Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nhiều người mất việc, giảm thu nhập sẽ là áp lực với thị trường bất động sản hậu dịch Covid-19

09/04/2020 13:54

Đó là chia sẻ của bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam với phóng viên Tinnhanhchungkhoan.vn khi nhìn nhận về thị trường bất động sản Việt Nam, cũng như các cơ hội trong giai đoạn trước mắt.

Đó là chia sẻ của bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam với phóng viên Tinnhanhchungkhoan.vn khi nhìn nhận về thị trường bất động sản Việt Nam, cũng như các cơ hội trong giai đoạn trước mắt.

Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang.

Thị trường bất động sản đang đối mặt với không ít khó khăn, nhưng niềm tin vào sự khôi phục mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế cũng rất mạnh mẽ. Sau nhiều năm theo dõi thị trường, bà có chia sẻ gì?

Thị trường Việt Nam khá đặc biệt và thú vị, ở điểm vài năm qua, các phân khúc đều tăng trưởng tốt và ổn định, trừ phân khúc khách sạn hiện nay đang phải chịu nhiều ảnh hưởng, gần như đóng băng bởi dịch Covid-19.

Các phân khúc như văn phòng, bán lẻ, bất động sản công nghiệp vài năm gần đây đều có tăng trưởng ấn tượng và tạo nên sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Minh chứng là dòng vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản vẫn rất tốt qua các năm.

Thị trường bất động sản nói chung, các doanh nghiệp nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà, các chính sách được đưa ra như 2 gói hỗ trợ (gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, một gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng), và cả việc mới đây Bộ Tài chính đã đưa bất động sản vào nhóm được giãn nộp thuế sẽ có tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

Gói hỗ trợ của Chính phủ được chia ra, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch, từ dịch vụ, cho đến sản xuất. Gói này sẽ được phân bổ một phần cho bất động sản. Theo tôi, phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất là khách sạn, sau đó là phân khúc cho thuê.

Tuy nhiên, đến nay điểm chưa rõ ràng là hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp nào, hỗ trợ ra sao.

Bất động sản du lịch đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn.

Covid-19 đang tác động gì đến các phân khúc?

Hiện các doanh nghiệp vẫn phải chi trả các chi phí thường xuyên, hiện nhiều doanh nghiệp không dùng đến văn phòng, nhà xưởng nhưng vẫn phải trả tiền thuê. Do đó theo tôi, cần có hỗ trợ từ chính sách để các doanh nghiệp có thể giảm giá thuê, giảm phí quản lý.

Riêng với phân khúc khách sạn, tỷ lệ lấp đầy của khách sạn từ tháng 12 đến nay là thấp. Có những khách sạn phải vay vốn ngân hàng để phát triển dự án, hoặc vay vốn để phục vụ công tác vận hành nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thường, các khách sạn khi vay ngân hàng sẽ phải cam kết về tỷ lệ lấp đầy, tuy nhiên, hiện nay họ lại không tự chủ được phần này do tác động của dịch.

Nguồn cung và thanh khoản thị trường căn hộ tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM giảm thê thảm trong quý 1/2020. Ảnh: Thành Nguyễn.

Vậy theo bà, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ gì?

Hiện tại, cả 2 phần cấu thành là chủ thuê và người đi thuê đều gặp khó khăn. Nên trước mắt rất cần được cần hỗ trợ về thuế. Nhà nước cần có phân tích ngành nào chịu tác động, từ đó có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trước mắt, có thể hỗ trợ tài chính ngắn hạn.

Còn các doanh nghiệp, cần có giải pháp ứng phó ra sao?

Ví dụ với lĩnh vực nhà ở, hầu hết các phân khúc đều có cầu lớn hơn cung. Việc không thể thực hiện mở bán đang khiến các doanh nghiệp gặp khó. Các doanh nghiệp cần suy nghĩ đến các công nghệ để có thể hỗ trợ khách hàng, như mua bán qua mạng.

Tôi biết nhiều chủ đầu tư đã chủ động phát triển các ứng dụng như vậy từ trước khi có dich, giai đoạn này cần được đẩy mạnh hơn. Vì đây, không chỉ là giải pháp tạm thời mà sẽ là xu hướng, cả ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tắc đầu ra dự án cũng làm cho thị trường thêm khó khăn. Ảnh: Shutterstock.

Có nên đặt vấn đề về việc điều chỉnh sản phẩm, chiến lược kinh doanh lúc này?

Bất động sản có đặc thù là không dễ cải tiến sản phẩm đầu ra ngay, nhưng quy trình vận hành để đảm bảo an toàn, an ninh cho tòa nhà, cho tài sản, khu dân cư thì có thể làm được. Các doanh nghiệp nên cân nhắc để làm theo hướng này.

Vậy còn câu chuyện bán hàng khi dịch được khống chế?

Phân khúc căn hộ thiếu cung nhiều, cung quý I/2020 đã ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, do đó, nhu cầu của thị trường là rất lớn, nhất là với phân khúc tầm trung.

Để hoạt động bán hàng hiệu quả, theo tôi các chủ đầu tư cần có cách giới thiệu sản phẩm tốt, vận hành sản phẩm một cách an toàn, từ đó tạo thiện cảm, niềm tin cho khách hàng.

Phải chăng bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch?

Bất động sản công nghiệp có được sự quan tâm nhiều hơn từ nhà đầu tư nước ngoài. Theo quan sát của chúng tôi, hiện có nhiều nhà đầu tư đã quan tâm và có nhu cầu thuê đất, họ đang đợi dịch đi qua sẽ xúc tiến để vào thị trường.

Bất động sản công nghiệp có thể sẽ thăng hoa sau dịch. Ảnh: Shutterstock.

Bà có ghi nhận gì về tâm lý khách hàng ở giai đoạn hiện tại?

Giai đoạn này rất nhiều người bị mất việc, giảm thu nhập, do đó, theo tôi đa số sẽ đợi thị trường bình ổn rồi mới có động thái tiếp. Chỉ những người có tiền tiết kiệm, có kế hoạch mua sắm sẵn mới tiếp tục thực hiện giao dịch.

Về cơ bản, tôi nghĩ các nhà đầu tư, khách hàng sẽ thận trọng hơn, chủ yếu tìm kiếm sự ổn định.

Ngoài ra, với các phân khúc căn hộ hướng đến khách ngoại giai đoạn này sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do việc hạn chế đi lại. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ cẩn trọng hơn vì bất động sản là mặt hàng có giá trị lớn. Đây không chỉ là tình trạng của Việt Nam, mà với nhiều thành phố quốc tế khác như: Singapore, Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) cũng tương tự.

Thành Nguyễn

TP.HCM bắt tay giải cứu bất động sản

Hạ tầng “ngáng chân” bất động sản công nghiệp

Doanh nghiệp bất động sản chịu áp lực kép

Covid-19 hoành hành, bất động sản công nghiệp vẫn “nở hoa”

Theo ĐTCK