Nhà sáng lập Huawei: "Mỹ chưa bao giờ mua sản phẩm của chúng tôi. Trong tương lai nếu họ muốn có thể tôi cũng sẽ không bán cho họ"

27/05/2019 21:19

Đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ, thứ đang đe dọa sự tồn tại của "đứa con tinh thần" Huawei, nhà sáng lập Ren Zhengfei thể hiện một giọng điệu khá rắn rỏi.


Đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ, thứ đang đe dọa sự tồn tại của "đứa con tinh thần" Huawei, nhà sáng lập Ren Zhengfei thể hiện một giọng điệu khá rắn rỏi.

Trong cuộc phỏng vấn vừa được Bloomberg Television phát sóng, tỷ phú đứng sau tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc thừa nhận các lệnh cấm của chính quyền Trump có thể khiến Huawei đánh mất vị trí dẫn trước các đối thủ như Ericsson và Nokia, thứ mà hãng đã rất vất vả mới có thể có được. Tuy nhiên, ông khẳng định Huawei sẽ có thể tự tìm được nguồn cung chip và cả các phương án thay thế để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường smartphone cũng như công nghệ 5G, dù ông từ chối câu hỏi bao lâu nữa thì Huawei có thể sử dụng các linh kiện và hệ điều hành do chính mình làm ra.

Là một huyền thoại kinh doanh ở Trung Quốc nhưng Ren rất kín tiếng trên truyền thông. Chỉ sau khi con gái lớn và hiện là CFO của Huawei, Meng Wanzhou, bị bắt ở Canada, ông mới lên tiếng. Và kể từ đó đến nay Ren đã trở thành nhân vật trung tâm trong xung đột Mỹ - Trung. Trong 1 cuộc phỏng vấn hồi tháng 1, ông từng thừa nhận khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào "cuộc chiến giành ngôi vương", sẽ không có thứ gì có thể tồn tại nổi.

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố Huawei có thể trở thành một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, làm dấy lên đồn đoán Huawei chính là quân bài được đem ra mặc cả khi hai bên đàm phán những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên Ren nói rằng ông không phải là 1 chính trị gia và thậm chí nói đùa rằng "nếu Tổng thống Trump có gọi cho tôi thì tôi cũng sẽ chẳng nhấc máy" vì Huawei không liên quan gì đến cuộc chiến thương mại.

Trước những động thái mà phía Mỹ liên tiếp tung ra trong thời gian gần đây, Bắc Kinh không thiếu lựa chọn để trả đũa và nhiều người dự đoán Trung Quốc có thể cấm những công ty lớn nhất của Mỹ bước chân vào thị trường. Theo ước tính của Goldman Sachs, nếu Apple bị cấm cửa ở Trung Quốc, hãng có thể đánh mất tới 1/3 lợi nhuận.

Tuy nhiên, Ren cho biết ông sẽ phản đối hành động như vậy. "Trước tiên là điều đó sẽ không xảy ra. Còn nếu xảy ra thì tôi sẽ là người đầu tiên phản đối. Apple là thầy giáo của tôi, là người tiên phong. Chẳng có lý do gì để học sinh chống lại thầy giáo cả".

Hiện doanh thu của Huawei lớn hơn cả Alibaba và Tencent cộng lại. Năm 2018, Huawei vượt Apple về doanh số smartphone. Thành lập Huawei năm 1987 khi có trong tay chỉ 21.000 nhân dân tệ, Ren khẳng định Huawei sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tồn tại. Chắc chắn những lệnh cấm của ông Trump sẽ gây ra nhiều tổn hại cho Huawei, nhưng Ren vẫn tự tin nói: "Mỹ chưa bao giờ mua sản phẩm của chúng tôi. Kể cả trong tương lai nếu Mỹ muốn mua sản phẩm của chúng tôi, có thể tôi sẽ không bán cho họ. Chúng tôi không cần cuộc đàm phán nào cả".


Theo Tú Anh

Trí Thức Trẻ