87 nhân viên mạng lưới thú y địa bàn tại TP.HCM cả năm 2018 không được nhận lương khiến cuộc sống họ vô cùng khó khăn. Các thú y địa bàn này sống nhờ kinh tế của vợ, mượn tiền để chi tiêu cuộc sống mỗi ngày
Như Thanh Niên thông tin, từ đầu năm 2018 đến nay, 87 nhân viên mạng lưới thú y địa bàn tại TP.HCM (thú y địa bàn) không được nhận lương.
Mặc dù Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM đã kiến nghị lên UBND TP.HCM nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 10 nhân viên thú y địa bàn nghỉ việc, hiện có 2 người đã nộp đơn xin nghỉ. Số nhân viên thú y địa bàn còn lại cũng đang cố gắng bám trụ với nghề và chờ đợi sự quan tâm của lãnh đạo UBND TP.HCM.
Trò chuyện với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Thành (nhân viên thú y địa bàn tại H.Hóc Môn) nói như khóc: “Khổ lắm em ơi, làm trong nghề 15 năm nay lương chỉ hơn 1,3 triệu/tháng mà bị nợ lương cả năm nay”.
Theo ông Thành, công việc của nhân viên thú y địa bàn là tiêm phòng, chích ngừa cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó còn phải bám sát địa bàn để theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh tại địa phương để xử lý và báo về cơ quan liên quan xử lý kịp thời không để dịch bùng phát trên diện rộng.
Mượn bạn bè, hàng xóm để chi tiêu Ngoài công việc thú y địa bàn, để có tiền lo cuộc sống, nuôi con, ông Thành phải vay tiền mua bò giống về nuôi. “Lương mình ít, mình nhờ người quen mượn ít tiền mua bò giống về nuôi lớn rồi bán kiếm thêm thu nhập”, ông Thành cho biết.
“Mang tiếng làm nhà nước mà lương còn thua công nhân, nói không ai tin, mình làm không ra tiền, kinh tế phụ thuộc vào đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ. Nhiều lần muốn mua gì, đi nhậu nhẹt bạn bè, hay đám tiệc đều rất ngại ngửa tay ra xin tiền của vợ. Nhiều lần cảm thấy vợ khó chịu nhưng cũng không biết làm sao cả”, ông Thành tâm sự
Vợ chồng ông Thành có một đứa con 6 tuổi, vì kinh tế khó khăn nên không dám sinh thêm. “Đẻ đứa nữa lấy gì nuôi, mình đi làm mà còn phải xin tiền vợ, đứa thứ hai ra đời chắc cạp đất mà ăn”, ông Thành nói.
Suốt một năm qua, tiền sinh hoạt ông Thành đều đi mượn bạn bè, hàng xóm để chi tiêu. “Tôi vẫn cố đi làm vì nghiệp mình gắn với nó đã 15 năm rồi, bà con ai cũng quý và thương mình. Cũng hy vọng cuối năm nhà nước trả lương để cuối năm trả nợ. Nếu không được trả lương thì tôi bán con bò giống để trả tiền cho họ, không để mang tiếng”, ông Thành nói.
Ông Thành hy vọng lãnh đạo UBNND TP.HCM quan tâm về chính sách tiền lương, bảo hiểm để những nhân viên thú y địa bàn còn cơ chế hoạt động và gắn bó với nghề, để giám sát địa bàn giúp người dân phòng chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng (nhân viên thú y địa bàn tại xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) cũng khóc ròng khi được hỏi về tiền lương suốt năm 2018. “Làm 20 năm, lương chỉ 1,3 triệu đồng/tháng vậy mà nỡ lòng nào không trả cho anh em tôi”, ông Hùng mếu máo.
Ngoài công việc của một nhân viên thú y địa bàn, hằng ngày ông Hùng phải làm đủ việc mới có tiền chi tiêu cho gia đình. “Cái nghề này cực lắm, nhưng mà đã gắn với nghề lâu rồi nên không bỏ được. Hy vọng cuối năm nhà nước trả lương để trả nợ và tiêu Tết”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng mong muốn lãnh đạo TP.HCM quan tâm để cuộc sống nhân viên thú y địa bàn bớt cực và đủ động lực để bám sát địa bàn, giúp bà con.
“Nếu như đà này thì tôi đảm bảo thú y địa bàn họ nghỉ hết. Vì làm lương ít, mà còn nợ cả năm thì anh em tôi "hít không khí" mà sống. Còn gia đình nữa, mang tiếng đàn ông làm việc nhà nước mà về xin tiền vợ thì tuổi nhục lắm”, ông Hùng nói.
Theo Thanh Niên