Đêm qua tôi lại trực. Đó là chuyện thường ngày trong công việc của tôi. Bệnh vào có 6 ca, nghe có vẻ nhàn.
LTS: "Nhật ký Blouse trắng" là tuyến bài ghi lại những câu chuyện, cảm xúc, suy tư của những nhân viên y tế, giúp độc giả hiểu hơn về những người ngày đêm tận tuỵ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. BBT hân hạnh giới thiệu!
Trường hợp 1: Viêm gan do thuốc kháng giáp
Viêm gan do thuốc kháng giáp theo thống kê có tỉ lệ khoảng 0,5% tức cứ 1.000 ca có 1 ca bị. Bệnh nhân dùng thuốc kháng giáp nên nhớ, khi có biểu hiện mệt ăn kém vàng da là phải ngưng thuốc ngay đi khám lại. Ca này bệnh nhân bị cả tuần sau mới ngưng thuốc mặc dù đã được dặn dò trước đó.
Đúng là đời có trăm thứ lằng nhằng phải lo khó mà nhớ hết, nhưng mà đã bệnh mà ngưng thuốc thì dễ đi gặp tử thần.
Bệnh nhân này còn làm tôi nhớ lại 2 năm trước tôi có gặp một trường hợp tương tự: đi khám về cứ mang toa cũ ra uống mà không tái khám, đến khi viêm gan do thuốc cũng không biết, tới lúc nhập viện thì gan đã tổn thương rất nghiêm trọng và suy gan luôn sau đó.
- Chọn điều trị cường giáp bằng iod phóng xạ, giải độc gan và chờ đợi cho tình trạng ổn định.
Thuốc kháng giáp có thể gây viêm gan, giảm bạch cầu hạt, đau khớp. Vì vậy bệnh nhân nên đến khám và theo dõi tại bác sĩ chuyên khoa để tránh và xử lý kịp thời các tai biến trầm trọng.
Trường hợp 2: Hạ Kali máu nặng
Hạ kali máu thì hầu như ngày nào cũng gặp. Các nguyên nhân gây hạ kali thường do mất kali qua nôn ói, rửa ruột, cường giáp, uống nhiều dexa, u thượng thận tăng tiết aldosterone... Nhưng bệnh nhân này thì khá hiếm gặp, trong 20 năm làm bác sĩ tôi mới gặp lần thứ 2.
Trường hợp này khá nghiêm trọng với kali máu hạ quá thấp, không những gây liệt tứ chi mà còn rối loạn huyết động với nhịp tim giảm còn phân nửa (38l/p) và tụt huyết áp (80/40 mmHg). Nếu nhập viện trễ hơn vài phút là có thể tử vong.
Điều đáng nói là bệnh nhân này đã bị hạ kali 3 lần trước và đã được khuyến cáo là uống thuốc suốt đời nhưng bệnh nhân đã bỏ trị.
Hạ kali máu không phải chuyện đùa, bệnh nhân nên tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Một số trường hợp phải điều trị suốt đời, không được tự ý ngưng thuốc.
Trường hợp 3: Hôn mê tăng đường huyết sau gãy cổ xương đùi
Bệnh nhân 76 tuổi đái tháo đường 12 năm, bị gãy cổ xương đùi 4 ngày trước, đã nẹp bột cố định. Bệnh nhân uống thuốc trị gãy cổ xương đùi và ngưng thuốc hạ đường huyết vì không dám uống chung.
Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân nhiễm toan Cetone mức độ nặng kèm theo nhiễm trùng huyết chưa rõ ô nhiễm.
Sau một đêm vật lộn với tử thần, đến năm giờ sáng, bị nhéo vào người đau, bệnh nhân lấy tay gạt tay bác sĩ. Cô con gái đứng bên cạnh mừng quá bắt điện thoại gọi về nhà :" Anh ơi, má sống rồi".
Bài học: Không nên tự ý ngưng thuốc điều trị đái tháo đường.
Trường hợp 4: Hôn mê hạ đường huyết
Đây là một bệnh nhân nghe tên đã thấy quen quen, chắc tôi khám cho ông nhiều lần. Gặp mặt thì đúng vậy, một bệnh nhân khám lâu năm tại phòng khám BHYT, nhập viện vì hôn mê hạ đường huyết.
Tôi thoáng cau mày vì sau luận án tốt nghiệp chuyên khoa cấp II về nghiên cứu hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường nhập bệnh viện, tôi chỉ nhặt được duy nhất 1 trường hợp điểu trị tại BV Nhân dân 115 trong số gần 150 ca bệnh.
Hạ đường huyết là một biến cố thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường nhưng đa phần các bệnh nhân là do dùng sai liều hoặc quá liều thuốc, hoặc bỏ ăn, ăn kém nhưng vẫn dùng liều thuốc cũ.
Trường hợp của bệnh nhân này đặc biệt hơn, bệnh nhân bị tiêu chảy nên đã ngưng thuốc điều trị đái tháo đường hơn một tuần naynhưng vẫn bị hạ đường huyết, hôn mê.Hôn mê hạ đường huyết thường khiến người thân rất hốt hoảng. Bệnh cũng có biến chứng rất nguy hiểm nếu bạn đang đi đâu đó đột ngột bị hôn mê, bạn có thể bị tai nạn xe máy, té nhà vệ sinh, chấn thương sọ não, gãy cổ xương đùi.
Kinh nghiệm: Người bị bệnh đái tháo đường nếu ăn kém nên giảm hoặc ngưng thuốc hạ đường huyết.
Ngoài ra nên theo dõi đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm hạ đường huyết, cấp cứu kịp thời, đừng để dẫn đến hôn mê.
Ngoài ra bệnh nhân trong khoa trở liên tục, từ những vấn đề nhỏ như lâu ngày không ị, tự nhiên nghỉ tiểu, nhức đầu chóng mặt, nôn ói, đau ngực, khó thở, tụt huyết áp do thiếu dexa đến suy hô hấp do nghẹt đàm...
Bác sĩ cứ xoay như chong chóng từ 7 giờ sáng hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau mới thở cái phào, bụng nghĩ: Hên quá, không rớt ca nào!
11g trưa hôm sau tôi muốn uống sữa, mà mở mãi cái nắp chai không được, bèn mở cửa phòng nhờ trợ giúp.
Gặp anh chồng của cô bệnh nhân nhờ vặn giùm cái nắp, mấy người nhà khác đứng trước hành lang phì cười: " Đuối quá hả bác sĩ?"
Bụng nghĩ dạ, đuối mà vui.
Thiệt ra bữa nào trực xong cũng có chuyện muốn kể cho bà con đọc, hiểu và tránh mắc sai lầm đáng tiếc, nhưng mà đuối làm hổng nổi, hi hi!
Theo Bác Sĩ Vành Khuyên/Trí Thức Trẻ