Nhà thầu metro không bán cổ phần cho đại gia Trung Quốc

16/09/2020 10:26

Fecon, công ty thi công nền móng và công trình ngầm nhiều dự án lớn tại Việt Nam, sẽ tìm nhà đầu tư mới thay thế China Harbour Engineering Company để phát hành cổ phiếu.

HĐQT Công ty Cổ phần Fecon thông báo sẽ không tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư China Harbour Engineering Company (CHEC) về việc phát hành 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho doanh nghiệp này.

Fecon sẽ tiếp tục tìm kiếm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tiềm năng khác phù hợp và có văn bản báo cáo, xin ý kiến đại hội đồng cổ đông chấp thuận theo quy định pháp luật.

Trước đó, đại hội cổ đông 2020 của Fecon thông qua nghị quyết chào bán 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ để thu về tối thiểu 480 tỷ đồng nhằm tăng vốn cho các công ty con, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của công ty mẹ.

Nhà đầu tư chiến lược dự kiến mua vào khối lượng cổ phiếu trên ban đầu là CHEC, một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Trung Quốc China Communication Construction (CCCC). Fecon cho biết CCCC xếp hạng 93 trong danh sách Global Fortune 500 năm 2019 với doanh thu 88 tỷ USD.

CHEC là công ty phát triển thị trường quốc tế chính của CCCC. CHEC kinh doanh 4 lĩnh vực chính gồm cầu cảng, hạ tầng, năng lượng, phát triển bất động sản với doanh thu 12 tỷ USD năm 2019. Doanh nghiệp Trung Quốc này có mặt tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu. Nếu mua vào 32 triệu cổ phiếu, CHEC sẽ sở hữu 20,3% cổ phần Fecon.

nha thau metro anh 1
Nhân viên Fecon thi công dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Lê Quân.

Fecon thành lập năm 2004, trụ sở ở quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp hơn 1.100 tỷ đồng.

Fecon hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm. Công ty đồng thời thi công hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu đô thị; sản xuất và buôn bán các loại cấu kiện bê tông cốt thép.

Một số dự án tiêu biểu của công ty gồm tuyến đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Suối Tiên, metro Nhổn - Ga Hà Nội, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, tổ hợp hóa dầu Long Sơn, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cảng Thilawa (Myanmar).

Cổ đông lớn nhất hiện tại của Fecon là Tập đoàn Nhật Bản Raito Kogyo với sở hữu 18,6% cổ phần. Doanh nghiệp này còn 2 cổ đông lớn khác là quỹ PYN Elite Fund nắm giữ 17,3% cổ phần và Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa đứng tên 5% vốn.

Năm 2019, doanh nghiệp xây dựng này đạt doanh thu thuần 3.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 212 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu, lợi nhuận ròng của Fecon lần lượt là 1.188 tỷ và 29 tỷ đồng.

Theo Zing