Nguyễn Hoà Bình là người sáng lập nên một trong những startup đầu tiên của thương mại điện tử Việt Nam có tên PeaceSoft.
Ngày 28/8, ngay giữa mùa phát sóng, chương trình Shark Tank mùa 3 bất ngờ công bố chương trình hợp tác chiến lược cùng NextTech Group với tên gọi "Cơ hội thứ hai", theo đó một số Startup chưa gọi vốn thành công trong chương trình sẽ được NextTech lựa chọn và cung cấp gói huấn luyện. Đồng thời nhà sáng lập kiêm chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình chính thức gia nhập "bể cá mập" mùa 3.
Khởi nghiệp từ năm 19 tuổi với 2 bàn tay trắng
Từ năm 15 tuổi, tình yêu công nghệ đến với Nguyễn Hòa Bình khi có cơ hội tiếp xúc với máy tính. Chiếc máy này vốn được bố mẹ ông mua cho người anh trai làm nghề thiết kế. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai người Hà Tây này quyết định theo học ngành công nghệ, đại học Quốc gia Hà Nôi.
Thời sinh viên, Nguyễn Hòa Bình tham gia rất nhiều các cuộc thi tài năng công nghệ và đạt các giải thưởng trong các cuộc thi như Vifotech, Trí tuệ Việt Nam, Tuổi trẻ sáng tạo, Tài năng tin học trẻ, giải Imagine Cup do Microsoft phát động. Năm 2001 khi đang là sinh viên năm 2, ông Bình lập công ty riêng lấy tên PeaceSoft với số vốn 2 triệu đồng. PeaceSoft là một trong những start-up công nghệ trên nền internet lứa đầu tiên tại Việt Nam và chủ yếu gia công phần mềm.
Năm 2003, Nguyễn Hòa Bình tham gia hội thảo Net Booking lớn nhất của giới kinh doanh châu Á. Tại hội thảo, mỗi công ty chỉ có 5 phút lên phát biểu để mời chào các nhà đầu tư và ông Bình đã không bỏ lỡ 5 phút quý giá ấy để trình bày các ý tưởng của mình. Sau sự kiện này, Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG quyết định đầu tư và là bước ngoặt phát triển của PeaseSoft.
7 năm gia công phần mềm theo yêu cầu của khách hàng, Nguyễn Hòa Bình nhận thấy đây là công việc "ráo mồ hôi hết tiền" và quyết định chuyển sang mô hình dịch vụ chủ động và mới mẻ hơn: Thương mại điện tử. PeaceSoft xây dựng Chodientu.vn được xem là dự án đi đầu về thương mại điện tử tại Việt Nam với mục tiêu mang đến nhiều tiện lợi cho việc mua sắm online.
Tái cấu trúc với chiến lược đàn cá hổ
Đầu năm 2016, PeaceSoft tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn để không dừng lại ở thị trường thương mại điện tử mà tham gia vào cuộc chơi lớn hơn là điện tử hóa thương mại với tổng doanh số bán lẻ lên đến 110 tỷ USD/năm. Nguyễn Hòa Bình đổi tên công ty thành NextTech và xây dựng hệ sinh thái với 20 dịch vụ điện tử hóa hoạt động tại Việt Nam và 8 thị trường khác tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong 4 lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và giáo dục.
Doanh nghiệp này hiện sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ có tên tuổi như mPoS.vn, VIMO.vn, NganLuong.vn, Boxme.asia, FastGo.mobi. với gần 2.000 nhân viên và sản lượng giao dịch điện tử hàng năm ước đạt 3 tỷ USD.
Công ty này công bố tổng giá trị giao dịch năm 2017 đạt 500 triệu USD, trong đó mảng công nghệ tài chính (gồm ví điện tử Vimo, cổng trung gian thanh toán Ngân Lượng, giải pháp thanh toán thẻ tín dụng trên di động mPoS, giải pháp cho vay ngang hàng Vaymuon, sàn giao dịch tiền mã hóa Wetrade.global) chiếm hơn 50%.
Chưa có số liệu tài chính cụ thể năm 2017, nhưng năm 2016 công ty này công bố tổng giá trị giao dịch qua Ngân Lượng đạt khoảng 200 triệu đô la Mỹ, và qua mPoS là 80 triệu đô la Mỹ. "Tỉ suất lợi nhuận trong mảng thanh toán cực mỏng, chỉ khoảng 0,5% nên phải làm khéo thì mới tồn tại được", ông Bình chia sẻ trong bài phỏng vấn năm 2017.
Dù được xem là startup đầu tiên của thương mại điện tử Việt Nam và Chodientu.vn là một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử đầu tiên nhưng hiện nay Nguyễn Hòa Bình tập trung nhiều hơn vào Weshop, trang thương mại điện tử cho phép người dùng Việt Nam mua hàng trên eBay và Amazon.
"Mảng thương mại điện tử tôi làm xuyên biên giới thì tốt, mảng nội địa đang là đại dương đỏ nên không chú trọng đầu tư nữa", ông Bình chia sẻ lý do. Một lãnh đạo từng điều hành trang trang thương mại điện tử Adayroi cũng từng cho biết biên lợi nhuận ngành này thấp, chỉ từ 1-1,5%.
"NextTech là một đàn cá hổ, nhỏ, khéo léo và sắc bén, dùng hệ sinh thái có nhiều thành viên khác nhau tấn công từ mọi phía. Một con cá to có thể chết (như Nokia), nhưng rất khó để giết một đàn cá hổ", ông Bình chia sẻ thêm về chiến lược kinh doanh của mình.
Lễ ký kết hợp tác NextTech và Shark tank mùa 3.
Gọi NextTech là "mô hình Lương Sơn Bạc", ông Bình chỉ tạo ra cuộc chơi, còn dưới mỗi sản phẩm lại "chiêu mộ" các doanh nhân khác về làm cùng. Từng một mình dấn thân và tự đương đầu với những thử thách, hơn ai hết Nguyễn Hòa Bình hiểu rất rõ con đường đến thành công đối với những người tiên phong gập ghềnh, phức tạp.
Ước tính Việt Nam có khoảng 1.000 dự án về khởi nghiệp công nghệ mỗi năm, nhưng có đến 92% startup đó sẽ "chết" trong vòng 3 năm đầu, đa phần vì không tìm thấy "long mạch" (cách nói của ông Bình về chiến lược cốt lõi phù hợp) và thiếu một hệ sinh thái phù hợp làm bệ phóng.
Trong buổi ra mắt "shark tri kỷ" hôm nay, chủ tịch NextTech chỉ ra một thực tế rằng đại đa số Startup sẽ không vượt qua được 3 khó khăn gồm chiến lược phù hợp năng lực cốt lõi, hệ sinh thái đủ mạnh và tiền. Phần lớn startup phải rời bỏ thị trường chỉ trong 1-2 năm đầu khởi nghiệp vì hết tiền và không thể gọi vốn do không thể tăng trưởng đủ nhanh và bền vững. Sau giai đoạn này họ có thể sẽ phải đối mặt với các bi kịch tiếp theo là nợ nần và mất niềm tin.
Quỹ đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100 ra đời với mong muốn nâng cao năng lực và làm bệ phóng cho hàng trăm Startup Việt thành công tại thị trường trong nước và vươn ra Đông Nam Á, đồng thời đầu tư vào các Startup công nghệ mới độc đáo trong khu vực. Mô hình của Next100 lai ghép từ 3 mô hình Venture Builder- Ecosystem- Venture Capital. Quy mô ban đầu của Next100 là 10 triệu USD và sẽ được bổ sung trong tương lai bởi NextTech và các đối tác vốn trong và ngoài nước.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp