Theo Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.
Giai đoạn mới của thị trường
Phát biểu tại hội thảo, ông Nam cho biết, từ cuối năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam đã xuất hiện nhiều yếu tố cho thấy sự trầm lắng. Tình hình phát triển của thị trường sáu tháng đầu năm 2019 vẫn khả quan nhưng so với cùng kỳ 2018 đã có sự giảm sút và đang đứng trước những thách thức, khó khăn rất lớn.
Trong đó, những vướng mắc về quy hoạch đất đai, thủ tục phê duyệt dự án được siết chặt là hai yếu tố quan trọng tác động lớn đến thị trường. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các điểm nóng ở Trung Đông cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu thống kê từ Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn cung BĐS có chiều hướng giảm sút, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.
Từ những tín hiệu thị trường và các động thái chính sách liên quan đều cho thấy, thị trường đi xuống, suy giảm, không thể tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2019.
Đánh giá về thị trường, Tổng giám đốc MIKGroup Nguyễn Vĩnh Trân cho rằng, đây là sự bắt đầu một giai đoạn thú vị. Mấy năm trước là giai đoạn ngự trị thống lĩnh của các nhà đầu tư, nhưng nay lại là quá trình tiếp diễn của chu trình trước đây với sự tham gia mạnh mẽ hơn, vai trò tốt hơn của cả khách hàng, nhà đầu tư nước ngoài.
Người nước ngoài được phép mua nhà và sẽ tạo cơ hội mới cho thị trường. Các nhà đầu tư trong nước có thể phát triển các sản phẩm mới, ví dụ văn phòng, căn hộ hạng sang sẽ có tiềm năng. Có thể đây là một chu trình mới, nhưng là sự diễn tiến của một quá trình cũ.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thị trường bất động sản giai đoạn 2018 - 2019 bắt đầu cân bằng nhưng sau năm 2019, cầu đang có dấu hiệu tăng hơn cung. Trong giai đoạn này, cần hết sức cảnh giác trước tình trạng bong bóng bất động sản, “giá lên bao nhiêu cũng không bán”, “giá lên cao không bán dù có cung”.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận xét, việc siết chặt tín dụng bất động sản cao cấp, cùng với quỹ đất eo hẹp trong khu vực trung tâm dẫn đến sự thiếu vắng nguồn cung căn hộ, đặc biệt là phân khúc cao cấp và hạng sang trong một vài năm tiếp theo.
Doanh nghiệp nên phòng thủ
Lượng tồn kho bất động sản theo công bố mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng còn khoảng 20.000 tỷ đồng. Số liệu thống kê của 65 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán của cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp BĐS quy mô của TP. HCM cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho đã lên đến 201.921 tỷ đồng.
Trước bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang gặp không ít khó khăn và thị trường đã ghi nhận sự sụt giảm về nguồn cung, ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp nên hoạch định các chiến lược phát triển lâu dài.
Thị trường tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Thậm chí phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; Mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý. Do đó, UBND các tỉnh, thành phố cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với: Các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật...
Theo ông Nam, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản tạo ra những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản phải “trở mình” để tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác.
Trong đó, có việc tự nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, minh bạch trong quản trị doanh nghiệp; chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết để có thể huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm sửa đổi, ban hành khung pháp lý liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản cho phù hợp với những vấn đề thực tiễn nảy sinh.
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần cung ứng được những sản phẩm có chất lượng ra thị trường. Thị trường bất động sản hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp cần làm ăn chân chính, chuyên nghiệp hơn, nghiêm túc chấp hành pháp luật, ông Nam nhấn mạnh.
Theo VietnamFinance