Dunamu - nhà điều hành sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu Hàn Quốc Upbit hy vọng sẽ gây tiếng vang lớn trên toàn cầu nhờ các nghệ sĩ của tập đoàn giải trí HYBE.
Theo CEO Lee Sirgoo, Dunamu có kế hoạch thành lập một liên doanh tại Mỹ với HYBE trong nửa đầu năm nay. Mặc dù thời gian cụ thể chưa được xác nhận, nhưng cả hai công ty đang đàm phán để ra mắt một sàn giao dịch NFT tại đây.
"Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng tôi đặt ra là sản xuất các sản phẩm kỹ thuật số dành cho fandom của các nghệ sĩ HYBE - bao gồm cả BTS. Chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực giải trí trong quá trình vận hành nền tảng giao dịch NFT", ông Lee cho biết.
Dunamu kỳ vọng hợp tác với HYBE sẽ là bước đầu tiên trong quá trình toàn cầu hóa tập đoàn. Hiện tại doanh thu của Dunamu vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa. Công ty ghi nhận lợi nhuận hoạt động 2.590 tỷ won (2,17 tỷ USD) trong ba quý đầu tiên năm 2021, tăng gấp 28 lần so với năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động lên tới 92% cùng kỳ - một kỷ lục chưa từng có tại thị trường tiền điện tử Hàn Quốc.
Dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng, lãnh đạo Dunamu vẫn tỏ ra khiêm tốn và nhấn mạnh công ty cần chuẩn bị trước cho những kịch bản xấu nhất:
"Chúng tôi chưa bao giờ mong đợi thu nhập khổng lồ như vậy. Chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực để bắt kịp với thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Dunamu không thể đứng yên do bản chất thị trường (tiền điện tử) luôn biến động. Đây là lý do tại sao chúng tôi quyết định thâm nhập vào Mỹ theo quan hệ đối tác với HYBE."
Dunamu đạt lợi nhuận cao bất ngờ trong năm ngoái nhờ hoạt động đầu tư tiền điện tử bùng nổ tại Hàn Quốc. Nhưng do doanh thu từ hoa hồng giao dịch có thể giảm theo hoàn cảnh thị trường, Dunamu đang tìm cách đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, chẳng hạn như mở rộng sang lĩnh vực metaverse và NFT.
CEO Lee cũng phủ nhận các tin đồn về việc Dunamu ra mắt thị trường công khai. Ông cho biết công ty chưa có kế hoạch huy động vốn từ IPO và khẳng định bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để Dunamu lên sàn.
Khi được yêu cầu dự đoán về tương lai của công nghệ blockchain, ông Lee trả lời:
“World Wide Web (mạng internet toàn cầu) được phát minh từ những năm 1960 và phải mất 3 thập kỷ cho đến khi được thương mại hóa. Cũng giống như World Wide Web, còn lâu mới đến thời điểm con người xử lý các giao dịch hàng ngày với blockchain. Nhưng ngày này chắc chắn sẽ đến."
Ông Lee cũng tỏ ra lạc quan về tiềm năng phát triển của ngành tiền kỹ thuật số trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang tích cực nghiên cứu để ra mắt loại tiền ảo cho riêng mình.
“Khoảng bốn năm trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) và Bộ Tư pháp là hai cơ quan có quan điểm tiêu cực nhất đối với thị trường tiền điện tử. Nhưng giờ đây BOK đang thực hiện nghiên cứu và khởi động một loạt các thử nghiệm thí điểm để phát hành tiền kỹ thuật số của riêng mình", vị CEO 56 tuổi lấy ví dụ về tiền kỹ thuật số của BOK.