Người mua khôn một gặp lừa đảo khôn mười và những vụ lừa tiền kịch tính hơn phim

06/08/2021 13:51

Nhiều người mua nhà đất dù đã có kinh nghiệm và rất cẩn thận trong quá trình giao dịch song vẫn không thoát khỏi cạm bẫy vô cùng tinh vi được dàn dựng bởi các nhóm lừa đảo chuyên nghiệp. Sau khi chiếm đoạt hàng tỉ đồng của người mua nhóm lừa đảo liền cao chạy xa bay.

Công chứng viên Phí Văn Thành bị bắt vì vi phạm quy định Luật công chứng

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Phí Văn Thành (63 tuổi ngụ phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết), Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phê chuẩn.

Theo cơ quan điều tra, Phí Văn Thành đã vi phạm các quy định của Luật Công chứng tạo điều kiện cho đối tượng Hồ Thị Ngọc Yến (28 tuổi, ngụ xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) nhiều lần giả chữ ký, chữ viết của các chủ đất để lừa đảo nhiều người mua, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.

Vào năm 2019, Ngọc Yến cùng chồng là Huỳnh Văn Thư (36 tuổi) đã bị cơ quan công an Bình Thuận ra quyết định truy nã do liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng thủ đoạn tráo đổi sổ đỏ của bị hại một cách vô cùng tinh vi.

Cụ thể, sau khi dò hỏi thông tin và biết được bà T đang có nhu cầu bán một căn nhà trên đường Nguyễn Thái Học, TP. Phan Thiết, vợ chồng Yến cùng với nhiều đồng bọn khác ngay lập tức lên kế hoạch đóng giả người mua để tiếp cận bà T. Sau khi thương lượng và chốt giá bán ngôi nhà là 7 tỉ đồng (nhưng trong hợp đồng chỉ ghi 1 tỉ đồng) hai bên hẹn ngày ra công chứng.

Trong quá trình đó, nhóm của Yến đã làm giả một bộ hồ sơ giấy chứng nhận nhà đất mang tên của bà T. Khi ra công chứng lợi dụng sơ hở của bà T, Yến đã dùng thủ đoạn để đánh tráo sổ đỏ thật bằng sổ đỏ giả mà nạn nhân không hề hay biết. Sau khi lấy được sổ đỏ thật của bà T nhóm của Yến liền tìm người khác bán lại. Khi bà T phát hiện ra sự việc liền gọi điện với Yến thì nhóm đối tượng này đã cao chạy xa bay.

Bà T sau đó đến phòng công chứng và được công chứng viên thừa nhận có sai sót, đề nghị được đền bù nhưng bà T không đồng ý và báo cơ quan công an điều tra.

Những vụ lừa đảo nhà đất ngày càng tinh vi

Với những thủ đoạn tinh vi tương tự như trên các nhóm lừa đảo đã gây ra rất nhiều vụ án khắp cả nước. Gần đây nhất, vụ lừa đảo nhà đất do Hoàng Thị Kiều Trang (31 tuổi) cầm đầu ở Đồng Nai khiến dư luận sững sờ bởi mức độ “chịu đầu tư” của nhóm lừa đảo.

Cụ thể, biết bà N ở TP.HCM đang có nhu cầu tìm mua một thửa đất ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà nhóm của Trang liền tiếp cận. Ngay sau khi tìm hiểu thông tin về thửa đất trên Trang thuê người làm giả Giấy chứng nhận, làm giả CMND, sổ hộ khẩu mang tên chủ đất (do Trang đóng giả).

Tiếp đến đối tượng này mở tài khoản ngân hàng mới. Thậm chí thuê cả một căn nhà để làm văn phòng công chứng, làm con dấu giả rồi sắp xếp người trong nhóm đóng giả công chứng viên. Sau đó, Trang dẫn bà N đến văn phòng công chứng này để thực hiện giao dịch với các bản hợp đồng được làm giả tỉ mỉ. Sau khi công chứng, tin tưởng đã mua được đất bà N liền chuyển khoản tiền 4 tỉ đồng cho Trang.

Nhóm Trang sau khi chiếm được tiền đã tiêu huỷ giấy tờ và bỏ trốn. Tuy nhiên, những đối tượng này sau đó đã bị Công an Đồng Nai bắt giữ điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong năm 2020, Công an điều tra tỉnh Bình Phương cũng phá vụ án lừa đảo nhà đất do nhóm đối tượng Trịnh Thanh Tâm (Cần Thơ) và Đoàn Văn Huy (An Giang) cầm đầu. Bằng thu đoạn làm giả giấy tờ, sổ đỏ của nhiều nhà đất nhóm đối tượng này sau đó rao bán với giả rẻ để dụ nhiều người mua. Trước khi bị phát hiện nhóm lừa đảo này đã chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng của nhiều nạn nhân.

Anh Sơn, một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ, trong những năm gần đây nhiều vụ lừa đảo bằng cách làm giả giấy tờ nhà đất diễn ra với thủ đoạn tinh vi, khó phân biệt ngay cả với những người có kinh nghiệm. Những đối tượng lừa đảo thường có tổ chức chặt chẽ và cách thức triển khai được dàn dựng tỉ mỉ khiến người mua ngay cả khi mất tiền, mất giấy tờ cũng không hề hay biết.

Theo anh Sơn để tránh rủi ro, với người có nhu cầu bán nhà đất thì nên cẩn trọng khi tiếp xúc với bên mua, không nên cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân, giấy tờ, sổ đỏ (bản gốc) mà chỉ sử dụng bản phô tô khi người mua có nhu cầu. Nếu không may phát hiện bị mất giấy tờ, sổ đỏ thì ngay lập tức báo cơ quan công an.

Với những người có nhu cầu mua thì nên tìm hiểu kỹ thông tin về khu đất, pháp lý, đặc biệt đề phòng khi khu đất có giá bán rẻ một cách “bât thường”. Bên cạnh tiếp xúc với người bán thì người mua cũng nên tìm đến các văn phòng đăng ký đất đai, chính quyền địa phương để hỏi rõ hơn về thông tin của khu đất mình định mua.

Theo Phong Vân/Cafeland