Trước vấn đề phóng viên Ngày Nay đặt ra câu hỏi là có rất nhiều dự án xây chùa vô cùng lớn, kèm theo đó là những kỷ lục cấp Quốc gia, khu vực rồi thế giới, sau đó tiến hành bán vé cho khách hành hương, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, việc triển khai các dự án này đang có những vấn đề bất cấp, việc thu chi tại những cơ sở này có nhiều vấn đề mập mờ và Nhà nước cần có bộ khung quy định pháp luật cho những vấn đề này…
Trước vấn đề phóng viên Ngày Nay đặt ra câu hỏi là có rất nhiều dự án xây chùa vô cùng lớn, kèm theo đó là những kỷ lục cấp Quốc gia, khu vực rồi thế giới, sau đó tiến hành bán vé cho khách hành hương, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, việc triển khai các dự án này đang có những vấn đề bất cấp, việc thu chi tại những cơ sở này có nhiều vấn đề mập mờ và Nhà nước cần có bộ khung quy định pháp luật cho những vấn đề này…
* * *
- Thưa Viện trưởng, ông có những nhận xét gì về việc ở đất nước ta hiện tại có những ngôi chùa được xây dựng với số tiền lên tới cả chục nghìn tỷ đồng?
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Nhìn vào hiện tượng hiện nay, về mặt tín ngưỡng đặc biệt là các lễ hội chùa và các lễ hội ở các địa phương, thì chúng ta thấy điều gây bức xúc đầu tiên đó là sự lộn xộn của các lễ hội, đặc biệt là trong các tháng sau tết.
Trong đó, ngoài những lộn xộn về việc đi lại, cũng như hàng quán nhem nhuốc ở các khu di tích, thì còn tồn tại một vấn đề nữa, đó là tài chính. Khoảng vài năm trở lại đây, có sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn bỏ tiền ra làm chùa chiền nhân danh các dự án du lịch tâm linh, quảng bá cho hoạt động lễ hội tại khu vực đó và đồng thời thu lại tiền.
Bây giờ, cần đánh giá từ văn hóa về đạo Phật, về sự vận hành của các chùa ở Việt Nam trước đây như thế nào. Trước đây, các ngôi chùa hay các đình, miếu, được gọi là di tích tâm linh, tồn tại trong lòng người dân, trong cộng đồng và được vận hành dựa trên cơ sở tự nguyện và thiện nguyện của người dân.
Có những ngôi chùa nhỏ cổ kính ở làng, một vài nhà sư, có mảnh ruộng ở chùa. Những nhà sư đó họ làm ruộng để tự cung tự cấp, hoặc người dân ở xung quanh họ đến chùa làm việc nhưng không lấy công, thường gọi là vào chùa làm công quả. Những sản vật đó dùng để tôn tạo chùa cũng như duy trì cuộc sống cho các nhà sư ở trong chùa. Và chùa luôn luôn mở , người dân nào vào cúng lễ và vào gặp các nhà sư cũng được, rõ ràng đó là sự thanh tịnh. Đấy là hình ảnh của chùa ở Việt Nam thời xưa…
Thế nhưng hiện nay vào chùa chúng ta thấy như thế nào? Đất của nhà chùa không còn, không có để tự sản xuất duy trì cuộc sống nữa; hoặc có còn thì cho đi kinh doanh để có nguồn thu, thế nhưng những nguồn thu đó cũng chỉ ở mức độ. Cái vấn đề chúng ta nhìn thấy bức xúc ở đây là khi khách du lịch từ các nơi kéo đến đông, tiền công đức đổ vào ào ào, chùa không còn là nét văn hóa tâm linh của riêng một vùng, một miền, một cộng đồng đó nữa, mà nó bắt đầu được đẩy lên dưới nhiều hình thức như tổ chức lễ hội…
Chính quyền địa phương cũng bắt đầu quan tâm đến câu chuyện này để rồi làm sao tìm cách chạy sao cho bằng được cái bằng di tích lịch sử được xếp hạng, di tích quốc gia… Kèm theo đó là nguồn kinh phí từ Nhà nước bỏ thêm vào, khuếch trương nó lên. Cuối cùng, văn hóa tâm linh ở cộng đồng, ở chùa chiền trở thành một điểm để thu hút khách thập phương tìm đến, qua đó có nguồn thu cho địa phương.
- Trước những thay đổi như vậy của hoạt động tôn giáo nói chung và của các cơ sở Phật giáo nói riêng, ông có thấy có những vấn đề gì “nổi cộm”?
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Có thể thấy, một tình trạng rất xấu hiện nay là nhiều địa phương bằng mọi cách “chạy” những văn bằng về di tích lịch sử, di tích quốc gia; kêu gọi cả doanh nghiệp bỏ tiền vào để tăng thêm quy mô diện tích của chùa cũng như quy mô của lễ hội, nhằm mục đích kéo thêm khách ở tứ phương về, kèm theo đó là phát triển dịch vụ đi kèm. Như vậy, xu thế thương mại hóa đang tấn công rất mạnh mẽ vào lĩnh vực chùa chiền. Từ phía chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp cũng bắt đầu can thiệp vào đời sống tâm linh Phật giáo ở các địa phương.
Bên cạnh đó, ngoài chuyện tiền từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho chùa để phát triển lễ hội, thì có thêm một hiện tượng nữa mà chúng ta có thể nhìn nhận rằng nhiều doanh nghiệp nhắm tới việc đầu tư là một khoản đầu tư béo bở. Đã có những doanh nghiệp đầu tư rất lớn trong việc này.
Ví dụ như ở chùa Bái Đính. Trước đây, có 1 ngôi chùa mà cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên gốc của chùa Bái Đính từ xưa rất đẹp ở trên đỉnh núi, nơi đó có cả mộ của vua Đinh Bộ Lĩnh. Ngôi chùa đó rất là nhỏ và bình yên nhưng bây giờ lại xuất hiện cái chùa Bái Đính rất to, được thiết kế nằm án ngữ ở ngay trước con đường mà trước đây dẫn lên ngôi chùa nhỏ trên núi. Bây giờ, ai muốn tìm đến chùa Bái Đính gốc (ngôi chùa nhỏ trên núi – PV) thì lại phải vòng qua đằng sau núi thì mới đi lên được. Vấn đề này có lẽ cần xem xét ở nhiều khía cạnh, trong đó cơ quan quản lý cũng cần nên nhìn nhận một cách nghiêm túc…
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Thực tế cho thấy, có những lỗ hổng về mặt pháp lý kinh tế, lỗ hổng về mặt pháp lý liên quan đến văn hóa tâm linh đang tồn tại ở đây. Theo xu thế hiện nay thì các dự án liên quan đến chùa chiền đều được đầu tư rất lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ. Tôi xin phép được gọi những đề án phát triển chùa của các doanh nghiệp là các dự án, bởi vì nếu đó không phải là dự án thì đáng nhẽ doanh nghiệp bỏ tiền ra để xây dựng chùa là tiền từ thiện, bỏ tiền ra làm rồi không được nhận lại cái gì cả, và toàn bộ ngôi chùa đó là mở cửa tự do cho công chúng để phát triển du lịch. Thế nhưng ở đây lại ngược lại, doanh nghiệp bỏ tiền ra làm đề án để phát triển những ngôi chùa như chùa Bái Đính với diện tích rất lớn, sau đó vận hành ngôi chùa đó để thu tiền.
Rõ ràng như vậy là trong trường hợp này doanh nghiệp đầu tư vào chùa giống như đầu tư khách sạn – bỏ tiền ra làm chùa xong thu tiền mà lại còn được nhận nhiều những ưu đãi khác.
Dường như người ta vin cớ vào vì nó là phát triển du lịch tâm linh nên việc được giao đất, khai thác cả 1 tài nguyên quốc gia bao gồm: rừng, núi, cảnh quan… mãi mãi. Đó chính là lỗ hổng rất lớn trong việc các dự án tâm linh do các doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra.
Theo tôi, việc này phải nộp thuế để minh bạch về nguồn thu chi chứ không thể để bừa bãi như vậy được. Mà minh bạch về thu chi thì từ đó còn phải xem xét việc quản lý vận hành những ngôi chùa này như thế nào, không thể để tràn lan và lộng quyền được. Nếu nó là 1 dự án đầu tư thì nó phải được đấu thầu theo quy định, ai đảm bảo được điều kiện đấu thầu thì có thể tham gia.
- Viện trưởng đã bao giờ đến thăm chùa Bái Đính và cảm nhận của ông như thế nào về nơi này?
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Có một lần tôi đi chùa Bái Đính thì tôi cảm giác rằng đây không phải một dự án BOT mà là “dự án BO”, vì ai vào cũng phải trả tiền, trong khi không gian và tài sản là của quốc gia nhưng ai vào cũng phải trả tiền cho doanh nghiệp, doanh nghiệp bỏ tiền ra làm và được vận hành mãi mãi.
Dự án BOT là dự án xây dựng, vận hành rồi chuyển giao; thế nhưng ở đây thì không có việc chuyển giao; tức là đời đời và mãi mãi doanh nghiệp này nó cứ sống trên tài nguyên và không gian di sản của quốc gia, không ai có thể vào được. Điều này là quá bất công, không ai có thể kiểm soát được.
Đã đến lúc phải có những hành lang pháp lý nhất định để kiểm soát việc này. Những dự án BOT hiện nay đang còn tồn tại rất nhiều những vấn đề phức tạp gây nhức nhối trong dư luận nhưng ít nhiều người ta còn nhìn thấy là một thời hạn: doanh nghiệp thu đủ vốn lãi xong thì trả lại cho nhà nước, cho cộng đồng. Còn ở những dự án tâm linh này thì doanh nghiệp chẳng bao giờ trả lại, đó là dự án BO: xây dựng và vận hành thu tiền suốt đời. Bất công quá!
- Tại một số ngôi chùa có hiện tượng thu vé vào cửa, Viện trưởng nhận xét điều này như thế nào?
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Việc thu phí của các Phật tử và du khách khi vào chùa theo tôi cũng cần phải xem xét lại. Có thể có lý do là vào tham quan thì cần có chút đóng góp nhất định để lấy nguồn phí đó duy tu, bảo dưỡng chùa nhưng chỉ ở mức độ nào thôi chứ.
Tôi được một số người dân bản xứ tại địa phương nơi có di tích Chùa Hương cho biết là từ mùng 6 tháng Giêng cho đến hết tháng 3, ước tính số người đến thăm Chùa Hương lên đến khoảng 1,5 triệu người, với giá vé hiện nay là 80 nghìn đồng/1 người thì nhẩm tính sơ bộ số tiền mà ban quản lý khu di tích thu về là khoảng 120 tỷ đồng. Với số tiền này thì ban quản lý khu di tích Chùa Hương nộp về nhà nước bao nhiêu, nộp cho tỉnh bao nhiêu, có minh bạch không? Cũng tương tự như vậy, ở Yên Tử thì cái gọi là ban quản lý khu di tích đó họ nộp về cho nhà nước bao nhiêu từ số tiền thu được cần phải được minh bạch ra…
- Tình trạng này xảy ra xuất phát từ đâu, thưa ông?
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Ở đây có mấy vấn đề đang còn tồn tại: Thứ nhất, là việc đầu tư thu hồi vốn ở các khu chùa cần phải chấn chỉnh lại bằng pháp luật, không phải theo hướng để triệt tiêu du lịch ở các khu tâm linh, triệt tiêu du lịch ở các địa điểm danh lam thắng cảnh có chùa, mà cần được điều chỉnh làm sao theo hướng lành mạnh, đảm bảo hài hòa cả 2 mục tiêu: đảm bảo tâm linh tín ngưỡng của người dân cũng như di tích và tạo điều kiện để phát triển du lịch.
Đơn cử như ở Chùa Bái Đính, chúng ta có ngôi chùa cổ rất quý rồi, phải duy tu bảo dưỡng ở mức độ giữ nguyên thể và sau đó thì tổ chức các khu du lịch có bãi đỗ xe, khách sạn để thuận lợi cho việc thăm quan nhưng khoảng cách giữa khu du lịch với ngôi chùa cách nhau khoảng 5-10km. Ở khu vực chùa tuyệt đối không có hàng quán nào hết.
Tương tự là ở Chùa Hương, hiện tại khi đi Chùa Hương thì thấy hàng quán nhếch nhác, bừa bãi chỗ ăn chỗ nằm… tất cả những điều này cần phải bỏ hết. Đã có tâm đi chùa thì nên đến điểm tập kết nghỉ ngơi cho đủ sức khỏe rồi lên chùa, mang theo chút đồ ăn nhẹ và nước uống thôi chứ không thể để hàng quán treo ngược những con thú rừng còn nguyên con, rồi nấu nướng đủ thứ cả, bán đủ các loại đồ khác nhau ở ngay sát khuôn viên di tích được. Đó chính là quản lý về mặt văn hóa tâm linh, trách nhiệm này thuộc về Bộ VH – TT- DL. Đồng thời với đó là phải làm được việc đảm bảo phát triển du lịch ở những khu vực cận kề với chùa.
- Vậy, các cơ quan quản lý cần làm gì để khắc phục những vấn đề này?
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Về mặt pháp luật, phải có hành lang pháp lý kiểm soát được các nhà đầu tư ở các khu du lịch tâm linh để làm sao minh bạch, để làm sao không có hiện tượng doanh nghiệp bỏ ra 1 số tiền để rồi “chiếm đoạt” tài nguyên thiên nhiên ở các khu vực có di tích, danh lam.
Theo tôi điều này sẽ mang lại thiệt hại rất lớn cho đất nước về lâu về dài, vì vậy cần phải điều chỉnh ngay. Tại sao lại để cho 1 số người được gọi là có tiền, dù đó chưa hẳn đã là tiền túi của họ lấy những quyết định phê duyệt dự án rồi xây dựng và như thế họ là người “được”; trong khi người “mất” mãi mãi ở những dự án BO này là nhân dân, là đất nước. Nguy hại ở chỗ, mối lợi thu được ở đây là rất lớn trong khi những dự án đó được khai thác mãi mãi mà không thể kiểm soát.
Luật pháp cần điều chỉnh được việc quy hoạch các dự án du lịch gần các khu danh thắng chứ không để nhom nhem như hiện nay. Nếu làm được 1 luật chung hoặc các văn bản dưới luật tín ngưỡng về phát triển du lịch văn hóa tâm linh là điều nên làm. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét lại các dự án cùng những chủ đầu tư các dự án đó như Bái Đính hay Tam Chúc, hoặc sau này nữa là dự án ở đâu đấy nếu như gây ra những vấn đề bất cập trong xã hội để điều chỉnh.
Đối với những người điều hành phật sự trong chùa (các nhà sư) cùng ban quản lý khu di tích – những người trực tiếp thu tiền và vận hành: theo tôi, đối với nhóm này cũng cần phải có quy định rõ ràng.
Nếu có rồi thì cần phải rõ ràng và minh bạch hơn nữa để ngăn ngừa những chuyện không hay có thể xảy ra. Đã từ lâu chúng ta thường hay có suy nghĩ rằng tiền công đức ở chùa đó là tiền “giọt dầu” và không để ý hay tính toán đến. Thế nhưng hiện nay đó không còn đơn thuần chỉ là tiền “giọt dầu” nữa rồi, vì vậy về mặt tài chính, thì Bộ Tài chính cần có những văn bản để kiểm soát được nguồn thu này. Bởi vì: thứ nhất số tiền này sẽ có thể bị lạm dụng, sử dụng trái mục đích, vì người mà có lòng thành công đức cho chùa thì họ nghĩ số tiền họ bỏ ra để đóng góp sẽ được dùng để sửa sang, vận hành ngôi chùa, nuôi dưỡng các nhà sư; nhưng nếu số tiền công đức đó thu được nó nhiều quá thì chả nhẽ các vị sư trong đó lại từ chối à? Vì vậy nhà nước phải quản lý, bằng cách yêu cầu nộp lại ngân sách nhà nước hay dùng để chi phí cho các mục đích xã hội khác để phát triển kinh tế xã hội địa phương, hỗ trợ những người nghèo, khó khăn, đó là việc rất nhân văn.
Nhà nước hoàn toàn có quyền làm việc đó, và nếu như biết được tiền mình công đức được dùng để làm những việc đó, thì những phật tử hay du khách cũng cảm thấy an lòng vì đồng tiền của mình đã được dùng để làm được điều thiện, đúng với giáo lý của nhà Phật.
Mặt khác, núp dưới bóng các dự án đầu tư của doanh nghiệp thì chùa có thể trở thành nơi rửa tiền rất tốt nếu như không kiểm soát được tài chính ở chùa. Nếu ở công ty thì việc thành phần cổ đông được xem xét rất kỹ, thế nhưng ở những dự án kiểu như thế này thì chẳng phải lo gì. Tôi được biết, hiện nay việc nộp về cho nhà nước số tiền bao nhiêu từ các khoản thu ở chùa là tùy ý của các ban quản lý khu di tích.
Trong ban quản lý đó có đủ các thành phần ban bệ: người của sở VH-TT-DL địa phương, người của doanh nghiệp, người của nhà chùa… nhưng ban đó là cái gì, hạch toán như thế nào, thu vào bao nhiêu, cuối cùng nộp nhà nước bao nhiêu, ban đó chia nhau bao nhiêu thì rất mập mờ. Chính vì vậy, cần phải có quy chế về quản lý tài chính đối với các hoạt động ở chùa chiền rạch ròi.
- Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân bây giờ đang rất cổ xúy cho các hoạt động mê tín, tự làm thoái hóa đi các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, vậy chúng ta cần làm gì cho những vấn đề này?
Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao: Đối với người dân, hiện tượng mê tín dị đoan, lệch chuẩn trong nhận thức về tâm linh không phải ngẫu nhiên mà xảy ra. Đó là do trong bối cảnh xã hội của chúng ta hiện nay, con người ta bị mất niềm tin nhiều quá, nhiều người không làm chủ được cuộc sống của mình, và khi mất niềm tin thì duy nhất chỉ có việc tìm về với tâm linh, đi “cầu xin, cầu may” ở những nơi chùa chiền, miếu mạo.
Nếu như Phật giáo mạnh thì phải góp phần để giác ngộ cho nhân dân nên sống hướng thiện chứ không phải là cứ đổ xô đi “cầu xin, cầu may” để rồi làm điều không thiện.
Tôi nhận thấy đây là 1 vấn đề rất lớn; sự lũng đoạn của những nhóm lợi ích sử dụng đồng tiền để phần nào cổ xúy thêm sự u mê cho nhân dân và “chiếm đoạt” tài sản quốc gia 1 cách lâu dài mà không bị kiểm soát là rất nặng nề.
Như đã phân tích thì việc thu chi ở các cơ sở tâm linh hiện nay là không hề minh bạch. Không làm theo các quy chế tài chính là hành vi vi phạm pháp luật; đây là hiện tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.
Ví dụ, bây giờ nếu có buổi kiểm tra hành chính số tiền thu được trong 1 ngày tại 1 ngôi chùa, thì làm sao có căn cứ nào để có thể tịch thu được số tiền ấy. Nhưng nếu như chúng ta ban hành một quy định cụ thể thì hoàn toàn có căn cứ để xử lý trong trường hợp nếu như có những hành vi vi phạm xảy ra.
Đối với doanh nghiệp nên có chế tài theo hướng giống như các dự án BOT, đó là doanh nghiệp xây dựng rồi vận hành trong thời gian nhất định rồi sau đó phải tiến hành chuyển giao lại. Giá vé vào thăm quan các danh lam thắng cảnh phải do nhà nước ban hành và quyết định, dùng để tu bổ di tích chứ không phải để lấy lãi.
Tất nhiên, cần phải có sự cân đối nhất định để đảm bảo hài hòa giữa một bên là lợi ích của những nhà đầu tư sau khi đã trải qua quá trình đấu thầu minh bạch và một bên là đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của người dân không bị ảnh hưởng bởi việc thu phí như vậy.
Theo Ngày Nay