Nhà vật lý nổi tiếng Einstein thông minh ra sao thì đã có quá nhiều câu chuyện nói về nó, nhưng có lẽ nhiều người chưa biết 1 giai thoại thú vị liên quan đến tài xế riêng của ông.
Khi Thuyết tương đối của Einstein trở nên nổi tiếng, ông được mời đến diễn thuyết về lý thuyết này. Einstein thường đi bằng ô tô, và dù đi đâu thì ông cũng đi cùng với tài xế riêng của mình. Trong mỗi buổi diễn thuyế, tài xế của Einstein thường ngồi ở hàng cuối.
Một hôm, Einstein đang trên đường đi tới một buổi diễn thuyết thì đột nhiên tài xế của ông cất lời: "Thưa ngài, Thuyết tương đối của ngài đơn giản đến mức đến tôi cũng diễn thuyết được. Tôi đã nghe nó nhiều đến mức nhớ được từng lời mà ngài nói về nó".
Thay vì cảm thấy bực mình, Einstein lại coi đó là một lời khen, vì ông rất vui khi được biết rằng, thậm chí tài xế của ông, người không có chút hiểu biết gì về khoa học mà còn hiểu được lý thuyết của mình.
Vào thời đó, các công nghệ truyền thông chưa phát triển như bây giờ, và thậm chí nhiều người còn chưa biết mặt Einstein. Vì thế, Einstein nói với tài xế của ông: "Vậy chốc nữa, tôi muốn anh là người trình bày lý thuyết của tôi".
Người tài xế đồng ý. Khi họ đến điểm hẹn, 2 người thay đổi quần áo. Người tài xế ăn vận như một nhà khoa học, còn Einstein thì mặc như một tài xế rồi cả 2 bước vào sảnh lớn.
Cuối cùng, người tài xế bước lên bục và bắt đầu trình bày Thuyết tương đối của Einstein xuất sắc đến mức không ai nghi ngờ gì.
Sau buổi thuyết trình là màn đặt câu hỏi của những người tham dự. Hầu hết các câu hỏi ở buổi thuyết trình này đều giống như ở những buổi trước đây nên người tài xế đã dễ dàng tự xử lý được.
Tuy nhiên đến cuối cùng, có một người tham dự đã đặt ra một câu hỏi khó khiến người tài xế không biết phải trả lời làm sao.
Lúc này, anh ta biết rằng nếu bản thân thú nhận là tài xế của Einstein thì sẽ làm cho Einstein mất thể diện, cũng như gây ra ấn tượng xấu cho toàn bộ hội trường ngày hôm ấy.
Chính vì thế, sau khi suy nghĩ một lúc, người này đã trả lời: "Câu hỏi của anh dễ đến mức đến tài xế của tôi cũng có thể trả lời được. Anh ta đang ngồi ở hàng ghế cuối, anh cứ đến hỏi anh ta mà xem".
Einstein kinh ngạc vô cùng trước phản ứng nhanh nhạy và hết sức thông minh của người tài xế. Ông đã trả lời câu hỏi đó và buổi thuyết trình đã kết thúc một cách tốt đẹp.
Bài học rút ra: Sự nhanh trí có thể giúp bạn lật ngược thế cờ, thoát khỏi những tình huống khó khăn một cách không ngờ
Câu chuyện thứ 2: Những mẩu giấy trong gió
Ngày xửa ngày xưa trong 1 ngôi làng có 1 ông lão không thích người hàng xóm trẻ của mình. Vì thế, ông ta đã lan truyền tin rằng, "hàng xóm của tôi là 1 tên trộm".
Một ngày kia, một vụ trộm xảy ra trong khu vực, và vì lời đồn ấy, mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào người thanh niên kia. Cuối cùng, anh ta bị bắt.
Vài ngày sau, cảnh sát người ta tiến hành điều tra xong và kết luận người thanh niên bị oan nên đã thả anh ta ra. Anh ta cảm thấy vô cùng mất mặt khi đi bộ về nhà và quyết định kiện ông lão hàng xóm vì đã tung tin đồn thất thiệt hại anh ta.
Tại tòa, khi thẩm phán hỏi người đàn ông rằng tại sao lại đi tung những tin đồn vô căn cứ ấy cho người thanh niên, ông ta trả lời rằng: "Đó chỉ là các nhận xét cá nhân. Nó chẳng làm hại ai cả…"
Trước khi đưa ra phán quyết, thẩm phán bảo ông lão: "Hôm nay trước khi về nhà, ông hãy viết tất cả những gì mình đã nói về anh ta lên 1 tờ giấy và cắt nhỏ chúng ra. Hãy mang những mẩu giấy bị cắt nhỏ đó, rồi rải khắp nơi ông đi. Ngày mai ông hãy tới nghe phán quyết".
Ông lão đi về và làm đúng như lời thẩm phán.
Hôm sau, thẩm phán nói với ông ta: "Trước khi nhận bản án, tôi muốn ông làm thêm 1 việc nữa".
"Là việc gì?", người đàn ông hỏi lại.
"Ông phải ra ngoài, thu thập hết các mảnh giấy mà ông đã vứt ra vào hôm qua", thẩm phán trả lời.
Ông lão bị sốc và nói: "Làm sao thế được? Hẳn là gió đã mang chúng đi xa rồi, tôi sẽ không thể nào tìm được chúng".
Lúc này, thẩm phán mới tuyên bố: "Cũng giống như những nhận xét tiêu cực của ông về người hàng xóm, chúng sẽ bay đi khắp nơi mà ta không thể thu hồi được".
Ông lão đã nhận ra sai lầm của mình và cầu xin sự tha thứ của người thanh niên kia.
Bài học rút ra: Đừng tùy tiện đưa ra bất kỳ nhận xét hay tuyên bố nào về một người khác khi bạn chưa có căn cứ xác đáng, vì điều đó có thể hủy hoại danh dự, thậm chí là cả cuộc sống của họ.
Câu chuyện thứ 3: Cái mạng nhện
Ngày xưa, có một con nhện sống trong tầng hầm của một viện bảo tàng. Nó giăng tơ lên tất cả các bức tranh được để ở tầng hầm trong nhiều năm.
Nhìn lại tất cả những chiếc mạng mà nó đã giăng, nó thấy vô cùng tự hào và thấy rằng đó là thứ đẹp nhất, đáng giá nhất trên thế giới nên đã bỏ công bỏ sức chăm sóc chúng cẩn thận.
Tuy nhiên, một ngày kia, bảo tàng bắt đầu sắp xếp lại các bức tranh của họ và bắt đầu chọn các bức tranh từ tầng hầm để đem ra trưng bày. Nghe được tin này, nhiều con nhện khác đã rời đi chỗ khác, chỉ trừ con nhện này. Nó nghĩ, "chỉ có vài bức được chuyển đi ấy mà, mình sẽ tìm đâu ra được nơi nào tốt hơn chỗ này chứ?"
Một buổi sáng, các nhân viên bảo tàng đã đem những bức tranh mà con nhện giăng tơ đi. Con nhện không muốn rời tấm mạng nhện, nhưng nhận ra nếu không đi, nó sẽ phải sống ở trong phòng trưng bày. Vậy là nó quyết định từ bỏ những tấm mạng đẹp nhất mà nó cất công thực hiện cả đời.
Tuy nhiên, đây là 1 quyết định đúng đắn, vì nếu không rời đi, người ta sẽ xịt thuốc diệt côn trùng lên các bức tranh và nó sẽ bị giết chết.
Sau nhiều khó khăn, nó cũng đã tìm đến được một khu vườn nhỏ, nơi nó tìm được cho mình một góc yên tĩnh, và cho ra đời một tấm mạng nhện còn đẹp hơn lúc trước.
Bài học rút ra: Đôi khi trong cuộc sống, sẽ có lúc ta phải đưa ra những quyết định khó khăn, khi ta phải từ bỏ những thứ đã dày công xây dựng cả đời, nhưng bỏ đi chưa chắc đã là mất tất cả.
Nếu còn giữ được niềm tin, bạn sẽ đủ sức gây dựng lại từ đầu, vì không ai biết tương lai sẽ tặng cho bạn món quà gì.
Theo Moral Stories 26
Trí Thức Trẻ