Lần đầu tiên trong lịch sử ASIAD 'trắng sóng' tại Việt Nam
Trao đổi với báo chí về vấn đề bản quyền ASIAD 2018, một đại diện của VTV xác nhận cho đến thời điểm diễn ra cuộc trao đổi, giữa VTV và nhà cung cấp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, khi Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vẫn không nâng giá hỏi mua, còn nhà cung cấp bản quyền cũng nhất quyết không chịu giảm giá bán.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử VTV không thể mua được bản quyền truyền hình của một sự kiện thể thao rất được người hâm mộ quan tâm như ASIAD 2018.
Nguyên do được cho là xuất phát từ việc KJSMWORLD CORP, đơn vị mua lại từ Ban tổ chức Á vận hội bản quyền sự kiện này tại lãnh thổ Việt Nam, đã "hét" giá quá cao.
KJSMWORLD CORP biết rõ sức hút của U23 Việt Nam sau thành công ở Vòng chung kết U23 châu Á nên theo một số nguồn tin, phía Công ty KJSMWORLD CORP đã “hét giá” với mức 4 triệu USD. Điều đáng nói là ở những kỳ ASIAD trước, hầu như các đài Việt Nam được Ban tổ chức “tặng” bản quyền miễn phí hoàn toàn. Sau nhiều lần đàm phán mà đối tác không chịu hạ giá, VTV đã bỏ cuộc.
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á cho đến thời điểm này chưa có bản quyền phát sóng ASIAD. Trong khi đó, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Qatar, Philippines hay Trung Quốc thực tế đã đàm phán xong bản quyền sự kiện thể thao này từ hồi tháng 11 năm ngoái. Đây là nhóm đầu tiên có được quyền phát sóng sự kiện này.
Đầu năm nay, tới lượt một số quốc gia như Ả-rập Xê-út, Bahrain hay UAE cũng có được bản quyền phát sóng dù rằng cũng được cho là có những khó khăn nhất định khi đàm phán.
Nước đến chân vẫn... chưa nhảy: Trách nhiệm thuộc về ai?
Lúc này hẳn sẽ nhiều người nhớ tới phương án VTV cậy nhờ sự giúp sức của doanh nghiệp để giải quyết vấn đề bản quyền truyền hình, như cái cách mà Vingroup, Viettel đã giúp VTV mua được bản quyền World Cup 2018.
Trong lịch sử các lần mua bản quyền World Cup của VTV trong nhiều năm qua thì có lẽ "cuộc chiến" năm 2018 là gian nan và khó khăn nhất, và nhiều lúc thậm chí tưởng chừng như World Cup 2018 sẽ không thể đến với người hâm mộ Việt Nam.
Chưa một World Cup nào mà sát ngày khai mạc người hâm mộ Việt Nam vẫn còn lo lắng, nghe ngóng thông tin bản quyền như World Cup 2018. Ngó sang hàng xóm như Campuchia, Lào, Thái Lan… đều đã có bản quyền từ lâu trong khi phía VTV (đơn vị được giao quyền thương thảo bản quyền) vẫn nói chờ đối tác.
Phải đến tối 8/6, nghĩa là chỉ 6 ngày trước khi World Cup 2018 chính thức khởi tranh, VTV mới xác nhận đã mua được bản quyền ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh với giá 10,3 triệu USD, trong đó Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hỗ trợ 5 triệu USD.
Khi giải đấu ASIAD 2018 đã bắt đầu khởi tranh, người hâm mộ quá sốt ruột, phải chọn cách xem qua internet để rồi thất vọng khi một số kênh phát trực tuyến các trận đấu tại ASIAD 2018 trên internet cũng đã chặn người xem tại Việt Nam vì vấn đề bản quyền.
Không so bì với Lào, Campuchia, vốn nằm trong chính sách của FIFA ủng hộ những quốc gia kém phát triển với gói bản quyền đặc biệt có giá tượng trưng, bóng đá Việt Nam đã nằm trong “chế độ bình đẳng” nên không nằm trong điều khoản "ưu ái" này.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không học Thái Lan tìm những doanh nghiệp có tiềm năng chung vốn để mua bản quyền và khai thác lại theo nhiều dịch vụ.
Liên minh 9 doanh nghiệp Thái Lan, đứng đầu quỹ đầu tư là chủ của CLB Leicester City (Ngoại hạng Anh) - tỷ phú Vichai Srivaddhanaprabha, đã cùng góp một khoản trị giá 44 triệu USD để mang 64 trận đấu của World Cup 2018 đến với người xem truyền hình Thái một cách hoàn toàn miễn phí.
Singapore cũng mua bản quyền theo kiểu hùn vốn với 3 đơn vị truyền thông gồm Singtel, StarHub và Mediacorp cùng bắt tay nhau chi 18 triệu USD để đem World Cup 2018 đến người hâm mộ ở đảo quốc này.
Giá cả là một chuyện, việc mua được bản quyền hay không còn nằm ở khả năng thương thảo, đàm phán của nhà đài. Thuộc nhóm các quốc gia/vùng lãnh thổ cuối cùng có bản quyền phát sóng ASIAD 2018, Đài truyền hình Cable TV của Hong Kong hồi cuối tháng 7 đã chính thức mua được bản quyền sự kiện với số tiền được cho là 2 triệu USD. Điều đáng nói là trước đó, đối tác đã đưa ra mức giá lên tới 6 triệu USD cho Hong Kong. Tuy nhiên, cuối cùng hai bên đã chốt lại với mức giá chỉ bằng 1/3 so với ban đầu.
Thẳng thắn tuyên bố không thể mua bản quyền ASIAD, liệu Đài truyền hình quốc gia Việt Nam đã làm hết tinh thần và trách nhiệm của một đơn vị có vai trò lớn nhất trong việc đưa về bản quyền giải đấu này?
Nhà nước đã dành nguồn lực to lớn đầu tư cho thể thao chất lượng cao để vận động viên Việt Nam tranh tài tại các giải đấu khu vực và quốc tế mang vinh quang về cho Tổ quốc. Thật cay đắng khi người hâm mộ quê nhà không được chứng kiến (hoặc chứng kiến một cách lén lút) khoảnh khắc người con ưu tú của quê hương đặt tay lên ngực trái chào quốc kỳ trong tiếng quốc ca xúc động đón nhận huy chương.
Nếu VTV không đủ sức để làm thì đã đến lúc có một cơ chế để nhà đài này đứng sang một bên nhường chỗ cho các đơn vị truyền thông, các doanh nghiệp có năng lực, có khả năng thương thảo mang về bản quyền truyền hình, vừa phục vụ người hâm mộ vừa khai thác kinh doanh một cách hiệu quả.
Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay để đưa Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” của thế giới, tiếc thay lại bị nhận chìm với bản quyền truyền hình ASIAD 2018...
ANH MAI/ NHÀ ĐẦU TƯ