Cựu viên chức chính phủ Sheryl Sandberg chuyên biến những startup như Google và Facebook thành tập đoàn siêu lợi nhuận.
Khi tìm một người dẫn dắt doanh nghiệp muốn nhân quy mô gấp bội, giới đầu tư Mỹ thường nói với nhau: "Tôi sẽ kiếm cho anh một Sheryl Sandberg".
Người phụ nữ quyền lực thứ 5 thế giới này từng đưa bộ phận kinh doanh của Google từ 4 lên 4.000 người. Và kể từ khi Facebook có Sandberg làm giám đốc vận hành (COO), doanh thu của họ tăng 150 lần sau 10 năm.
Mark Zuckerberg sáng lập ra mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, nhưng Sheryl Sandberg mới là người chịu trách nhiệm chính biến nó thành mô hình sinh lợi nhuận khổng lồ từ khi được thuê về năm 2008.
Thế nhưng sẽ không doanh nhân nào muốn kiếm Sheryl Sandberg trước năm 30 tuổi, khi rủ rê kinh doanh hồi ấy sẽ là một lời xúc phạm với nữ viên chức chính phủ.
COO Facebook từng gây dựng bộ phận kinh doanh cho Google từ lúc không có gì. Ảnh: TIME.
Bài học về sức mạnh biến đổi của con người
Người phụ nữ quan trọng nhất Facebook lớn lên cùng lời răn dạy: "Đừng kinh doanh. Làm bác sĩ sẽ tốt cho con". Bố Sheryl Sandberg là một bác sĩ. Em trai và em gái bà đều hoạt động trong ngành y, một trong hai cưới một bác sĩ khác.
Sandberg khởi đầu sự nghiệp tại Ngân hàng Thế giới. Bà đến Ấn Độ theo các dự án y tế về bệnh phong, AIDS và mù lòa sau khi tốt nghiệp đại học. Lý tưởng với cô gái trẻ hồi ấy là công tác trong nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ (NGO), và nếu ai hỏi có định làm cho giới tư nhân thì đó là một lời xúc phạm.
Tham gia chương trình điều trị phong tại quốc gia Nam Á, Sandberg hiểu bệnh này dễ chẩn đoán qua những vết thương xuất hiện trên da. Nhưng vì mặc cảm, bệnh nhân thường giấu đi thay vì tìm đến sự chăm sóc. Bà thấy không phải nhân viên y tế mà chính những lãnh đạo cộng đồng hiểu ra cần xóa bỏ mặc cảm trước khi mong xóa bệnh tật. Họ viết kịch và bài hát để khích lệ mọi người bước ra khỏi nỗi sợ.
Đó là bài học giúp cô gái trẻ nhận thấy công nghệ không phải vấn đề lớn nhất mà chính là con người.
Sheryl Sandberg và người chồng mất năm 2015. Ảnh: Bloomberg.
7 năm sau, Sandberg là viên chức trong Bộ Tài chính Mỹ và có định kiến về giới doanh nhân: tất cả đều mặc suit. Riêng Eric Schmidt, CEO Google từ năm 2001 đến 2011, thì không.
Trên bàn ăn của quán pizza địa phương, Schmidt mặc jeans, cùng thảo luận những hoài bão lớn với Sandberg và Jerry Yang (nhà sáng lập Yahoo!). Họ thậm chí không ngại vét thức ăn trong đĩa của nhau. Đó là lúc một chân trời mới mở ra cho Sandberg. Bà bị thuyết phục rằng những doanh nhân này không vì lợi nhuận mà thực sự tâm huyết với sứ mệnh.
Nữ viên chức rời chính phủ bước vào địa hạt công nghệ năm 2001. Bà đến thung lũng Silicon để làm giám đốc mảng kinh doanh của Google. Chỉ có điều startup Google hồi ấy còn chưa có mảng kinh doanh nào hết. Nhóm của Sandberg mới gồm 4 người.
Thời điểm "nữ tướng" rời Google sau 7 năm cống hiến, nhân sự bộ phận bà phụ trách đã lên 4.000 người.
Xây 'ngôi nhà' mới với giao ước trường kỳ
Khi Sheryl Sandberg gặp CEO Facebook Mark Zuckerberg tại một buổi tiệc Giáng sinh tháng 12/2007, cả hai nhanh chóng gây ấn tượng với nhau và trở thành bạn bè.
Mặc dù vậy, để Zuckerberg kéo Sandberg từ Google về làm COO cho Facebook, họ mất tới 3 tháng thăm dò xem có hợp làm cộng sự. Hai người dành nhiều giờ mỗi tuần thảo luận tương lai Facebook khi startup mạng xã hội này tính nhân quy mô. Xung đột tầm nhìn giữa hai khối óc nhanh chóng lộ ra.
Chồng chính là người xoa dịu tâm trí Sandberg bằng nhận định bà "tuyệt nhất quả đất". Dave Goldberg bảo vợ: "Đừng cố tháo gỡ tức thì. Sẽ chẳng bao giờ em làm được. Điều cần thiết từ Mark là sự đồng thuận áp dụng một quy trình giải quyết từng bước. Bởi nếu định giải đáp mọi câu hỏi bây giờ, chúng rồi cũng thay đổi thôi".
Sandberg về với Facebook tháng 3/2008. Bà và Zuckerberg đồng ý dành cho nhau những góp ý chân thành, trao đổi thông tin mới mỗi sáng thứ hai và tổng kết cùng nhau vào thứ sáu. Giao ước này được bộ đôi duy trì suốt 10 năm qua.
CEO và COO Facebook là bạn bè cách nhau 15 tuổi và không coi nhau như cấp trên hay dưới. Ảnh: Somtribune.
Mất mát và tình bạn với Zuckerberg
Hai năm nhọc nhằn nhất của Sandberg tại vị trí giám đốc vận hành Facebook là từ 2015 đến 2017. Tháng 5/2015, chồng bà, Dave Goldberg, đột ngột qua đời.
Hai vợ chồng đang đi nghỉ ở Mexico. Goldberg đến phòng gym và trên máy chạy bỗng bị loạn nhịp tim. Khi ông được đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn. Sau đó là thời gian dài chật vật để Sandberg giữ vững sợi dây với đồng nghiệp và vượt qua mất mát đôi khi quá sức chịu đựng.
10 ngày sau cái chết của Goldberg, hai con quay lại trường học và COO Facebook trở về với công việc. Lúc đó, rời nhà là giải pháp tốt hơn cho họ, vì 10 phút tập trung trong một cuộc họp là 10 phút Sandberg có thể tạm quên nỗi đau.
Từ sự việc của Sandberg, năm ngoái, Facebook đã nhân đôi thời gian nghỉ phép cho nhân viên mất người thân ruột thịt từ 10 lên 20 ngày. Theo chính COO tập đoàn, chính sách này cần thiết không khác chế độ thai sản.
Sau khi chồng Sandberg qua đời, Zuckerberg là một trong những chỗ dựa quan trọng nhất giúp người đồng nghiệp vượt qua bi kịch. Anh tham gia lên chương trình đám tang Goldberg. CEO Facebook thậm chí cùng vợ Priscilla Chan thực hiện kế hoạch đưa Sandberg và các con bà tới bờ biển cho khuây khỏa đầu óc.
Nữ lãnh đạo 48 tuổi thừa nhận chính sự trợ lực của Zuckerberg đã giúp bà chống chọi với những tháng ngày sau cú sốc. Ông chủ Facebook hết lần này đến lần khác ngồi lại trong phòng họp với Sandberg và như thể: "Chúng ta sẽ cùng vượt qua chuyện này và chúng tôi muốn ở cạnh cô".
Hai đôi vợ chồng từng dùng bữa tối thân mật cùng nhau và là bạn bè từ trước cả khi Sandberg nhận việc.
Giữa CEO và COO Faceboook vừa là tình bạn vừa là quan hệ công việc khăng khít, và chưa bao giờ mang sắc thái chủ tớ. Thậm chí Sandberg còn thường xuyên hiện diện thay cho Zuckerberg như một người đứng đầu thực thụ của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu.
Quốc Việt
Theo Master of Scale