Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Người xây bệnh viện… chỉ học hết lớp 5

09/09/2019 20:56

Khởi nghiệp từ buôn bán trầm và xe máy cũ, bà Trần Thị Lâm đầu tư vào lĩnh vực địa ốc, ngân hàng và giờ đây là ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

Cơn mưa rào nặng hạt đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 7 không ngăn chặn được những chiếc xe hơi nối đuôi nhau, hướng về khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri La (quận Bình Tân, TP.HCM). Mưa tạnh, tiếng động cơ giòn giã xé tan không gian tĩnh mịch khuôn viên rộng 2,4 héc ta của bệnh viện Thành Đô vừa xây xong. Hàng trăm quan khách tề tựu chứng kiến buổi lễ ký hợp đồng thiết kế, triển khai giai đoạn hai khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri La. Người chủ trì buổi lễ là bà Trần Thị Lâm, thường được gọi là bà Hoa Lâm, tên của tập đoàn mà bà đứng đầu với vai trò chủ tịch.

“Sau này, ai có điều hành, làm chủ bệnh viện thì tôi cũng (là người) nổ phát súng đầu tiên,” bà Lâm nói trong cuộc phỏng vấn sau đó 3 tuần, tại biệt thự riêng tại TP.HCM. Phòng khách nhà bà bài trí kiểu Trung Hoa. Nhiều vật dụng phong thủy xếp đặc chính giữa chiếc bàn rộng. Đã có nhiều tin đồn về nữ doanh nhân quê Quảng Ngãi này, từ chuyện khởi nghiệp buôn trầm hương, tích lũy vốn đi buôn xe máy cũ, đến việc đầu tư vào ngân hàng, cao ốc và bệnh viện. Vốn kín tiếng nhưng buổi sáng ấy, bà chủ tịch tập đoàn Hoa Lâm nhận trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam.

Bà Lâm tự nhận mình là người có khả năng “nước lã khuấy được nên hồ”.

Việc bà Lâm, một người không có kinh nghiệm gì về y tế bắt đầu dự án bệnh viện lúc đầu gây nhiều ngạc nhiên và nghi ngờ. Khu y tế kỹ thuật cao được TP.HCM giải phóng mặt bằng từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới, nhằm kêu gọi các bệnh viện đầu tư xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh, 7 bệnh viện lớn và một trường đại học hưởng ứng nhưng không thu xếp được vốn. Năm 2005, bà Lâm đề xuất nhận dự án và được lãnh đạo TP.HCM giao. Tuy nhiên ngay trong sở Y tế TP.HCM cũng như ngành y tế nhiều ý kiến bất đồng, hoài nghi năng lực nhà đầu tư. Nhưng bà Lâm mời được hai đối tác nước ngoài là quỹ đầu tư ASEAN Properties (niêm yết trên Lon don Stock Exchange) và tập đoàn Ireka Berhad (Malaysia), cùng đóng góp 70% vốn. Ông Lai Voon Hon, CEO của Ireka nhận xét: “Mặc dù kinh tế đang phát triển nhanh và dân số khá giả tăng mạnh, vẫn thiếu những cơ sở y tế và bệnh viện chất lượng cao ở những thành phố lớn như TP.HCM. Bệnh viện công không đủ sức đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế và giường bệnh”.

Về sự chậm trễ khởi công dự án, bà Lâm giải thích do thủ tục giấy phép. Khu y tế kỹ thuật cao xây dựng tới 6 bệnh viện, với 20 dự án thành phẩm, mỗi dự án tách ra một giấy phép, phải xin qua nhiều cấp, gõ cửa hết cơ quan này tới cơ quan khác, mất tới vài năm.

Theo quy hoạch, khu y tế kỹ thuật cao rộng 37,5 héc ta, với 6 bệnh viện và nhiều công trình phụ trợ. Bệnh viện đa khoa Thành Đô có 320 giường, đã hoàn thành sau 3 năm xây dựng, với tổng vốn đầu tư 80 triệu đô la Mỹ. Không nắm cổ phần chi phối nhưng bà Lâm giữ ghế chủ tịch. Bệnh biện Thành Đô được kỳ vọng cung cấp dịch vụ chăm sóc chữa bệnh tiên tiến, hiện đại tầm quốc tế khi suất đầu tư mỗi giường bệnh lên tới 250 ngàn đô la Mỹ và Parkway Health, tập đoàn y tế quản lý 16 bệnh viện khắp châu Á đảm nhận quản lý dịch vụ.

Sớm hơn 2 tháng so với thời điểm Thành Đô mở cửa, giai đoạn 2 đã được khởi động. Tại buổi lễ, đại diện công ty Kume Sekkei (Nhật Bản) ký văn bản ghi nhớ với công ty TNHH Triều An-Hoa Lâm, đảm nhiệm việc thiết kế và xây dựng bệnh viện ung bướu và bệnh viện ngoại thần kinh, quy mô từ 300-400 giường. Vốn đầu tư cho mỗi dự án dự kiến từ 50-70 triệu đô la Mỹ. Công ty Triều An-Hoa Lâm là liên doanh, tỉ lệ góp vốn là 50:50. Theo thiết kế, sau khi ba bệnh viện khác (tim, sản nhi và điều trị nội trú) cùng nhiều công trình phụ trợ từ khu đào tạo, nhà ở tới siêu thị và công viên hoàn thiện thì khu y tế kỹ thuật cao mang dáng dấp một “thành phố bệnh viện”.

Bệnh viện Quốc tế Thành Đô (City International Hospital).

Bà Lâm tuổi Đinh Dậu (năm 1975, nhưng trên giấy tờ ghi là năm 1959), sinh ra trong một gia đình 5 anh chị em tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vì chiến tranh, bà chỉ học được hết lớp 5. Kết hôn năm 1982, bà sinh nở 5 lần. Người con trai thứ ngay từ khi chào đời thiếu ký, ốm đau triền miên. Năm 1985 bà tới TP.HCM, gửi con điều trị nội trú trong bệnh viện Nhi Đồng II. Chuyện này là một lý do dẫn dắt tới con đường xây bệnh viện. Sau này có tiền, dẫn người thân sang Singapore chữa bệnh nhưng bà cảm thấy vẫn không được trọng thị. Bà nhớ lại: “Họ đâu có coi mình ra gì. Mình có tiền chứ còn “nó” xem mình như người dân tộc thôi. Vất vả, bất đồng ngôn ngữ, lang thang, lếch thếch ngoài đường”.

Lĩnh vực bà Lâm nhắm tớn tính bằng đơn vị đô la Mỹ. Mỗi năm, chi phí chữa bệnh ở nước ngoài của người Việt Nam vào khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Các bệnh viện lớn trong nước đang quá tải nặng nề. Theo số liệu của bộ Y tế, tại bệnh viện Chỡ Rẫy công suất khai thác giường bệnh là 154%, tại bệnh viện Bạch Mai và Nhi Trung ương con số tương ứng là 168% và 120%. Trong khủng hoảng, các bệnh viện tư vẫn ăn nên làm ra. Năm 2012, bệnh viện tim Tâm Đức trả cổ tức tiền mặt tới 26% mệnh giá. Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy năm 2012 Tâm Đức có doanh thu tăng trưởng 19%, tỉ lệ lợi nhuận trên doanh thu đạt 12,2%. Ở bệnh viện tư nhân đa khoa Triều An con số tương ứng là 1% và 11,42%. 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2012, theo xếp hạng của Forbes Việt Nam cũng chỉ đạt tỉ lệ tăng trưởng doanh thu ở mức tương đương, trung bình là 11,39%.

Nhưng theo ông Trần Vinh Dự, giám đốc công ty tư vấn TNK Capital Partner, kinh doanh bệnh viện không phải là miếng bánh dễ xơi. Thách thức lớn nhất nằm ở nguồn nhân lực chất lượng cao vận hành bệnh viện. Ông Dự nhận xét khối tư nhân đãi ngộ cao chưa hẳn đã thu hút được nhân sự giỏi vì làm ở bệnh viện công lập ngoài sự ổn định còn có nguồn thu nhập lớn từ “phong bì”. Các nước tiên tiến cũng đang thiếu hụt bác sĩ giỏi, vì vậy y tế tư nhân Việt Nam khó thu hút nhân sự ngoại có chuyên môn thực sự chất lượng. Mặc dù vậy, bà Lâm tự tin vì đã mời được nhiều bác sĩ chuyên môn cao về bệnh viện Thành Đô. “Bây giờ nghĩ lại mới thấy sợ, bệnh viện xây gần xong mà vẫn chưa yên tâm về nhân sự chất lượng cao. Băn khoăn tự hỏi trước đây khi đi xin dự án mình có “tâm thần’ không? Bà Lâm nói.

Bà Lâm có vóc người thấp nhỏ, vẫn giữ giọng nói miền Trung. Bà kể lại, sự nghiệp kinh doanh bắt đầu giữa những năm 1980 bằng buôn trầm. Những chuyến đi về miền Trung khi ấy kéo dài cả tháng trời, lúc hên kiếm được cả cây nhưng mãi không tìm được người mua. Tự đạp xe mang sản phẩm đi tiếp thị nhiều nơi, mỗi lần cho không 1cm3 bà Lâm suýt sạt nghiệp vì mất gần 1 lít tinh dầu trầm mới tìm ra khách hàng đầu tiên là một người Ả Rập. Trong lúc cầm cự chờ thời, bà tán nhuyễn bã trầm sau chưng cất, bán lại cho những người làm nhang, thu hồi một phần vốn. Bà mua được nhà, tích lũy tài sản nhờ may mắn trúng kỳ nam vào năm 1991.

Ngã rẽ kinh doanh xe máy của bà Lâm khởi đầu bằng một “sự phản bội” (của đối tác), theo lời bà. Năm 1993, một người kinh doanh xe máy rủ bà Lâm hùn tiền kinh doanh chung vì giai đoạn đó buôn xe máy cũ “mua 1, bán 2 thu hồi được vốn”. Hợp tác một thời gian, bực tức vì người thân tới cửa hàng là bị đuổi, bà xiết nợ khiến đối tác phải ra đi. Bà thế chỗ. Kinh doanh, đã giàu nhưng thời đó bà vẫn chạy chiếc Chaly cũ. Bà Lâm nhớ lại. “Có nhiều tiền nhưng không ai biết. Một điều hơi bị oan ức, đi đâu nhiều người coi mình không ra gì hết”.

Tích lũy vốn từ kinh doanh xe cũ, sau đó bà Lâm chuyển sang kinh doanh bài bản hơn bằng cách hợp tác chính thức với nước ngoài. Năm 1999, bà giành quyền phân phối xe của hãng Dealin (Hàn Quốc) và 5 năm sau lập liên doanh Hoa Lâm-kymco, kinh doanh xe máy với đối tác Đài loan. Nhận ra không thể cạnh tranh với xe Nhật, bà thoái dần 70% vốn trong liên doanh Hoa Lâm-Kymco cho đối tác nước ngoài và rút ra hoàn toàn vào năm 2007.

Bà Lâm tự nhận mình là người có khả năng “nước lã khuấy được nên hồ”

Trong đó có tài kinh doanh không vốn. Khi kinh doanh xe máy “second-hand”, giá mua đồng hạng khoảng 40 đô la Mỹ/chiếc nhưng hàng bà luôn tốt nên giá bán cao. Lúc đó, bà Lâm nghĩ ra thuê nhân công ở nước ngoài, vào nghĩa địa xe cũ, thay thế phụ tùng, lắp vào những chiếc xe tốt nhất chuyển về. Bà bán sĩ từng container cho đại lý, có tháng tiêu thụ được 10.000 chiếc xe cũ. Mua chịu nhưng đại lý đặc cọc, nên thời đó người phụ nữ này không phải gõ cửa tới nhà băng. Bà Lâm còn biết “mượn” sức người để kinh doanh. Bà cho biết, năm 2006 đi xin mãi mới góp cổ phần vào một tổ chức tín dụng sắp phá sản. Tổ chức tín dụng là ngân hàng Vietbank, nơi chồng bà, ông Dương Ngọc Hòa giữ ghế chủ tịch HĐQT.

Tháng 7 vừa qua, công ty Mai Thành do bà nắm cổ phần chi phối khai trương cao ốc Lim Tower, 34 tầng, xây dựng tại số 9-11 Tôn Đức Thắng (quận 1). Bà đang liên doanh đầu tư xây dựng cao ốc thứ hai tại ngã tư Võ Văn Tần – Cách mạng Tháng Tám. Bà Lâm không có sở thích gì ngoài công việc thậm chí không xem tivi, rất hiếm khi đọc báo mà nếu có chỉ khi trên máy bay. “Mẹ tôi dẻo dai, vẫn thường làm việc liên tục 17 tiếng/ngày, thường đi ngủ rất sớm từ 9 giờ nhưng khi bận công việc làm việc đến 1 giờ sáng hôm sau”, Dương Mai Anh, con gái bà Lâm du học ở Mỹ về, hiện là trợ lý đắc lực cho mẹ với vai trò thư ký HĐQT tập đoàn Hoa Lâm kể. Một thói quen của bà Lâm là vừa massge, vừa “nấu cháo điện thoại”), tranh thủ xếp đặt công việc bên ngoài.

Mặc dù vẫn đầu tư vào cao ốc và ngân hàng, nhưng bà Lâm hiện dốc toàn lực làm bệnh viện. Thách thức còn rất nhiều, vì kinh doanh y tế đầu tư lớn, 6-7 năm mới thu hồi vốn. Nhưng bà chủ tịch Hoa Lâm có vẻ không quan tâm khi nói: “Vì tiền thì tôi việc gì phải đi làm bệnh viện. Tôi xây cái cao ốc không tốn nhiều mồ hôi nước mắt mà chẳng phải lấy tiền người ta từ từ!”

(Forbes VN)

Bạn đang đọc bài viết "Người xây bệnh viện… chỉ học hết lớp 5" tại chuyên mục Doanh nhân.