Bị tạm dừng kinh doanh, nhiều quán ăn, nhà hàng… đã đóng cửa hoặc tính chuyển đổi sang hình thức bán cho khách mang đi (mô hình “take away”).
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã ký quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên); CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP kể từ 18h ngày 24-3-2020 đến hết ngày 31-3-2020 để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống COVID-19.
Buồn nhưng vẫn đóng cửa
Ghi nhận chiều muộn 24-3, hàng loạt hàng quán, khu vui chơi, đường sách… đã chấp hành, tạm thời đóng cửa để chống dịch.
Đến 18h, toàn bộ các quầy ở đường sách Nguyễn Văn Bình của TP.HCM đã "cửa đóng then cài", đèn điện tắt và chỉ còn một số ít nhân viên dọn dẹp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Ngọc Toàn - quản lý đường sách - cho biết toàn bộ 18 gian hàng sách mới, 2 gian cà phê sách và 2 gian sách cũ đã chấp hành đóng cửa trước 18h.
Còn tại trung tâm thương mại Vincom (Q.1), đến 17h30 các hàng quán vẫn trong tình cảnh "sụt sùi", tạm thời mở cửa đến 18h để chờ quyết định từ ban quản lý tòa nhà, sau đó đóng cửa. Tuy vậy, một số nhà hàng trong trung tâm này đã chủ động thu dọn hàng quán trước khi chính thức có văn bản.
Ông Ngô Minh Vũ - quản lý nhà hàng Hachiban Ramen - cho biết từ khi có dịch đến nay, số lượng nhân viên phải cắt giảm đến 2/3, chỉ còn duy trì những nhân viên làm toàn thời gian. Song khi có văn bản mới này, nhà hàng buộc phải chấp hành và các nhân viên tạm nghỉ không lương.
"Khó khăn lắm, vì chống dịch, vì sức khỏe thì ai cũng phải chấp hành thôi nhưng thương nhất là những người lao động, giờ không biết xoay xở thế nào trong mấy ngày tới" - ông Vũ nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Đức - quản lý Basta Hiro tại Vincom Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) - cũng lo lắng khi cả anh và các nhân viên khác sẽ rơi vào tình cảnh tạm thời mất việc.
Theo anh Đức, nhận được thông tin bản thân rất buồn và bất ngờ nhưng vì chống dịch nên mọi người đành chấp nhận.
Một cửa hàng ở đường sách Nguyễn Văn Bình thông báo tạm đóng cửa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuyển đổi mô hình hoạt động, tăng khuyến mãi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống cho biết đã sẵn sàng chuyển sang mô hình bán hàng đem đi hoặc giao hàng tận nơi, tạm ngưng đón khách tại quán.
Ông Thanh Chức - một doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản xuất các loại nguyên liệu thức uống ở Q.5 - cho biết ông vừa nhận thông báo của các chủ quán cà phê trong khu trung tâm thương mại, khách sạn ở Q.1 sẽ tạm ngưng nhập nguyên liệu vì quán đóng cửa đến hết tháng 3.
Ông vẫn băn khoăn: "Tôi tìm văn bản đọc thì thấy không có đề cập "tạm đóng cửa quán cà phê" nhưng có lẽ doanh nghiệp nghĩ cần tạm dừng hoạt động lúc này là tối ưu".
Trong khi đó, chị Mai Thùy - chủ hai quán cà phê tại Q.1 và Q.Tân Bình - cho biết từ 18h ngày 24-3, quán đã đóng cửa để sắp xếp lại hoạt động kinh doanh.
"Sau khi hỏi cán bộ phụ trách khu vực, tôi được tư vấn quy định sức chứa dưới 30 người được hiểu bao gồm cả nhân viên, vì vậy trong chiều 24-3, chúng tôi đã họp lại và chuyển sang hoạt động mô hình đến nhận hàng và mang đi (take away) hoặc giao hàng tận nơi. Quán đã thông báo ngưng nhận khách đến quán và bắt đầu dán thông báo trước cửa từ ngày 25-3" - chị Thùy nói.
Cùng ngày, đại diện chuỗi thức ăn nhanh KFC với hàng chục điểm bán cho biết đã tung ra chương trình ưu đãi cho các đơn hàng giao tận nơi thông qua điện thoại, trang web hay ứng dụng của hãng này, giải quyết nỗi lo lắng, hạn chế người dân đến các cửa hàng hiện hữu. So với giá tại quầy, các đơn hàng online có mức giá giảm sâu hơn đến vài chục ngàn đồng.
Theo nhiều doanh nghiệp, lúc này yếu tố sức khỏe của cộng đồng là quan trọng nhất, một số quốc gia láng giềng cũng đã đóng cửa các trung tâm thương mại. Vì vậy, VN cần có hành động mạnh. Càng quyết liệt, chống dịch càng nhanh và mau trở lại đời sống bình thường, khi đó sẽ kinh doanh trở lại thuận lợi hơn.
Tất bật chấp hành ngay khi có thông tin
Ở tiệm làm tóc 30Shine trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), khung cảnh tất bật, vội vã bỗng ùa đến. Chị Vân Anh (quản lý) cho biết khi có thông báo tiệm nhanh chóng chấp hành và ngưng nhận khách mới, tập trung phục vụ khách đang làm dở dang.
Còn tại quán Highland (Q.3), 17h nhân viên cửa hàng bước lên lầu trên và mời toàn bộ khách hàng xuống tầng trệt. Theo lời nhân viên, cửa hàng tạm ngưng phục vụ tầng trên, sau đó chờ tiếp chỉ đạo của cấp trên để tạm đóng cửa ngay theo yêu cầu của TP.
Đóng cửa, treo biển "chung tay chống dịch"
Theo ghi nhận, nhiều hàng quán từ cà phê đến quán ăn đã tạm dừng hoạt động. Chiều
24-3, ngay bên ngoài cổng, thông báo tạm dừng kinh doanh của quán cà phê Sài Gòn Phố (đường Trần Quốc Thảo, Q.3) kèm thông điệp "chung tay chống dịch COVID-19" hiện ra nổi bật. Bước vào bên trong, hàng chục người thợ đang bận rộn sửa sang cơ sở hạ tầng của quán.
Anh Phước (chủ quán) chia sẻ trước tình hình dịch bệnh, tiệm chủ động đóng cửa một thời gian chứ không chờ thông báo từ thành phố. Nhân cơ hội quán trống, không có khách, hơn một tuần nay anh Phước đã thuê người sơn sửa lại vách, trần, dọn dẹp để quán sạch đẹp hơn.
"Có khách khó sửa lắm, mình bụi bặm, khách không ngồi được, nên đợt này tiện làm luôn" - anh Phước cho biết.
Cũng như tiệm anh Phước, nhiều cửa hàng đang tận dụng thời gian nghỉ dịch để nâng cấp, chỉnh trang lại quán.
Trong hôm nay trên trang Facebook của quán cà phê Tinh Tế cũng mới thông báo: "Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang khá căng thẳng, Cafe Tinh Tế quyết định tạm ngưng hoạt động từ hôm nay 24-3 cho đến 29-3. 30-3 dự kiến Cafe sẽ hoạt động trở lại, tuy nhiên chúng tôi sẽ có thể tiếp tục phải dời ngày nếu như tình hình dịch tại khu vực TP.HCM có thêm biến chuyển tiêu cực. Kính mong quý khách thông cảm, Cafe Tinh Tế rất mong đợi để được gặp lại và phục vụ quý khách!".
Hiện tại phần lớn các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm... ở TP.HCM đã chủ động tạm đóng cửa từ sớm.
N.BÌNH - N.HIỂN - B.MAI - M.HƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ