Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MIK Group cho rằng, gần 6 tỷ USD vào lĩnh vực bất động sản trong 8 tháng qua vẫn là con số khiêm tốn...
"Tôi cho rằng, với dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu về nhà ở của người vẫn rất lớn trong khi nguồn cung chưa phải là đã dư giả. Do đó, Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài".
Quan điểm trên của Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc MIK Group Nguyễn Vĩnh Trân khi ông chia sẻ về những quan điểm trái chiều trước diễn biến của việc dòng vốn nước ngoài đang có xu hướng tăng mạnh vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam trong thời gian qua.
Trao đổi với VnEconomy, ông Trân nói: - Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng nhờ những yếu tố về dân số, dân ở thành thị cao (hơn 34%), độ tuổi trung bình trẻ... Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh thuộc nhóm đầu của khu vực. Trong khi đó, diện tích bình quân nhà ở trên đầu người của Việt Nam lại đang khá thấp so với mức chuẩn của thế giới.
Đối với nhà đầu tư, đó là điều dễ nhận thấy nhất và là quan trọng số 1 khi họ quyết định rót tiền vào hay không.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng rõ rệt cho thấy dấu hiệu của thị trường bền vững và phát triển và đã có sự sôi động, lan tỏa trên hầu hết các vùng, miền.
Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng..., căn hộ văn phòng tại Hà Nội, Tp.HCM tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lợi nhuận tỷ lệ thuận với rủi ro
Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng, tiềm năng là vậy, song thị trường bất động sản Việt Nam lại khá non trẻ, thiếu minh bạch nên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro?
Tôi nghĩ rủi ro thì lúc nào cũng có hết. Trên thực tế, không có dự án nào mà không có rủi ro. Do đó buộc nhà đầu tư phải xem lại quá trình soát xét dự án như thế nào.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng luôn ý thức được một quy luật trong kinh doanh đó là lợi nhuận cao thì đi kèm với rủi ro lớn.
Do đó, có những nhà đầu tư họ vẫn khá mạo hiểm, sẵn sàng rót vốn vào những dự án mà họ nghĩ họ có thể thay đổi được quy hoạch, phương thức bán hàng tốt hơn, từ đó có thể nâng giá sản phẩm…
Ông bình luận gì về con số 6,9 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018?
Tôi được biết, báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Diễn đàn mua bán, sáp nhập Việt Nam (MAF) công bố mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, bằng 139% cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, ngành bất động sản chiếm ưu thế với tỷ trọng 66,75%; tiếp theo là ngành tài chính ngân hàng 19,06% và sản xuất công nghiệp 9%. Tuy nhiên, theo tôi gần 6 tỷ USD vào lĩnh vực bất động sản trong 8 tháng qua vẫn là con số khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Tôi có cảm giác, nhà đầu tư nước ngoài dường như đang "bỏ ngõ" thị trường bất động sản Việt.
Trên thực tế, thu nhập bình quân của người Việt hiện vẫn khá thấp, do đó cầu có khả năng thanh toán cũng hạn chế. Điều này có là rào cản cho thị trường không?
Như tôi đã nói trên, với dân số gần 100 triệu người đã là một yếu tố đảm bảo cho thị trường hoàn toàn có thể phát triển bền vững. Cầu ở mọi phân khúc luôn luôn có. Trong khi đó, với các sản phẩm bất động sản từ mọi phân khúc cao cấp nhất thì thị trường vẫn hạn chế. Chỉ cần 1% dân số mua sản phẩm cao cấp thì nguồn cung cũng đã là chưa đủ rồi.
Vấn đề còn lại chỉ là làm sao để khách mua hàng có niềm tin để mua sản phẩm đó mà thôi.
Là một doanh nhân Việt Kiều từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nước ngoài, ông có thấy thị trường Việt Nam khác với các nước khác?
Tôi nghĩ thị trường các nước về cơ bản đều giống nhau về cung và cầu mà thôi.
Ở Việt Nam, thị trường thực sự vẫn khá non trẻ. Nhưng bù lại thị trường Việt Nam vẫn có mức khá giá tốt, nguồn cầu lớn nên rất tiềm năng.
Còn với nhà đầu tư, doanh nghiệp nào cũng phải trải qua một quá trình phát triển, học hỏi, phải rút ra những bài học để thay đổi, phát triển.
Không thấy dấu hiệu của bong bóng
Nhưng khi so sánh với các nước, doanh nghiệp bất động sản Việt vẫn bị mang tiếng "ăn xổi". Ông sẽ khắc phục hạn chế này như thế nào khi điều hành MIK Group?
Đây là một điểm rất quan trọng. Trước đây, doanh nghiệp bất động sản bán hàng rất tốt, chỉ cần đưa ra sản phẩm bán lấy tiền. Nhưng bây giờ thị trường đã cạnh tranh hơn rất nhiều.
Thị trường bây giờ có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nên người mua có nhiều sự lựa chọn hơn.
Do đó, doanh nghiệp giờ phải làm sao để khách hàng mua nhà thấy được việc thực hiện cam kết như thế nào, hậu bán hàng ra sao để họ có thể mua thêm nhà cho con cái, giới thiệu người thân bạn bè vào mua.
Đối với MIK, chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng vào khâu này, vì nếu không sau này khách hàng sẽ không quay trở lại mua nhà của MIK nữa.
Hiện nhiều doanh nghiệp đều làm khá tốt khâu hậu bán hàng. MIK cũng đã thấy được vấn đề này từ lâu nên các dự án khi bàn giao nhà đều kết hợp với khách hàng để họ cảm thấy thực sự hài lòng với sản phẩm mình mua.
Tôi cho rằng, thị trường tới đây sẽ là thuộc về khách hàng vì họ quá nhiều lựa chọn. Cùng với đó, khách hàng giờ không đặt nặng vấn đề về giá, thay vào đó là chất lượng dự án, dịch vụ chăm sóc…
Có ý kiến quan ngại rằng, chu kỳ khủng hoảng 10 năm rất có thể sẽ lặp lại với thị trường bất động sản Việt Nam?
Từ năm 2016 – 2017, khi tiền đổ vào bất động sản thì mọi người đều nghĩ rằng, thị trường bất động sản sẽ có bong bóng và sẽ vỡ. Nhưng, thị trường cho thấy, từ đó đến nay thị trường vẫn phát triển khá tốt, thậm chí ngày càng ổn định, bền vững hơn khiến cho nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy yên tâm hơn.
Trên thực tế, thị trường bất động sản đến năm 2018 này vẫn khá sôi động, nhộn nhịp hơn do Chính phủ đã có một số chính sách hợp lý can thiệp vào thị trường, cùng với đó là số lượng nhà phát triển bất động sản của chúng ta cũng tăng lên đáng kể, tạo tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Thị trường bây giờ lớn hơn rất nhiều nên không thể có chuyện một vài nhà phát triển bất động sản thao túng thị trường, dẫn tới bong bóng được.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước vừa qua có chủ trương siết tín dụng bất động sản cũng là một cách cũng là để giảm bớt nguy cơ bong bóng, hạn chế số công ty bất động sản hoạt động chủ yếu vào nguồn vốn của ngân hàng.