Nhân tài Việt trẻ đang ứng dụng AI đa dạng thế này đây: Trồng dưa leo năng suất vượt trội, chẩn đoán bệnh qua X-quang phổi và giúp... máy nói chuyện với người

24/12/2018 19:10

"Việc nghiên cứu và đào tạo AI trong nước đã có những bước tiến", Vũ Duy Thức - đồng sáng lập VietAI - nhận định.


"Việc nghiên cứu và đào tạo AI trong nước đã có những bước tiến", Vũ Duy Thức - đồng sáng lập VietAI - nhận định.

Tuần qua, tại TPHCM đã diễn ra Sự kiện VietAI Summit 2018 - diễn đàn thường niên AI (trí tuệ nhân tạo) được tổ chức bởi VietAI (Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt). Tại đây, nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau được giới thiệu.

 

Công nghệ AI giúp trồng dưa leo, chẩn đoán bệnh và giúp... máy nói chuyện với người

Kenneth Trần, kỹ sư tại Microsoft Research "trình làng" dự án ứng dụng AI trong nông nghiệp. Nói nôm na, dự án này "phát triển một thuật toán có thể vận hành những trang trại trong nhà một cách tự động và hiệu quả". Trong thử nghiệm trồng dưa leo tại một nhà kính, hệ thống AI được sử dụng để điều khiển các thiết bị trong nông trại và đưa ra những quyết định trồng trọt với những yếu tố như nước hay điều chỉnh ánh sáng.

Kết quả của vụ mùa dưa leo trên, năng suất dưa leo và kết quả về lợi nhuận đã được chứng minh vượt qua kết quả của nông trại được trồng bởi con người. Theo Kenneth Trần, công nghệ này trong tương lai không chỉ dừng lại được ứng dụng trong sản xuất nông sản mà trong những ngành khác như năng lượng hay giao thông vận tải.

Nhân tài Việt trẻ đang ứng dụng AI đa dạng thế này đây: Trồng dưa leo năng suất vượt trội, chẩn đoán bệnh qua X-quang phổi và giúp... máy nói chuyện với người - Ảnh 1.

Kenneth Trần, kỹ sư tại Microsoft Research "trình làng" dự án ứng dụng AI trong nông nghiệp.

Một màn trình diễn khác về ứng dụng của AI, không phải đến từ kỹ sư tại công ty lớn như Microsoft hay Google mà từ một tân cử nhân của trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TPHCM - Chương Huỳnh.

Dự án của Chương thuộc lĩnh vực y tế: "Hệ thống chuẩn đoán bệnh trên ảnh X-Quang phổi bằng khử nhiễu bóng xương kết hợp với học sâu (deep learning)". Tức, công nghệ này giúp tự động chẩn đoán bệnh qua hình ảnh chụp X-Quang phổi của bệnh nhân.

Còn hai chàng trai trẻ Đỗ Trương và Minh Thắng đến từ Vietnam AI Systeam thì mang đến diễn đàn 4 mô hình demo về sử dụng công nghệ AI trong chuyển giọng nói tiếng Việt thành văn bản với tính chính xác cao. Công nghệ này còn hứa hẹn về tương lai tương tác tiếng Việt giữa người và máy. Được biết, những công nghệ này đang được ứng dụng vào smart home (nhà thông minh).

Nhân tài Việt trẻ đang ứng dụng AI đa dạng thế này đây: Trồng dưa leo năng suất vượt trội, chẩn đoán bệnh qua X-quang phổi và giúp... máy nói chuyện với người - Ảnh 2.

Demo huyển giọng nói tiếng Việt thành văn bản của Đỗ Trương và Minh Thắng

 

Bức tranh ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Những tràng vỗ tay sôi nổi sau mỗi phần trình bày tại VietAI Summit 2018 phần nào cho thấy sự quan tâm của những người trẻ Việt đến trí tuệ nhân tạo. Những dự án được trình bày tại diễn đàn có thể đến từ những chuyên gia Microsoft như Kenneth Trần, những startup như Đỗ Trương, Minh Thắng hay bạn sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) được tiếp cận trí tuệ nhân tạo từ những lớp học nhỏ trong nước như Chương Huỳnh.

"Việc nghiên cứu và đào tạo AI trong nước đã có những bước tiến", TS Vũ Duy Thức - đồng sáng lập VietAI nhận định. VietAI là dự án phi lợi nhuận do Vũ Duy Thức và Lương Minh Thắng, 2 Tiến sĩ AI trưởng thành từ ĐH Stanford (Hoa Kỳ), lập ra nhằm đưa các chuyên gia thực hành, nhà nghiên cứu trực tiếp đào tạo những kỹ sư CNTT muốn bước chân vào lĩnh vực AI.

"Những bạn từ nước ngoài, làm việc với những nhóm nghiên cứu, những công ty tại Việt Nam, vì có thể đào tạo và truyền kinh nghiệm cho những bạn trong nước, từ đó mà có thể hình thành những cộng đồng những nhà phát triển trí tuệ nhân tạo khá vững.

So với những nước lớn thì số lượng vẫn còn hạn chế, nhưng đây là hạt nhân mà từ đó có thể xây dựng một cộng đồng AI tại Việt Nam", Thức Vũ nhận định.

Nhân tài Việt trẻ đang ứng dụng AI đa dạng thế này đây: Trồng dưa leo năng suất vượt trội, chẩn đoán bệnh qua X-quang phổi và giúp... máy nói chuyện với người - Ảnh 3.

TS Vũ Duy Thức tại sự kiện. Ảnh: Fanpage VietAI

Về những mảng ứng dụng thực tiễn của AI đang được quan tâm tại Việt Nam, Thức cho biết: "Mình thấy có nhiều bạn đang làm về y tế, như sử dụng big data và AI để chẩn đoán bệnh, chẳng hạn sử dụng AI để xem phản ứng thuốc như thế nào. Có vài bạn đang tập trung vào mảng fintech, ví dụ như credit scoring – làm sao để biết được chỉ số tín dụng của người vay tiền. Rồi recommendation system – những ứng dụng như giới thiệu quảng cáo sản phẩm. Còn nông nghiệp, có một số bạn đang ứng dụng big data vào trong nông nghiệp để có thể tăng năng suất".

Tuy nhiên, anh cũng cho hay việc ứng dụng AI rộng rãi vào thực tế tại nước ta hiện chưa nhiều. Những hiện diện phổ biến nhất của AI, theo anh là trong thương mại điện tử và fintech.

"Đó là những mảng mà mình thấy có ứng dụng, nhưng mà nói thực sự rộng rãi thì chưa", anh nói.

VietAI Summit 2018 do Tổ chức Trí tuệ nhân tạo Việt (VietAI) tổ chức, quy tụ hơn 200 chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các công ty công nghệ tại Việt Nam và thế giới. Dự định đây sẽ là sự kiện thường niên kết nối cộng đồng AI tại Việt Nam.


Thảo Thảo

Theo Trí Thức Trẻ