Sở hữu chuỗi khách sạn lớn nhất Việt Nam, là đại gia sở hữu 1 trong 2 chiếc Rolls Royce chính hãng đầu tiên tại Việt Nam nhưng đại gia Lê Thanh Thản lại được gọi bằng cái tên vô cùng dân dã là 'Đại gia điếu cày'. Tên ông phủ khắp các mặt báo nhưng tin tức về vợ của ông thì lại vô cùng nhỏ giọt...
Vợ “đại gia hút điếu cày đi Rolls Royce” là ai?
Sở hữu chuỗi khách sạn lớn nhất Việt Nam, quần thể bất động sản rộng lớn bán ra hàng chục nghìn căn mỗi năm, là đại gia sở hữu 1 trong 2 chiếc Rolls Royce chính hãng đầu tiên tại Việt Nam nhưng đại gia Lê Thanh Thản lại được gọi bằng cái tên vô cùng dân dã là "Đại gia điếu cày".
Nhắc đến ông Lê Thanh Thản, người ta nhớ ngay đến một trong những đại gia hàng đầu trong kinh doanh bất động sản, thành công khi đánh trúng vào phân khúc nhà thương mại trung bình – giá rẻ và nhu cầu thực cao, kết hợp với hệ thống khách sạn Mường Thanh vô cùng đồ sộ.
Tính đến nay, hệ thống khách sạn Mường Thanh tính cả những dự án đang triển khai đã lên đến con số 45, với 39 khách sạn đang hoạt động, kéo dài gần 30 tỉnh, thành trên khắp cả nước.
Là “đại gia” nên chẳng lạ gì khi tên tuổi ông đã nhẵn các mặt báo. Thế nhưng, người ta cũng thắc mắc là chưa bao giờ thấy ông nhắc đến người bạn đời trước mặt báo giới. Hậu phương của “đại gia hút thuốc lào đi Rolls Royce” vẫn còn là ẩn số với công chúng, tính đến thời điểm hiện tại.
Tìm hiểu rất nhiều nguồn mới được biết vợ ông là bà Hoàng Thị Huệ, người gốc Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sở dĩ bà Huệ gần như không xuất hiện trước công chúng vì tính bà không thích khoe khoang, thể hiện. Người ta gọi bà là là vợ chủ tịch nhưng bà thì lại chỉ cần được là “vợ ông Thản”.
Nó không ngoa thì chính bà là người có công lớn giúp ông Thản gây dựng được sự nghiệp đồ sộ như ngày hôm nay. Có lẽ nhờ có một người vợ tâm lý, chu đáo như vậy nên mới có một đại gia Lê Thanh Thản như ngày hôm nay. Chẳng thế mà trong những cuộc vui, ông Thản thường hay kể về mối tình của ông với bà Huệ, bao giờ cũng có câu "ngày xưa bà ấy đẹp lắm” rồi cười tít mắt.
Nên vợ nên chồng nhờ… mấy cánh bèo
Đúng là “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”, cơ duyên đưa ông bà nên vợ nên chồng cũng rất đặc biệt. Số là đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông Lê Thanh Thản được Ban Tổ chức Trung ương tuyển chọn từ Huyện ủy Diễn Châu (Nghệ An), tăng cường cán bộ cho các tỉnh biên giới phía Bắc, công tác tại Văn phòng Huyện ủy Mường Lay (Lai Châu).
Khi ấy, bà Hoàng Thị Huệ vừa tốt nghiệp Đại học sư phạm, được điều động lên công tác tại Phòng Giáo dục huyện Mường Lay. Hai cơ quan cạnh nhau, cùng chung bếp ăn tập thể và nhà tắm công cộng.
Bà Huệ kể: Lúc đó ông ấy chẳng có gì đáng hấp dẫn với các cô giáo trẻ cả. Hình ảnh một chàng trai “trọ trẹ”, suốt ngày lầm lũi, mặc chiếc quần đùi bộ đội rộng thùng thình, ngồi băm bèo nuôi lợn bên cạnh giếng nước, gần nhà tắm nữ, chẳng cô nào buồn chú ý.
Ngày ấy, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhà tắm nữ cũng chỉ là mấy tấm cót quây lại cao hơn đầu người một tí. Một ngày nọ, có cô giáo đang trong nhà tắm, chàng trai tên Thản bưng rổ bèo đã băm đi qua. Máu nghịch ngộ nổi lên, chàng thanh niên nhặt mấy cánh bèo vừa băm, tung qua vách nhà tắm, một vài cánh bèo rơi vào xô nước và dính vào làn da của người đẹp.
Ai ngờ cô giáo kia sau khi ra khỏi nhà tắm liền hướng về phía văn phòng huyện ủy, hướng vào phòng chàng trai “vô duyên” kia mà chửi. Mà oái oăm là cô chửi thậm tệ nhưng có vần có điệu, có bài bản hẳn hoi.
Nghe thấy thế cả mấy dãy nhà tập thể đổ ra xem. Có “khán giả”, người chửi càng có hứng, càng chửi to, thậm chí chỉ rõ danh tính người bị chửi. Đến bữa trưa, người chửi tạm nghỉ còn người bị chửi thì không thấy đến nhà ăn.
Như thông tin trên báo Kiến thức thì trong bữa ăn, bà Huệ đến cạnh cô giáo kia khuyên đôi lời nhỏ nhẹ: “Người ta đàn ông, đùa quá đáng một tí, có gì đâu mà chị hành hạ người ta đến bỏ cơm như thế”. Nhiều người khác cũng nói thêm vào nên cô giáo kia nguôi giận, hứa chiều không ra chửi nữa. Lúc sau bà Huệ nói với mấy người đàn ông trong văn phòng Huyện ủy: Các anh nhắc anh ấy, tối nhớ đến xin lỗi người ta.
Tối hôm đó ông Thản rụt rè gõ cữa phòng bà Huệ, lí nhí nói câu cảm ơn và nhờ chị đưa sang xin lỗi cô giáo ban sáng. Bà vui vẻ nhận lời. Mâu thuẫn được hóa giải, mọi người vui vẻ cảm thông, bỏ qua cho nhau như không có gì xảy ra. Từ đó mỗi lần gặp bà Huệ, ông Thản đều chủ động chào hỏi trước.
Bây giờ mối lần kể lại, “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản vẫn cười mà rằng, hồi ấy cô giáo Huệ xinh đẹp được nhiều chàng trai để ý. Có người đến “tán” kèm theo quà tặng là chăn con công, chiếc đèn pin, người thì lạng mì chính, chí ít là mật ong, măng rừng, còn ông thì trên răng…, dưới quần cộc! Ông “đi vòng” từ việc giúp các cô giáo có nước ngọt để sinh hoạt, thực ra thì thương các cô mà tạo điều kiện thôi chứ không dùng “chiến thuật” gì.
Theo ông bà kể lại thì ngày ấy, mỗi khi cô giáo Huệ đi tắm, vắt xong cái khăn tắm lên vách, về lấy xà phòng, đến nơi đã thấy hai xô nước trong vắt đặt trước cửa. Biết là quà ai đó dành cho mình, cô Huệ chỉ mỉm cười, xách vào, vui vẻ tắm, hồn nhiên ngày này qua tháng khác.
Một thời gian sau ông làm thơ để nói hộ lòng mình, về gia cảnh thời nghèo túng buổi đầu. Ông kể với báo Realtimes rằng, đó là một chiều thứ 7, sương mù bao phủ đỉnh núi, tâm trạng buồn buồn, ông tức cảnh sinh tình đã làm bài thơ có tên là “Phố núi” gửi tặng bà Huệ, có những câu da diết thế này:
Bình minh núi hạt sương xe nỗi nhớ
Bỗng vọng về câu hát người ơi… người ở
Anh không biết hát câu mạn thuyền gối tựa
Để mà hẹn em đừng đứng, đừng ngồi
Em đốt lòng anh bằng nửa vời câu hát
Anh xin làm sợi tơ vàng mượt
Nối cõi lòng chia sẻ ở hai nơi
Em sẽ hiểu tận cùng câu hát người ở người ơi…
Cứ thế, ông bà “cảm” nhau lúc nào không biết. Thuở ban đầu là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Sau này, khi xác định tình yêu đã chín muồi, ông bà đến với nhau bằng một đám cưới nhỏ đơn sơ để rồi kết tinh là những đứa con giỏi giang, ngoan ngoãn.
Vì nguốn gốc nông dân, sống chân quê, không làm dáng, làm duyên, nên dường như nếp nhà ông sống thật đơn giản, gọn nhẹ. Ông Thản thì bữa ăn nào cũng phải có món cá kho, cá rô, cá diếc đồng hoặc cá trích biển, mà kho phải thật đặm ăn mới vừa miệng. Mâm cơm phải có món rau luộc, không rau muống thì phải su hào, bắp cải, rau khoai lang quê cộng với bát canh rau tập tàng. Thế là đủ. Mà cả nhà đều ăn như thế, vợ con cứ quây quần rôm rả.
Bữa ăn nhà ông cũng đơn giản, ăn nhanh, không lê thê. Bà Huệ bao giờ cũng ngồi đầu nồi để xới cơm cho cả nhà. Giờ ăn cả nhà chỉ ăn thôi, không bàn luận chuyện chính trị hay kinh tế.
Như ông Thản từng trả lời báo chí thì trong công việc, bà cũng chưa bao giờ can thiệp vào công việc của chồng, thậm chí cũng không góp ý này, ý nọ.
Trong các buổi lễ khánh thành khách sạn Mường Thanh ở một số tỉnh xa, bà Huệ cùng cả nhà đến dự, thường có mời thêm ông bà thông gia. Chồng là chủ tịch nhưng bà vẫn ăn mặc giản dị, không áo dài hay com-lê, và cũng chẳng “soi” nhân viên mà chỉ loanh quanh với ông bà sui gia và các cháu ngoại.
Có lẽ một người vợ giản đơn như thế mới thực sự là mảnh ghép hoàn hảo cho ông Thản. Vì ông thích thì hút thuốc lào, không phải không đủ tiền mua xì-gà. Tiệ̣n thì đi dép tông cho nhanh, không phải thiếu giày cao cấp. Ăn món ăn dân dã quê nhà vì thấy ngon hơn sơn hào hải vị...
Bây giờ ông Thản đã là “đại gia”, xung quanh có biết bao cô gái trẻ đẹp, giỏi giang song ông vẫn một lòng thủy chung với người vợ “đầu gối tay ấp”. Thiết nghĩ, chính sự chân thành, giản dị mà sâu sắc của bà Huệ đã luôn nhắc ông chí hướng “tề gia” của người quân tử, nhắc ông nhớ đến tình cảm sắt son của vợ chồng từ thuở hàn vi để mà gìn giữ, trân trọng.
Theo Người Đưa Tin