Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Người phụ nữ quyền lực tại Unilever Việt Nam

14/03/2018 22:30

Mỗi ngày bước vào văn phòng, ngang qua dãy bàn làm việc của nhân viên, bà Nguyễn Thị Bích Vân, 46 tuổi, sau 22 năm làm việc tại Unilever Việt Nam, vẫn cảm thấy được tiếp thêm năng lượng từ “những nhân tài và lãnh đạo đầy cảm hứng” mà bà “may mắn có cơ hội làm việc chung”. Sau một năm được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch Unilever Việt Nam, bà Vân dẫn dắt đội ngũ 1.500 nhân viên viết tiếp một năm thành công cho công ty.

Khảo sát năm ngoái của Kantar Worldpanel tại bốn thành phố chính là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và khu vực nông thôn trong ba năm kể từ năm 2015, Unilever xếp vị trí dẫn đầu về giá trị các sản phẩm tiêu thụ tại nhà của ngành hàng chăm sóc cá nhân và chăm sóc nhà cửa, hai nhánh lớn của tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này chứng tỏ việc chuyển giao quyền điều hành sau hơn hai thập kỷ thuộc về người nước ngoài bước đầu thành công. “2017 là năm Unilever Việt Nam tăng trưởng kinh doanh tốt và nhận được nhiều giải thưởng từ Unilever toàn cầu và chính phủ Việt Nam, một năm khởi đầu may mắn cho tôi ở vị trí này,” bà Vân nói. Theo bà, mức tăng trưởng của Unilever Việt Nam trong năm qua tiếp tục vượt qua tăng trưởng chung của ngành FMCG Việt Nam, ước tính 5,3% về giá trị tiêu thụ tại nhà ở khu vực thành thị và 4,4% tại nông thôn, theo Kantar WorldPanel.

Thời điểm diễn ra cuộc phỏng vấn giữa bà Vân và Forbes Việt Nam đánh dấu một năm bà đảm nhiệm vị trí chủ tịch Unilever Việt Nam. “Chia sẻ tin vui với gia đình” khi biết tin bổ nhiệm, bà Vân cho biết bên trong bà có một cảm xúc trộn lẫn giữa vui và băn khoăn. “Hơn 20 năm qua Unilever Việt Nam rất thành công, 20 năm tới của Unilever sẽ như thế nào. Trong nhiệm kỳ lãnh đạo, mình phải đặt ra những tham vọng lớn nữa để đưa công ty đi tới.”

Nỗi băn khoăn của bà Vân hoàn toàn có cơ sở, bởi bà thừa hưởng một nền tảng tương đối vững chắc. Khi bà tiếp quản, thương hiệu Unilever với dải sản phẩm rộng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nhanh của người dân Việt Nam từ chăm sóc răng, tóc, đến các sản phẩm vệ sinh nhà cửa, ăn uống, trà, kem. Theo ước tính của công ty, mỗi ngày có khoảng 35 triệu người tại Việt Nam tiêu dùng các sản phẩm của họ. Công ty nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực sản xuất tại diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2017. Unilever đã đầu tư hơn 300 triệu đô la Mỹ vào hai nhà máy sản xuất, một tại Củ Chi (TP.HCM) và một nhà máy mới đưa vào hoạt động năm ngoái ở Bắc Ninh nhằm mở rộng thị trường phía Bắc.

“Thị trường chưa bao giờ sôi động như vậy,” bà Vân nhận định. Thị trường FMCG đáp ứng nhu cầu của đất nước gần 94 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng kéo theo sự thay đổi không ngừng của thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của kênh bán lẻ mới như thương mại điện tử khiến cho cuộc cạnh tranh giữa Unilever và các doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước trở nên sôi động. Chưa kể “các nhãn hàng nội địa vượt trội hơn so với các đối thủ quốc tế trong nhiều ngành hàng ở khu vực nông thôn, nơi các đối thủ quốc tế vẫn chưa khai thác hết,” theo David Anjoubault, giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Vietnam. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ được ngôi vị đầu bảng của Unilever trong năm qua là một thành công.

“Có những lãnh đạo luôn sẵn sàng chấp nhận thách thức của thị trường và dẫn dắt doanh nghiệp thành công. Bà Vân thuộc nhóm lãnh đạo như vậy,” Trần Vũ Hoài, phó chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ với Forbes Việt Nam: “Bà Vân dẫn dắt thành công các nhãn hàng, sau đó mở rộng lên ngành hàng.” Vào Unilever làm việc năm 1996, đến năm 2000, bà Vân phụ trách mảng tiếp thị ngành hàng chăm sóc cá nhân. Năm 2006, bà lên vai trò quản lý. Năm 2015, làm việc tại Việt Nam nhưng bà Vân phụ trách phát triển khách hàng cho toàn khu vực Đông Nam Á, Úc, New Zealand, một vị trí ông Hoài miêu tả là “thường hợp với nam giới”. Ông giải thích thêm: “kinh doanh là phải đi, đối mặt và giải quyết nhiều thách thức từ thị trường”. Công bố của Unilever ở hội nghị đầu tư 2015 tại Việt Nam, Unilever chỉ có duy nhất một ngành hàng khử mùi ở vị trí thứ hai, các ngành hàng khác đều đứng đầu: chăm sóc tóc, da, mặt, răng miệng, giặt tẩy, nước xả, nước rửa tay, thực phẩm. Báo cáo của Euromonitor, năm 2016, Unilever thống trị ngành hành nước rửa chén Việt Nam với 56% thị phần nổi bật với Sunlight, 46% thị phần kem đánh răng với P/S và Close-Up, 40% thị phần chăm sóc tóc nổi bật với Dove và Sunsilk, 12% thị phần chăm sóc da với Pond’s và Vaseline, 10% ngành kem với Wall’s.

Trong cuộc so kè giữa hai doanh nghiệp đầu ngành FMCG là Unilever và P&G tại Việt Nam, trong khi P&G xây dựng hệ thống phân phối chỉ dựa trên vài nhà phân phối lớn thì Unilever chia nhỏ đầu mối bán buôn, gồm khoảng 150 nhà phân phối và hơn 300 ngàn nhà bán lẻ. Cả hai doanh nghiệp này đạt đến độ bao phủ trên 80% số điểm bán hàng. Mạng lưới rộng khắp giúp Unilever thành công trong việc tiếp cận khách hàng ở mọi vùng miền trên cả nước Việt Nam.

Unilever thâm nhập thị trường Việt Nam tháng 9.1994 thông qua Lever Haso, liên doanh đầu tiên giữa Unilever với một công ty con thuộc tổng công ty hóa chất Việt Nam (Vinachem), trước vài tháng so với P&G. Tháng 2.1995, Unilever tham gia liên doanh thứ hai Lever Viso (liên doanh này về sau sáp nhập với liên doanh đầu, nay là Unilever Việt Nam). Từ đó, tăng trưởng của công ty luôn đạt hai con số, theo Unilever tự công bố. Thông cáo báo chí của Unilever, họ đã hoàn tất mua lại 33,3% cổ phần từ Vinachem năm 2009, trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

 

Xu hướng nổi lên gần đây ở các công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam, khu vực đóng góp khoảng 23% vốn đầu tư toàn xã hội theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, là việc chuyển giao quyền điều hành cho các nhân sự địa phương đủ năng lực, phẩm chất. Điều này đồng thời giúp họ giảm chi phí nhân sự. Simon Matthews, tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông chia sẻ, tỉ lệ lãnh đạo cấp cao là người bản xứ không ngừng gia tăng qua các năm. Tại Việt Nam, có một số trường hợp CEO là người Việt có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các công ty đa quốc gia như CEO của HSBC hay Sanofi tại Việt Nam. Dù vậy, tỉ lệ này vẫn còn thấp. Thống kê vể tổng chỉ số Nhân lực (Total Workforce Index) mới nhất của ManpowerGroup, Việt Nam có tổng cộng 55,92 triệu nhân lực, thì chỉ có 10,4% có trình độ kỹ năng cao và chỉ có 5% tổng số nguồn nhân lực này có kỹ năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. “Rõ ràng con số này chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay,” ông Simon cho hay. Hầu hết các nhân lực có kỹ năng lãnh đạo đạt chuẩn mà các công ty đa quốc gia đang tuyển dụng đều là những người được đi học hoặc tu nghiệp ở nước ngoài. Một giải pháp khác là doanh nghiệp FDI tự xây dựng các chương trình đào tạo hoặc nhờ các công ty nhân sự tư vấn đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng mà họ mong muốn. “Họ phải làm điều đó mặc dù việc này khá tốn kém,” ông Simon nhận xét.

Unilever đang đi theo hướng này. Quá trình địa phương hóa nhân sự của Unilever diễn ra nhanh hơn ở các nước khác, theo bà Vân, bắt đầu từ năm thứ tư sau khi họ vào thị trường thông qua chương trình Nhà lãnh đạo tương lai Unilever – Unilever Future Leaders Programme (UFLP). Đây là một chương trình của Unilever toàn cầu được địa phương hóa, đã tuyển chọn và phát triển hơn 300 tài năng Việt Nam. “Chiến lược của Unilever là xây dựng chứ không đi thuê hay ‘mua’ người trên thị trường. Chúng tôi khác so với các công ty khác,” bà Vân chia sẻ. Quá trình thăng tiến của bà Vân cũng là một phần thành quả từ chương trình đào tạo này. So với những ngày đầu, Unilever Việt Nam chỉ có một thành viên người Việt trong ban điều hành, hiện tại là 7/9, trong đó có năm nữ.

Người phụ nữ quyền lực tại Unilever Việt Nam có vẻ ngoài nữ tính, điệu đà. Trong suốt cuộc nói chuyện, bà thường không quên để ý vuốt hai bên tóc vốn đã được chăm chút khá kỹ lưỡng. Cách tư duy là điều khiến cho bà trở nên hoàn toàn khác biệt. Trong buổi phỏng vấn một tiếng đồng hồ với tạp chí Forbes Việt Nam, ở hầu hết câu trả lời, bà Vân sắp xếp các ý rất nhanh chóng và thể hiện gãy gọn các lập luận bằng trật tự rõ ràng “thứ nhất là”, “thứ hai là”, “thứ ba là”… Ông Hoài, thành viên ban điều hành vốn sớm nhìn thấy con đường thăng tiến của bà Vân dựa trên ba thế mạnh khá nổi trội của bà là tố chất lãnh đạo, sự quyết tâm và khả năng phân tích sắc sảo: “Tôi đã nghĩ nếu tập đoàn có một chủ tịch người Việt đầu tiên, chắc chắn có bà Vân ở đó.” Đôi khi, cuộc phỏng vấn bị xen ngang, nhưng nhanh chóng tiếp tục do bà Vân luôn bắt đúng điểm dừng của câu chuyện đang dang dở. “Trong quá trình phát triển của tôi tại Unilever, tôi đam mê xây dựng những nhãn hàng, làm sao để người tiêu dùng dùng sản phẩm xong sẽ yêu mến nhãn hàng và làm sao cho khách hàng, những người đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cùng yêu mến nhãn hàng,” bà Vân chia sẻ. Theo bà, nếu có thời gian, bà sẽ đi thị trường để gặp người tiêu dùng hoặc người bán hàng để được truyền cảm hứng.

Chia sẻ kinh nghiệm một năm ở vị trí chủ tịch của công ty đa quốc gia, bà Vân cho hay: “Lãnh đạo trong môi trường đa quốc gia đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất lớn. Thứ nhất, phải hiểu được tầm nhìn của tập đoàn và xác định được vai trò của mình trong bức tranh đó là gì. Thứ hai, môi trường làm việc của tập đoàn đa quốc gia rất đa dạng nên đòi hỏi khả năng làm việc, giao tiếp, suy nghĩ trong môi trường đó. Để kích thích mọi người đưa ra những ý tưởng tốt, đòi hỏi tài lãnh đạo, khả năng hiểu văn hóa đa quốc gia như thế nào nhưng cũng phải hiểu tính cá nhân của từng người để vừa tôn trọng họ vừa kết hợp những tài năng, dẫn dắt đội ngũ đi đến một mục tiêu chung trong cùng một khoảng thời gian. Kỹ năng này không dễ vì càng nhiều nhân tài càng khó đi đến một đích chung.”Bà Vân, hiện là mẹ của một cậu con trai 10 tuổi nhận định, khái niệm làm CEO ngày hôm nay không còn là ở vị trí “ra lệnh từ trên xuống mà là một người phục vụ cho bao nhiêu người khác”, họ cần “định hướng, sau đó trao quyền lực cho nhân viên để họ ra quyết định mỗi ngày”. Chủ tịch công ty dẫn đầu ngành hàng FMCG từ chối trả lời thẳng các câu hỏi về dấu ấn cá nhân của bà trong một năm tại vị, chỉ chia sẻ tham vọng chung trong chiến lược phát triển của công ty sắp tới, Unilever sẽ tiếp tục ở “đỉnh của việc phát triển sản phẩm hay phục vụ người tiêu dùng.”

Bài viết: Minh Thiên
Ảnh:Maika Elan
Theo Forbes Viet Nam
 

Bạn đang đọc bài viết "Người phụ nữ quyền lực tại Unilever Việt Nam" tại chuyên mục Doanh nhân.