Hàng loạt các ngân hàng tư nhân tiếp tục ghi dấu ấn nổi trội trong năm 2018, với quy mô và lợi nhuận kỷ lục, vượt qua các ông lớn Nhà nước.
Nhóm 2 bứt phá, tấn công
Thông lệ trước đây, 4 NH lớn quốc doanh được mặc định ở nhóm 1 của giới ngân hàng với quy mô, doanh số và lợi nhuận vượt trội. Tuy nhiên, xu hướng đó đã dần thay đổi và 2018 là năm đầu tiên chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của NH cổ phần vốn được xem là nhóm 2, cửa dưới khi có ngân hàng đã vượt xa các ông lớn nhà nước trong bảng xếp hạng lợi nhuận. Bên cạnh đó, thị phần cũng đã nghiêng hẳn về khối NH cổ phần.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của tỷ phú kín Hồ Hùng Anh vừa công bố kết quả kinh doanh 2018 với lợi nhuận vượt qua gần như tất cả các ngân hàng khác, bao gồm cả 2 ông lớn nguồn gốc quốc doanh Vietinbank (CTG) và BIDV (BID).
Theo đó, lợi nhuận trước thuế 2018 của Techcombank đạt gần 10,7 ngàn tỷ đồng (tăng 31%). So với năm 2017, Techcombank đã vượt 3 bậc lên vị trí số 2 về lợi nhuận trong toàn ngành, chỉ thua ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh Vietcombank (VCB).
Trong năm 2018, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh đã liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới: đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán; tăng vốn 1 gấp 3 lần; vượt qua CTG, BIDV, VPBank của ông Ngô Chí Dũng trở thành ngân hàng tư nhân có quy mô vốn điều lệ cũng như vốn hóa lớn nhất. Đây cũng là lần đầu tiên một ngân hàng tư nhân lọt top 3 lợi nhuận.
Ngân hàng VPBank của ông Ngô Chí Dũng trong khi đó tiếp tục giữ được vị trí thứ 4 với lợi nhuận đạt mức kỷ lục mới: 9,2 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 7,4 ngàn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nếu tính thu nhập lãi thuần hợp nhất thì VPBank thu về tới hơn 24,7 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1,1 tỷ USD.
Năm 2018 cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc và có lợi nhuận lên mức kỷ lục của 3 ngân hàng tư nhân khác là: TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng Á châu (ACB) của nhà ông Trần Hùng Huy và HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Và được đánh giá là các ngân hàng chất lượng lợi nhuận và tài sản tốt nhất.
MBBank Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh mẽ lên 7,7 ngàn tỷ đồng và là 1 trong 3 ngân hàng tư nhân lọt top 5 lợi nhuận cao.
HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo báo lợi nhuận trước thuế tăng gần 66% lên mức kỷ lục hơn 4.000 tỷ. Riêng lợi nhuận trước thuế quý 4 của HDBank cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2017.
Còn ACB sau những năm tái cơ cấu, 2018 cũng đột với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 6.388 tỉ đồng, gấp 2,4 lần năm 2017.
Trong năm 2018, ngoài cú bứt phá ngoạn mục của Techcombank, diễn biến đáng khác chính là sự tụt giảm về vị trí của Vietinbank và BIDV. Cuộc đua top 3 giờ không chỉ còn dành cho các ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh nữa. Trong khi Vietcombank bứt phá ngoạn mục và trở thành ngân hàng đầu tiên ghi nhận lợi nhuận tiến sát tới ngưỡng tỷ USD, thì Vietinbank và BIDV tụt giảm nhanh.
Trong nhóm ngàn tỷ, phải ghi nhận sự vững chắc của SHB khi lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.085 tỷ đồng sau khi có sự bứt trong 2017. Bên cạnh đó, các tỷ lệ an toàn hoạt động và thanh khoản của SHB
luôn đạt và vượt so với tiêu chuẩn của NHNN, tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn.
VIB lần đầu tiên lọt top 1 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.741 tỷ, tăng 95% so với năm 2017, vượt 37% do đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm. Còn LienVietPostBank dù có sự suy giảm nhẹ nhưng vẫn có mức khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.213 tỉ đồng.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến các cái tên ngàn tỷ như Sacombank (STB), Eximbank (EIB), TPBank (TPB) và Phương Đông (OCB). Hay nhóm nhỏ những đang có tốc độ cao như An Bình, Bắc Á...
Bí mật đằng sau cuộc đổi ngôi
Đánh giá về bức tranh chung về lợi nhuận ngành ngân hàng 2018, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect xác nhận sự phân hóa rõ và có tốc độ tăng trưởng cao.
Theo ông Tuấn, sự biến động trong bảng xếp hạng lợi nhuận liên quan tới việc tái cấu trúc, trong đó có một số ngân hàng đã bắt đầu trích lập dự phòng thực sự khiến lợi nhuận tụt giảm, trong khi đó một số ngân hàng bùng nổ nhờ khách hàng lớn, phát triển mạnh mảng dịch vụ và đầu tư.
Đại diện Techcombank cho biết, sở dĩ lợi nhuận tăng trưởng cao và đạt kỷ lục là nhờ tăng trưởng tín dụng cao, trong khi nợ xấu được kiểm soát thấp và tăng trưởng mảng dịch vụ và đầu tư cao.
Trong năm vừa qua, TCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng vượt trội: 20%; tín dụng cho vay mua nhà tăng cao, cũng ở mức 20%; bán lẻ tăng mạnh; dẫn đầu về thanh toán qua thẻ Visa và số 1 trên thị trường bancassurance,... Bên cạnh đó, TCB được cho là nằm trong hệ sinh thái của Vingroup, cho vay và phát hành trái phiếu cho VIC nhiều. Công ty chứng khoán TCBS cũng góp cả ngàn tỷ lợi nhuận cho ngân hàng mẹ.
Cũng giống như một số ngân hàng tư nhân thành công trước đó, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh tập trung vào các mảng sinh lời lớn như cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà ở, ô tô, dịch vụ tài chính, gải trí, du lịch,... Thu nhập từ lãi vẫn là khoản chính, chiếm khoảng 60% doanh thu.
VPBank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao nhưng không đạt kế hoạch do mảng tài chính tiêu dùng bị cạnh tranh khốc liệt và cảnh báo nợ xấu gia tăng. Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế của VPB tăng 13% so với năm trước nhưng chỉ đạt 85% kế hoạch.
Về triển vọng 2019, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao nhưng có thể không cao bằng năm 2018, ước tính cả năm mới khoảng 20%. Trong năm 2019, câu chuyện nợ xấu và hạn chế tăng trưởng tín dụng sẽ tạo ra sự phân hóa rõ rệt. Bên cạnh đó, sự phân hóa còn ở chỗ một số ngân hàng tập trung vào dịch vụ , thế mạnh của mình hơn là câu chuyện cho vay truyền thống.
Một số ngân hàng lớn cơ cấu lại sau thay đổi lãnh đạo có khả năng sẽ sẽ đối mặt với tăng trưởng âm. Trogn khi một sô ngân hàng nhỏ tiếp tục hụt hơi giống như nă 2018 vừa qua. Tất nhiên, tăng trưởng của khối ngân hàng phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các tập đoàn lớn trong nước. Một khi các tập đoàn lớn gặp khó, thì nhiều ngân hàng cũng sẽ gặp khó theo.
Trong năm mới, một số ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển bền vững với độ phân tán rủi ro cao như trường hợp MBBank hay ACB của nhà ông Trần Hùng Huy. Trong khi đó, một số ngân hàng sau trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu có thể bứt phá như trường hợp Sacombank của ông Dương Công Minh.
Về cơ cấu tài sản, Vietcombank được đánh giá vẫn là số 1 tại Việt Nam và đang hướng tới mục tiêu ngân hàng đầu tiên đạt lợi nhuận tỷ USD/năm.
Theo Vietnamnet