Vào thời điểm, thị trường bất động sản rơi vào chu kỳ “khó khăn” thì doanh nghiệp rất cần những nhân sự có chuyên môn giỏi để đưa ra những giải pháp tích cực nhằm “chèo lái” con tàu doanh nghiệp tiến xa và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nếu các ông chủ vẫn duy trì phong cách lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền và tư duy quản trị cũ kỹ thì rất khó thu hút được nhân tài.
Hào nhoáng, bóng bẩy, nhà to, xe xịn… là những gì mà người ta thường hay nói hoặc nghĩ đến nghề kinh doanh bất động sản. Thực tế, không sai nếu nhìn ở góc độ tích cực. Nghề kinh doanh bất động sản (BĐS) có thể mang đến cho bạn một mức thu nhập rất đáng “ngưỡng mộ” mà không phải ngành nghề nào cũng làm được như thế. Hầu hết, trong Top những người giàu nhất Việt Nam đều ít nhiều có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản. Những nhân sự “làm công, ăn lương” bên cạnh các đại gia bất động sản cũng có mức thu nhập không hề nhỏ, nhưng mặt trái của nó là không có sự cam kết lâu dài tại doanh nghiệp. Chỉ có những người thật sự yêu nghề và đam mê mới có thể theo đuổi nghề này lâu dài…
Thị trường bất động sản: Không quá to!
Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng thị trường kinh doanh bất động sản rất rộng lớn với hàng chục vạn doanh nghiệp tham gia kéo theo hàng triệu nhân sự cống hiến tại doanh nghiệp. Thực tế, không phải như vậy. Kinh doanh bất động sản là thị trường có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chỉ có những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, tài chính vững mới thực sự tồn tại lâu dài. Trong hai thập niên trở lại đây, mặc dầu có sự tham gia của hàng trăm chủ đầu tư ngành kinh doanh bất động sản nhưng để có một hay nhiều những dự án thành công thì chỉ loay hoay vài chục cái tên doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước. Rất hiếm những doanh nghiệp với tư duy kinh doanh “ăn xổi, ở thì” vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
Thông thường thị trường bất động sản tại Việt Nam sẽ tồn tại và phát triển theo “chu kỳ” 10 năm. Cứ mỗi 10 năm, hoạt động tài chính và thanh kiểm tra các dự án sẽ lại được siết chặt nhằm kiểm soát thị trường kinh doanh bất động sản tránh tình trạng tiêu cực xảy ra. Rơi vào chu kỳ kiểm soát, những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả sẽ bị “thanh lọc” ra khỏi thị trường - đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nhân sự ngành kinh doanh bất động sản thì đó là câu chuyện khác. Nhân sự rời doanh nghiệp cũ loay hoay tìm bến đỗ mới, có những nhân sự phải rời khỏi ngành “tránh bão” để tham gia vào một ngành nghề mới.
Nhân sự rời doanh nghiệp cũ loay hoay tìm bến đỗ mới. Ảnh minh họa
|
Trong hai (02) năm trở lại đây, không ít những doanh nghiệp chủ đầu tư có thương hiệu lớn phải thay đổi chiến lược và tư duy kinh doanh mới, thay đổi hàng loạt vị trí lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, tháng 6/2018, Tập đoàn Hoàng Quân (HQC) đã bổ nhiệm ông Phạm Minh làm Tổng Giám đốc, nhưng chỉ sau đó 11 tháng, ông Minh đã từ nhiệm.
Tháng 02/2019, Vinhomes (HOSE: VHM) – một thành viên của Vingroup (HOSE: VIC) đã bổ nhiệm bà Lưu Thị Ánh Xuân giữ chức vụ Tổng Giám đốc, nhưng sau gần 03 tháng lãnh đạo Vinhomes đã miễn nhiệm bà Xuân và đưa ông Phạm Thiếu Hoa lên thay. Tháng 04/2019, đại hội thường niên CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín (TTC Land, HOSE: SCR) đã phê chuẩn ông Nguyễn Đăng Thanh nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TTC Land. Tuy nhiên, đầu tháng 11/2019 Hội đồng Quản trị TTC Land đã bổ nhiệm ông Vũ Quốc Thái nắm giữ chức Tổng Giám đốc thay cho ông Thanh.
Gần đây nhất, vào tháng 8/2019 Sunshine Group đã công bố quyết định bổ nhiệm Bà Dương Mai Hoa vào vị trí Phó chủ tịch Sunshine Group kiêm Tổng Giám đốc Sunshine Homes. Còn nhớ, trước đó bà Đặng Thị Lưu Vân – cựu Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn Sunshine đã đầu quân về Tập đoàn danh tiếng khác – Tập đoàn FLC. Một vấn đề đáng lưu tâm là một khi doanh nghiệp đã thay đổi những vị trí lãnh đạo chủ chốt đồng nghĩa với việc sẽ có thể thay đổi hàng loạt chiến lược kinh doanh kém hiệu quả trước đó cũng như thay đổi nhân sự theo định hướng chiến lược kinh doanh mới, cũng chính vì điều này mà nhân sự ngành kinh doanh bất động sản rơi vào cuộc “cạnh tranh” mới – cạnh tranh tìm “bến đỗ”.
Đỏ mắt tìm… minh chủ!
Như đã nói ở phần trên, những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thương hiệu mạnh và kinh doanh hiệu quả không tồn tại nhiều trên thị trường. Do vậy, các cuộc cạnh tranh của nhân sự giỏi trong ngành này diễn ra ngày càng trở nên gay gắt hơn. Không nhiều nhân sự rời bỏ khi mà doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, nhưng hầu hết nhân sự chỉ rời bỏ doanh nghiệp khi ông chủ doanh nghiệp không phải là… minh chủ. Câu hỏi được đặt ra đối với nhiều người “như thế nào mới là minh chủ”?
Minh chủ được hiểu đơn giản là ông chủ có tài, đức sáng suốt. Ông chủ có thể biết thế nào đúng, thế nào là sai. Phân biệt được ai là ai? Phân biệt được chân - giả, thiện - ác, chính - tà và nhất định phải là nhà lãnh đạo đắc nhân tâm. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng đó là những tiêu chí đó rất khó đạt đối với các vị chủ doanh nghiệp ngành kinh doanh bất động sản hiện nay.
Theo như tìm hiểu, các chủ doanh nghiệp ngành kinh doanh bất động sản đa phần đều tốt nghiệp trái chuyên môn hoặc không có chuyên môn về quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tư duy quản trị của các ông chủ này phần lớn đều rất cũ kỹ do “khoảng cách thế hệ” quá xa so với nhân sự đang cống hiến tại doanh nghiệp. Họ hầu như không để ý nhiều đến “tâm thế” cống hiến của nhân sự ngày nay. Thực vậy, họ (người lao động) đều không cảm thấy hạnh phúc khi cống hiến cho doanh nghiệp bề thế, có tiếng tăm nhưng ông chủ không phải là… minh chủ. Họ vứt áo ra đi là chuyện hiển nhiên và sớm muộn! Người lao động luôn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu khi ông chủ luôn sử dụng phong cách lãnh đạo “độc đoán”, chuyên quyền trong mọi trường hợp. Ông chủ ngày nay cần “đắc nhân tâm” và thu phục được lòng người. Điều này, thuộc về kỹ năng lãnh đạo. Dĩ nhiên, kỹ năng lãnh đạo không phải ông chủ nào cũng có và cũng không phải ai cũng hiểu…
Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản có thương hiệu mạnh và đã có tiếng tăm trên thị trường nhưng nhân sự “ra - vào” tại những doanh nghiệp này là rất… thường nhật. Nhìn ở góc độ nào đó, có thể họ sẽ hài lòng về việc này và cũng như không muốn thay đổi nó. Nhưng, theo cá nhân người viết - “họ đã thất bại”, họ thất bại trong hệ thống quản trị doanh nghiệp, thất bại trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp và thất bại trong cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài. Họ được gì khi nhân sự “vứt áo ra đi” thường nhật và xem chỉ doanh nghiệp là “trạm dừng chân” tạm thời? cái họ “được” thì rất ít mà cái “mất” thì rất nhiều. Một vài doanh nghiệp là chủ đầu tư và rất có tiếng tăm trên thị trường nhưng khi được nhắc đến tên thì người lao động không thôi khỏi “ngán ngẫm”… tránh xa.
Vào thời điểm, thị trường bất động sản rơi vào chu kỳ “khó khăn” thì doanh nghiệp rất cần những nhân sự có chuyên môn giỏi để đưa ra những giải pháp tích cực nhằm “chèo lái” con tàu doanh nghiệp tiến xa và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nếu các ông chủ vẫn duy trì phong cách lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền và tư duy quản trị cũ kỹ thì rất khó thu hút được nhân tài. Nếu xác định, bản thân mình không phải là “sư tử” thì hãy thuê sư tử và mạnh dạn giao quyền…
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Viện chính sách kinh tế và Kinh doanh ĐH Tôn Đức Thắng