Những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 có thể khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu khó phục hồi trở lại như trước kia.
Hàng tỷ người dân trên thế giới phải ở nhà do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh. Ngành công nghiệp dầu mỏ đối mặt nguy cơ những tác động của dịch bệnh có thể kéo dài.
Theo các nhà phân tích, những điều này có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu trên toàn cầu sẽ không bao giờ phục hồi trở lại mức kỷ lục năm 2019.
Mọi thứ đã thay đổi
Dịch Covid-19 có thể khiến ngành công nghiệp dầu mỏ phải mất nhiều năm để phục hồi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.
IEA ước tính nhu cầu trong tháng 4 giảm xuống mức của năm 1995, khi kinh tế toàn cầu ở trạng thái hoàn toàn khác bây giờ.
Trong khi đó, nguồn cung dầu thô dư thừa do cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã giáng một đòn mạnh vào thị trường. Hôm 20/4, giá dầu thô tại Mỹ đã lần dầu sụt xuống dưới 0 USD/thùng, trong khi các bể chứa dầu sắp kín chỗ.
Để trấn tĩnh thị trường và tăng giá dầu, nguồn cung cần giảm một lượng cao hơn nhiều so với mức giảm trong thỏa thuận của OPEC và các nước đồng minh. Điều này đồng nghĩa các giếng dầu sẽ phải ngừng hoạt động và nhiều công ty sẽ phá sản.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, nhu cầu dầu thô cũng phải phục hồi trong nửa sau năm 2020.
"Câu hỏi quan trọng nhất là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và dập tắt nhanh đến đâu, bởi điều đó quyết định mức độ đi lại của người dân trên toàn cầu. Chẳng ai biết được điều đó", Jim Burkhard, người đứng dầu bộ phận nghiên cứu dầu thô tại IHS Markit nói.
Các nhà phân tích phố Wall dự báo nhu cầu dầu thô sẽ phục hồi hoàn toàn trong 1 hoặc 2 năm, phụ thuộc vào 2 giả định. Một là các chính phủ nhanh chóng nới lỏng quy định cách ly hay giãn cách xã hội. Hai là hoạt động kinh tế phục hồi nhanh chóng. Theo IHS Markit, nếu như vậy, nhu cầu dầu thô có thể trở lại các mức kỷ lục năm 2019 vào năm 2022.
Tuy nhiên, IHS Markit cũng đưa ra một kịch bản trong đó các chính phủ sẽ mất nhiều thời gian hơn để gỡ bỏ các lệnh cách ly, hoặc xảy ra làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ hai. Khi đó, nhu cầu dầu thô sẽ không bao giờ phục hồi như trước.
"Nếu xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai, kể cả khi mức độ chỉ bằng 25% so với làn sóng đầu tiên, điều này sẽ khiến nhu cầu tiếp tục giảm và thúc đẩy mạnh mẽ hơn những thay đổi trong hành vi của người dùng", Burkhard nhận định.
Mark Lewis, Giám đốc toàn cầu của bộ phận nghiên cứu bền vững tại Công ty BNP Paribas Asset Management (Paris, Pháp), cho rằng những tác động lâu dài của dịch bệnh đối với hoạt động tại các quốc gia phát triển là điều khó tránh khỏi.
Ông dự báo số lượng người làm việc tại nhà sẽ vẫn duy trì ở mức cao kể cả khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Điều này khiến hoạt động đi lại hàng ngày giảm. Nhiên liệu dùng cho phương tiện giao thông đường bộ như xăng hiện chiếm gần 50% nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Ông cũng cho rằng tác động về mặt tâm lý của dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đi lại trong thời gian dài. Điều này khiến các doanh nghiệp hạn chế họp hành và từ đó giảm tần suất đi lại bằng hàng không.
"Ngành hàng không sẽ không bao giờ trở lại mức tăng trưởng như trước khi dịch bệnh diễn ra. Hàng không có nhu cầu dầu thô ít hơn so với giao thông đường bộ nhưng lại là động lực tăng trưởng chính vài năm gần đây", ông Lewis nhận định.
Vai trò lớn của các chính phủ
Những thay đổi trong hành vi như vậy có thể sẽ mở đường cho các chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28/4 phát biểu rằng việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu phải được kết hợp vào các giải pháp chống dịch bệnh.
Một số thành phố châu Âu đã có động thái tận dụng dịch bệnh để giảm tình trạng ô nhiễm. Tuần trước, Milan (Italy) cho biết khi mở cửa trở lại, thành phố này sẽ dành nhiều không gian hơn cho xe đạp và người đi bộ.
Tại Mỹ, mọi thứ hầu như đều phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống trong năm nay. Tổng thống Donald Trump là người có chủ trương ủng hộ ngành dầu khí và mới đây cũng thứ hẹn một gói cứu trợ cho ngành này. Trong khi đó, đối thủ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden lại chủ trương khôi phục nền kinh tế với các biện pháp “xanh”.
Chuyên gia về thị trường dầu mỏ Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy vẫn dự báo nhu cầu dầu thô sẽ đạt mức kỷ lục mới vào năm 2022 khi các hoạt động thường ngày trở lại bình thường. Tuy nhiên, hành động của các chính phủ có thể “đẩy nhanh” lộ trình này.
Theo ông Tonhaugen, thời gian còn lại của năm 2020 sẽ đóng vai trò bước đệm quan trọng. Ông nhận định một số quốc gia có thể ưu tiên phục hồi kinh tế thay vì giảm lượng khí thải, đặc biệt là khi giá dầu đang ở mức thấp như hiện nay.
“Giá dầu thấp có thể làm chậm lại lộ trình chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo ở nhiều quốc gia", Giovanni Staunovo, nhà phân tích dầu thô tại UBS. Ông tin rằng nhu cầu dầu thô vẫn chưa đạt đỉnh.
Tuy nhiên, chuyên gia Lewis nhấn mạnh rằng năng lượng tái tạo hiện rẻ hơn rất nhiều so với thập kỷ trước, với mức giá giảm 70 - 90% tùy công nghệ. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Nguyễn Duy
Theo Zing