Những nguyên tắc sau đây rất đơn giản nhưng sẽ giúp bạn xây dựng được những mối quan hệ tốt nơi công sở và đạt hiệu quả cao trong công việc.
Luôn bình tĩnh
Trong mọi tình huống giao tiếp, ứng xử với cấp trên bạn nên giữ thái độ bình tĩnh, tự tin khi trình bày những quan điểm của mình. Khi gặp bất đồng với sếp về quan điểm hay công việc bạn hãy cư xử thật khéo léo và góp ý sếp một cách tế nhị nhất.
Tránh gây bất hòa, cãi vã với sếp khi ý kiến của bạn không được chấp nhận điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn trong mắt sếp và đồng nghiệp.
Để trở thành một nhân viên được sếp tin cẩn và đánh giá cao bạn cũng nên trình bày thẳng thắn, rõ ràng các chính kiến của mình trong công việc. Hãy tiến hành thực hiện công việc với sếp của bạn trên tinh thần cùng hợp tác và phát triển.
Tôn trọng đồng nghiệp
Đồng nghiệp là những người mà bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với họ và cùng nhau hợp tác xây dựng các dự án của tổ chức. Vì vậy, bạn cần thiết lập những mối quan hệ ấy trên cơ sở xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Tránh tình trạng xem mình “giỏi hơn đồng nghiệp” bạn sẽ khó tìm được tiếng nói chung với họ trong công việc.
Ngược lại, bạn cũng không nên quá tự ti bản thân mình về trình độ và chuyên môn so với đồng nghiệp điều này sẽ khiến bạn dễ chán nản và làm sa sút chất lượng công việc. Hãy xem những người đồng nghiệp của mình như những người bạn đồng hành cùng nhau chia sẻ công việc và tận hưởng thành công.
Xây dựng quan hệ với cấp dưới
Đây chính là những cộng sự đắc lực giúp bạn hoàn thành tốt mọi công việc được cấp trên giao phó. Cần tạo cho họ niềm tin và giúp họ có một nguồn năng lượng tràn đầy để có thể bắt đầu công việc. Truyền cảm hứng cho họ mọi lúc, mọi nơi, hòa nhập với họ. Tuy nhiên, cần có những quy định nghiêm khắc để nhân viên có thể hoàn thành công việc đúng hạn.
Biết cách từ chối
Một ngày bạn cũng chỉ có 08 giờ để làm việc tại công sở, vì thế bạn phải tận dụng tối ưu thời gian đó. Không nên quá tham công tiếc công việc vào mình hoặc nhận quá nhiều lời nhờ vả giúp đỡ từ đồng nghiệp mà bạn cảm thấy điều đó không phù hợp với bạn. Nên biết nói từ chối một cách khéo léo và tế nhị nhất có thể.
Hạn chế “tâm tình-tán gẫu” quá nhiều nơi công sở
Bạn chỉ nên đưa ra những tình huống trò chuyện khi cần thiết hoặc những lúc rảnh rỗi. Không quá lạm dụng chúng, đặc biệt việc tán gẫu quá nhiều sẽ làm bạn mất điểm trong mắt sếp và khiến cho đồng nghiệp ngán ngẩm.
Đừng biến mình thành “bà tám” công sở trong khi bạn còn một núi công việc cần giải quyết. Đặc biệt bạn nên tránh những “cằn nhằn” vô lí khi có chính sách nào đó có lợi cho sự phát triển chung của tập thể nhưng có thể ảnh hưởng một chút tới quyền lợi cá nhân của bạn.
Không khoe khoang tiền thưởng
Hiện nay, để đảm bảo tính khách quan và công bằng với năng lực làm việc của mỗi nhân viên các công ty thường ít tiết lộ lương thực nhận và các khoản lợi nhuận khác.
Việc bạn khoe khoang về lương hay tiền thưởng với đồng nghiệp sẽ khiến bạn trở nên thiếu tế nhị và tự bạn có thể cô lập bạn với mọi người.
Tuyệt đối không “nói xấu” đồng nghiệp
Đây là một trong những điều tối kỵ ở bất cứ công ty hay tổ chức nào. Nếu không hài lòng với cấp trên hay đồng nghiệp bạn nên thẳng thắn và tế nhị góp ý cùng họ. Không nên, nói xấu họ hay cố tình “chia bè kết phái” sẽ chẳng có gì hay khi bạn là người hết nói xấu người này lại chê bai người khác.
Đừng để chuông điện thoại lớn
Mỗi người có một gu âm nhạc riêng, và việc bạn muốn để bài “Em của ngày hôm qua” hay tiếng trẻ con làm nhạc chuông điện thoại của mình là quyền của bạn.
Thế nhưng, khi bước vào văn phòng, cũng giống như khi bạn vào rạp xem phim, hãy chuyển điện thoại sang chế độ rung và tắt chuông. Một số công ty đã ra luật phạt nếu nhân viên để điện thoại đổ chuông trong những cuộc họp.
Nói chung thì, hãy giữ gu âm nhạc của bạn để tự thưởng thức riêng chứ đừng tự nguyện làm DJ công sở khi mà không ai yêu cầu bạn làm việc đó.
Không nên có những ý kiến mang tính cá nhân
Công sở là nơi mọi người cùng hợp tác vì mục đích chung là xây dựng tập thể vững mạnh và phát triển. Bạn nên thường xuyên đưa ra những ý tưởng mang tính xây dựng tập thể và ủng hộ hết mình những quy tắc có lợi cho tập thể.
Bạn cần tránh chỉ lúc nào sự việc liên quan tới lợi ích cá nhân mới có ý kiến và đề nghị những gì có lợi cho cá nhân mình, điều này khiến bạn trở thành người ích kỉ và không chuyên nghiệp trong mắt đồng nghiệp. Hãy cháy hết mình vì nhiệm vụ và công việc chung. Đặc biệt không nên tỏ ra bực tức khi có việc gì đó không theo ý bạn, điều đó khiến bạn trở thành người ích kỉ và không biết phân biệt phải trái.
Làm việc hết sức, chơi hết mình
Khi bạn đã xây dựng cho mình một thái độ làm việc nghiêm túc và mang lại những kết quả khá khả quan thì tại sao lại không cùng các đồng nghiệp mình “xả stress” nhỉ? Bạn nên tham gia hết mình vào những hoạt động do công đoàn công ty tổ chức, chính lúc này bạn sẽ khám phá được những điều thú vị từ đồng nghiệp của mình.
Không mang thức ăn “nặng mùi’ vào văn phòng làm việc
Nếu văn phòng bạn không có khu vực ăn uống riêng cách ly với khu vực làm việc, tốt nhất là đừng bao giờ mang thức ăn có mùi vào văn phòng. Những loại thức ăn sau ăn thì ngon nhưng mùi của chúng rất kinh khủng và thậm chí là gây buồn nôn khi lẩn quất trong văn phòng: kim chi, bắp cải hay củ cải nấu chín, cá, sầu riêng, mít…
Nếu bạn vô tình mang những thứ bốc mùi như thế vào văn phòng, có thể đồng nghiệp sẽ không nói thẳng vào mặt bạn ngay, nhưng rồi họ sẽ đem bạn ra nói xấu với nhau, và có khi còn tố bạn với cả quản lý và nhân sự.
Tập trung cao độ
Vì các góc làm việc thường san sát nhau nên thỉnh thoảng đồng nghiệp này ghé vô, đồng nghiệp kia ghé vào là chuyện không thể tránh. Do đó, bạn cần đặt ra các ưu tiên trong công việc và tập trung hoàn thành, nếu không, bạn sẽ không có được hiệu quả làm việc tốt nhất bởi những phen “cắt ngang” bất ngờ của đồng nghiệp.
Cẩn trọng lời nói
“Tai vách mạch rừng”, do đó, cho dù không thấy ai xung quanh mình, những trao đổi của bạn vẫn có thể bị “rò rỉ” qua các khe hở giữa các góc làm việc. Theo Jaccqueline Peros, nhà sáng lập Tập đoàn Tư vấn Phong cách và Hình ảnh JMP, bạn hãy đặc biệt cẩn trọng khi nói những điều không hay về công việc hay đồng nghiệp khác, tránh sử dụng ngôn ngữ “chợ búa”.
Luôn luôn ý tứ
Cho dù bạn làm gì tại góc làm việc của mình đi chăng nữa, mọi hành động của bạn đều ít nhiều bị “soi”. Do đó, mỗi sáng đến sở làm, bạn hãy tự nhắc nhở mình thể hiện phong cách chuyên nghiệp. Theo Peros, “Ý tứ là cực kỳ quan trọng khi làm việc trong môi trường công sở hiện đại vì mỗi nhân viên đều chia sẻ một góc riêng tư tại không gian công cộng.”
Cẩn thận với tính hài hước
Sự hóm hỉnh, tính hài hước có thể làm những người xoay quanh bạn vui vẻ. Nhưng nhiều người đã phải chịu khốn đốn sau khi kể những chuyện cười với mục đích chỉ đùa vui.
Họ không để ý rằng những trò đùa gây cười vô hại với họ nhưng lại làm tổn thương người khác, có thể người đó đang giữ một chức vụ cao hơn và cho rằng bạn "nói kháy" họ.
Những câu chuyện đùa bỡn có liên quan đến những người thuộc cấp, phụ nữ, người mắc bệnh đồng tính luyến ái, người khuyết tật, người cao tuổi không thích hợp trong môi trường làm việc nơi công sở.
Tôn trọng ý kiến khác
Mỗi người có một nền tảng học vấn và văn hóa khác nhau. Điều này dễ thấy khi họ có những suy nghĩ và phản ứng khác nhau với cùng một sự việc đang diễn ra. Vấn đề của bạn với tư cách là một đồng nghiệp trong công sở, bạn cũng phải học cách tôn trọng những ý kiến, nhận định khác của các đồng nghiệp và tìm cách thỏa thuận hợp lý vì mục tiêu chung.
Đừng chiếm ghế riêng trong văn phòng
Thông thường thì ghế ngồi trong văn phòng được mua giống nhau đồng loạt, nhưng thỉnh thoảng có thể xuất hiện những chiếc ghế lạ sau những đợt tổ chức lại văn phòng hoặc do thay ghế mới trong phòng sếp.
Những chiếc ghế lạc quẻ này thường được để ở khu vực chung nhưng đôi khi có những cá nhân thích nổi bật hoặc ảo tưởng về “chiếc ghế quyền lực” đã từng là ghế sếp, họ sẽ chiếm dụng thành ghế riêng của mình.
Trong một tình huống khác, mọi người có những chiếc ghế hoặc vị trí yêu thích trong phòng họp, và thế là lọt ra những kẻ xui xẻo luôn phải ngồi chỗ bất lợi và ghế ọp ẹp khi đi họp (nhiều khi cũng do bị gài từ đầu nữa.).
Chuyện này kể ra thật khó nói và cũng hơi bị “làm quá” nếu bạn lên tiếng về chuyện chiếm dụng ghế riêng. Nhưng nếu bạn bỗng đặc biệt thích một chiếc ghế khác người trong văn phòng, hãy cứ nghĩ đến chuyện bạn có thể trở thành nhân vật gièm pha chỉ vì chuyện bàn ghế đi nhé!
Không nghe nhạc lớn trừ khi bạn có phòng riêng
Việc này cũng giống như bạn để điện thoại đổ chuông lớn trong văn phòng. Mọi người sẽ không thể tập trung làm việc nếu cứ phải nghe những bản nhạc mà chưa chắc họ đã thích. Hãy sử dụng tai nghe, tự thưởng thức những bản nhạc yêu thích của mình và đừng làm phiền đến người khác. Đó là nguyên tắc ứng xử cơ bản đấy!
Đừng lởn vởn quanh bàn làm việc của người khác và nhìn vào màn hình của họ
Bạn có thể nghĩ rằng trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp thì tốt hơn là gửi tin qua hệ thống chat, nhưng thực tế ở môi trường công sở hiện đại là ngược lại.
Trừ khi bạn thực sự có việc cần giải quyết ngay thì nên đến nói chuyện trực tiếp, nếu không hãy để lại tin nhắn hoặc email cho họ. Mỗi người có cách sắp xếp và ưu tiên công việc khác nhau, họ có thể trả lời bạn sau khi họ xong việc khác quan trọng hơn. Nếu bạn cứ đến bên bàn của họ để nói chuyện, họ sẽ phải cắt ngang công việc của mình để tiếp chuyện bạn dù không muốn.
Bên cạnh đó, việc bạn cứ lởn vởn sau lưng người khác và tệ hơn là nhìn vào màn hình của họ (vô tình hay cố ý) khiến họ cảm thấy bị làm phiền và xâm phạm sự riêng tư. Vẫn chưa hết, người khác trong văn phòng có thể nghĩ bạn “hơi bị” rảnh rỗi nên cứ đi loanh quanh suốt.
Mang quà vặt cho đồng nghiệp khi đi du lịch về
Nếu đồng nghiệp của bạn phải làm thêm việc cho bạn trong thời gian bạn đi nghỉ mát, đừng quên mang về những món quà lưu niệm nho nhỏ ở nơi bạn nghỉ mát cho họ. Nhiều người cho rằng việc này không cần thiết và tốn kém nhưng cứ nghĩ xem, nếu bạn muốn mọi người vẫn hỗ trợ bạn trong những lần sau thì đừng ki bo những chuyện không đáng.
Và bạn cũng hãy nhớ rằng của cho không bằng cách cho, ngoài việc mua quà vặt, bạn cũng hãy bày ra đĩa, để ở bàn chung và đánh tiếng cho mọi người cùng thưởng thức.
Ý Nhi/Theo Quartz