hình dung, chính con cái họ đã phải gánh chịu tổn thương nhiều nhất trong tâm lý.
Tôi nghĩ ông bà vẫn là những người yêu thương con cái và không bao giờ muốn con mình tiếp nhận những ảnh hưởng xấu từ môi trường. Tiếc thay, sự nóng giận không kiềm chế trong vài phút sẽ phải cần nhiều năm tu dưỡng để xóa bỏ những vết đen họ đã in trong tâm thức của trẻ.
Phúc đức tại mẫu. Cha nào con nấy. Xin các ông bà dừng lại mà nhớ, để còn kịp làm gương cho con.
Trí thức trẻ