Tạo tiếng vang
“Cường Phò mã” là tên quen thuộc mọi người thường gọi Nguyễn Tiến Cường, vì anh là con rể của ông Phạm Quang Xuân ở phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình (Hà Nội), người được mệnh danh là “Vua dép lốp”. Sau khi được bố vợ chính thức truyền nghề làm dép lốp, bằng cái “duyên” và niềm đam mê, “Cường Phò mã” đã đưa sản phẩm thủ công độc đáo này tạo tiếng vang trên khắp thế giới.
Xuất hiện tại gian hàng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, giữa trưa nắng, Cường vẫn được các du khách trong và ngoài nước vây quanh để xem sản phẩm và chụp ảnh lưu niệm. Không giống như biệt danh “Phò mã” được đặt, Cường có nước da ngăm đen, đôi bàn tay nhỏ nhuốm màu của chiếc lốp cao su.
Tiếng vang lớn mà “Vua dép lốp” có được, trước tiên là nhờ bàn tay của nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã có hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép Bác Hồ sử dụng trong những năm kháng chiến, được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đôi dép cao su đã trở thành biểu tượng của ý chí, sự kiên gan và đồng hành với những người chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến gian khổ giành độc lập cho dân tộc.
Với thế mạnh tuổi trẻ và hiểu biết trong ngành công nghệ thông tin, ngay sau khi được truyền nghề, Cường nhanh chóng thiết lập một trang web giới thiệu sản phẩm dép cao su và tiến hành đăng ký thương hiệu “Vua dép lốp Phạm Quang Xuân”.
Tính đến nay, anh đã quy tụ được 25 người thợ gắn bó với nghề làm dép cao su ở các tỉnh, thành phố; sản xuất được khoảng 3 vạn đôi dép cao su hoàn toàn thủ công và theo chân khách hàng chu du qua hơn 60 quốc gia. Sản phẩm của “Vua dép lốp” được tiêu thụ 30% trong nước, 70% được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc.
Dép lốp có mặt tại các khu du lịch ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh… Với mức giá 140.000 - 400.000 đồng/đôi (bán buôn); 160.000 - 700.000 đồng/đôi (bán lẻ), sản phẩm luôn thu hút khách hàng vì những chi tiết khác lạ, bền, bóng… “Những người cá tính, thậm chí hơi kỳ dị một chút nhưng thành công trong cuộc sống, thường là những khách hàng ruột của chúng tôi”, Cường vui vẻ nói.
Anh cho biết, trong thời gian tới, “Vua dép lốp” sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời vẫn ưu tiên thị trường trong nước để phát triển ổn định. Tuy nhiên, vì làm thủ công, mà lại phải đáp ứng yêu cầu “vạn đôi như một” nên cũng mất khá nhiều công sức trong việc xử lý nguyên liệu, size dép…
“Sau 3 năm chính thức làm thợ, trải qua nhiều gian truân, tôi tự tin cùng đội ngũ của mình có thể sống được với nghề”, anh Cường chia sẻ. Theo tiết lộ của Cường, doanh thu trung bình của “Vua dép lốp” đạt khoảng 5.000 - 7.000 USD/tháng.
Hướng tới số đông và giá trị của sản phẩm
“70 tỷ đồng là số tiền tôi chạy vạy để sản xuất phim về lịch sử, quy trình làm dép cao su và tổ chức chiếu cho du khách xem tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhưng ban đầu không có ai xem”, Cường xúc động kể lại.
Để có được gian hàng trong Bảo tàng, anh đã phải viết thư tay cho Chủ tịch nước, Tổng Bí thư để bày tỏ nguyện vọng đưa dép cao su thành di sản và phong tặng nghệ nhân làm dép cho bố vợ.
Sản phẩm dép lốp cũng đã trải qua một hành trình khá gian nan. Ban đầu, với suy nghĩ đơn giản là đam mê, cống hiến, Cường làm những mẫu dép quân khu truyền thống, nặng nề, sần sùi. Bảy tháng trời, sản phẩm không có ai mua. Anh bớt bảo thủ, lắng nghe góp ý của khách hàng, đa dạng phân khúc, kiểu dáng, màu sắc, giảm trọng lượng đôi dép nhẹ hơn so với dép truyền thống. Nhờ vậy, sản phẩm được khách du lịch và phụ nữ chuộng hơn.
Để có thể sống lâu dài với nghề, Cường đã và đang đầu tư các thiết kế dành cho số đông và muốn đưa dòng dép cao su phổ biến như dép nhựa, dép da. Anh chuẩn bị tung ra thị trường dòng sản phẩm cao cấp, độc đáo, chất lượng, đi nhẹ chân và có giá hợp lý.
Vì đam mê, nên có bao nhiêu tiền, Cường đầu tư hết vào xưởng dép cao su. Anh chia sẻ, riêng thiết kế logo cũng mất mấy ngàn USD, nhưng anh tự tin sẽ tạo ra những sản phẩm độc, lạ, vì chỉ chọn “chơi” với những người giỏi nhất trong lĩnh vực này. “Làm như vậy sẽ bị chậm tiến độ, vì với những người như thế, chỉ những gì thực sự ‘ám ảnh’ họ mới làm, nhưng tôi luôn được những sản phẩm tốt”, Cường chia sẻ.
Từ bỏ công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin với mức lương vài ngàn USD/tháng để làm dép cao su, Cường luôn nghĩ đến việc áp dụng công nghệ vào quản trị sao cho hiệu quả, tạo ra sản phẩm thủ công đẹp mà không lạc hậu với xu hướng thời trang. Mỗi đôi dép liên quan đến 7 người thợ, vì vậy, anh phải tính toán rút ngắn công đoạn, mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt.
Cường luôn quan tâm đến giá trị thật của mỗi sản phẩm, dép đi phải ôm châm, không đen, bền, giá cả hợp lý... Thời gian tới, anh sẽ tập trung làm thương mại điện tử, nâng cấp website và chủ động chào hàng ở các thị trường tiềm năng.
Cường bộc bạch, điều khó nhất trong cuộc đời anh là thuyết phục bố vợ cho theo nghề và kinh doanh nghề này. Cũng chính nhờ vậy mà giờ đây, người bố vợ khó tính và không thích kinh doanh đó có thể thấy tự hào về chàng rể của mình.