Người Nhật có cuốn sổ chi tiêu 'bí mật' hiệu quả thế nào mà đến người Mỹ cũng muốn dùng?

11/10/2021 07:19

Kakeibo là một phương pháp quản lý chi tiêu hiệu quả của người Nhật bao gồm một cuốn sổ để ghi thu - chi theo từng tháng. Cách làm này không chỉ phổ biến ở Nhật mà ngay cả những người trẻ ở Mỹ cũng đang dần áp dụng.

Nhật Bản là một đất nước kỷ luật nhất thế giới, ở mọi lĩnh vực. Trong đó, tài chính cá nhân của mỗi người ở đây cũng được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi phương Tây nổi tiếng với những khoản nợ nần và chi tiêu quá mức thì từ 117 năm trước, người Nhật đã nghĩ ra phương pháp phân tích ngân sách hợp lý. Cách làm đó có tên là “kakeibo”.

Kakeibo dịch là “sổ cái tài chính hộ gia đình” được phát minh vào năm 1904 bởi một phụ nữ tên là Hani Motoko (nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản). Đây được coi là một trong những cách tiếp cận đơn giản, không rườm rà để quản lý tài chính của một người.

Trên thực tế, có rất nhiều người thường xuyên có thói quen mua sắm khi cảm thấy buồn chán, căng thẳng hoặc không hài lòng về điều gì đó. Đôi khi, những cảm xúc ấy khiến họ bội chi và vượt quá khả năng thanh toán. Họ có thể nhận ra điều đó nhưng để thay đổi là điều không dễ dàng vì nó đã ăn sâu vào suy nghĩ hàng ngày. Kakeibo giúp thay đổi điều đó, phương pháp này đã trở nên phổ biến không chỉ ở Nhật Bản, các nước châu Á mà còn tiến sang Mỹ, khi những người trẻ ngày càng quan tâm hơn đến tài chính cá nhân.

pexels-photo-7845467-jpeg79-8430-1633791

Kakeibo là phương pháp quản lý chi tiêu nổi tiếng hiệu quả của người Nhật. Ảnh: Pexels

Cuốn sổ thần kỳ

Giống như tất cả các hệ thống lập ngân sách, ý tưởng đằng sau kakeibo là giúp một người hiểu mối quan hệ của mình với tiền bạc bằng các giữ một cuốn sổ về thu – chi. Tuy nhiên, điều khiến kakeibo khác biệt là nó không liên quan đến bất kỳ phần mềm hay trang tính excel nào, chỉ là những gạch đầu dòng và nó nhấn mạnh đến việc viết ra mọi thứ một cách vật lý. Đây có thể là cách “thiền” để quan sát thói quen chi tiêu của một người.

Nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của việc viết bằng tay, đó là có thể giúp một người thay đổi tích cực từ việc nhận thức và thừa nhận những nguyên nhân đằng sau thói quen xấu.

Theo phương pháp kakeibo, một người phải tự hỏi bản thân những câu hỏi sau trước khi mua bất cứ mặt hàng không thiết yếu nào, hoặc những thứ mua một cách bốc đồng, không nhất thiết phải có.

- Tôi có thể sống mà không có món đồ này?

- Dựa vào tình hình tài chính của mình, tôi có đủ khả năng chi trả không?

- Tôi sẽ thực sự sử dụng nó?

- Tôi có thời gian cho nó không?

- Làm thế nào tôi bắt gặp nó lần đầu tiên, có phải trên một cuốn tạp chí hay khi lang thang trong cửa hàng lúc buồn chán không?

- Tình trạng cảm xúc của tôi hôm nay là gì? Bình tĩnh, căng thẳng, hạnh phúc, cảm thấy tồi tệ về bản thân?

- Tôi cảm thấy thế nào khi mua nó, hạnh phúc,  hứng thú, thờ ơ, và cảm giác này sẽ kéo dài trong bao lâu?

Sau khi trả lời những câu hỏi này, một người sẽ hoàn toàn trung thực về “nhu cầu” và “mong muốn” của họ. Kết quả là họ sẽ giỏi hơn trong việc đưa ra quyết định một cách hợp lý là có nên chi tiền cho mặt hàng đó hay không. Tất nhiên, kakeibo cũng không được thiết kế để cắt đứt cảm xúc của mỗi người. Lời khuyên là, có thể mua hoa trong những lúc đó để cảm thấy bản thân được vỗ về.

kakeibo-budgeting-system-page-8590-2518-

Mỗi tháng, một người nên lập ra bảng như thế này để hoạch định được ngân sách. Ảnh: Collectingcents

Thực tế áp dụng phương pháp Kakeibo

Trong cuốn sổ, một người nên ngồi xuống và viết vào mỗi tháng, sớm nhất là ngay sau khi nhận lương.

- Bước số 1: Thống kê số tiền đang có

Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí cố định như tiền nhà (nếu phải đi thuê), tiền điện nước, các hóa đơn thì số tiền còn lại sẽ là tiền một người được tiêu. Hãy ghi con số đó ra.

-Bước số 2: Đặt mục tiêu tiết kiệm

Bước này giúp một người có những mường tượng đầu tiên về cách sử dụng số tiền mình đang có như thế nào. Và mục tiêu tiết kiệm chính là cách để hạn chế mua sắm mỗi ngày.

- Bước số 3: Ghi chép chi tiêu

Chia trang giấy thành 4 cột với mỗi nội dung như sau:

Các khoản chi cần thiết: Ăn uống

Khoản chi mong muốn: Đây là những khoản có thể thương lượng nên mua hay loại bỏ: như cà phê, đồ ăn vặt, đi ăn cùng bạn bè…

Giải trí

Phát sinh

Trong suốt 1 tháng, hãy ghi lại mọi thứ được chi tiêu vào các cột một cách chính xác nhất. Sau đó, khi tổng hợp lại, hãy so sánh thu – chi để biết có nên cắt giảm một khoản nào đó và thực hiện nó vào tháng sau hay không.

- Bước số 4: Đánh giá

Khi thực hiện phương pháp kakeibo được 2 hoặc 3 tháng sẽ là lúc một người nhìn lại và đánh giá xem liệu họ đã đạt được mục tiêu tiết kiệm hay chưa. Nếu chưa đạt, hãy tiếp tục thay đổi thói quen để bỏ ra được nhiều tiền hơn. Còn nếu đã đạt được mục tiêu rồi thì tùy vào tình hình, người đó có thể giữ nguyên ở mức đó hoặc thắt chặt hơn trong tương lai.

kakeibo-budgeting-system-1024x-1840-5587

Ảnh: Northfolk

Lập ngân sách không phải là chuyện đơn giản nhưng cách người Nhật loại bỏ những thói quen cũ đã giúp họ kiểm soát tốt hơn của cuộc sống của mình. Ngoài ra, người Nhật còn có một số “mẹo” khác giúp hạn chế được thói quen mua sắm quá đà.

Để thẻ ngân hàng ở nhà

So với việc vô tư quẹt thẻ thì cảm giác nhìn thấy tiền mặt cứ thế “đội nón ra đi” khỏi ví cũng khá đau đớn. Vì thế, nếu đang trong thời kỳ thắt chặt chi tiêu, xin đừng mang thẻ ngân hàng ở bên người để tránh mua sắm mất kiểm soát.

Cân nhắc sử dụng phong bì ngân sách

Sau khi lĩnh lương, một người có thể chia ra những chiếc phong bì với nhiều mục đích khác nhau. Mỗi tháng, hãy cố gắng chỉ tiêu đúng số tiền trong phong bì đó cho đúng mục đích được ghi ở bên ngoài.

Cho bản thân 1 ngày để suy nghĩ

Hầu hết các giao dịch trong danh mục “muốn” thường là xu hướng bốc đồng. Đối với những mặt hàng này, cách tốt nhất là hãy đặt nó xuống và để suy ngẫm sau 1 ngày xem liệu mình có thực sự cần nó không. Ai cũng có thể bị thu hút bởi một món đồ chơi mới nhưng mục tiêu tiết kiệm thì vẫn phải hoàn thành. 

Theo CNBC, Collectingcents

Theo Phương Kim/NDH