Nhựa Tiền Phong và dấu hỏi lớn về tính minh bạch

08/09/2020 08:48

Để công ty gia đình chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng và rồi phải trích lập dự phòng gần 78 tỷ đồng, không ít cổ đông đang chờ đợi một lời giải thích thoả đáng của Chủ tịch Nhựa Tiền Phong ông Đặng Quốc Dũng.

Khoản trích lập dự phòng khoản phải thu với công ty của nhà Chủ tịch HĐQT là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong. 

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong – Mã CK: NTP) mới đây đã công bố BCTC bán niên năm 2020 với doanh thu thuần đạt 2.155 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế trong kỳ chỉ đạt 204 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại ngày 30/6/2020, vốn điều lệ của NTP đạt 981 tỷ đồng, tổng tài sản 4.410 tỷ đồng, giảm 3% so với hồi đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn ở mức 2.233 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kỳ phát sinh gần 78 tỷ đồng khoản dự phòng khó đòi.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, khoản dự phòng này xuất phát từ việc trích lập cho khoản phải thu 334 tỷ đồng tại Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải (Minh Hải) – một trong ba nhà phân phối lớn nhất của NTP. Khoản phải thu đã quá hạn trên 6 tháng. Tại đây, NTP còn nhấn mạnh rằng khoản này không có đảm bảo và không tính lãi.

Gần như tương đồng với khoản dự phòng khó đòi, so với cùng kỳ năm trước, giá trị giao dịch bán hàng của NTP với Minh Hải đã giảm mạnh từ mức 571,2 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 95,1 tỷ đồng.

ntp-2-7141860_592020

FPTS cho rằng NTP hiện đang chịu rủi ro chiếm dụng vốn tương đối lớn từ nhà phân phối. Nguồn FPTS.

Những “ưu ái” của Nhựa Tiền Phong dành cho Minh Hải không khỏi dẫn đến băn khoăn liệu những giao dịch giữa hai công ty này đã diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, tuân thủ nguyên tắc cung cầu của thị trường hay chưa?

Trong một báo cáo phát hành ngày 1/6, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) thậm chí còn đánh giá “NTP hiện đang chịu rủi ro chiếm dụng vốn tương đối lớn từ nhà phân phối”.

Cụ thể, theo FPTS, tỷ lệ phải thu/doanh thu của NTP đã giảm từ 33% trong năm 2018 xuống còn 19% trong năm 2019. Tuy nhiên so với các doanh nghiệp khác trong ngành, tỷ lệ này của NTP vẫn còn ở mức tương đối cao.

“Phải thu của NTP chủ yếu là khoản phải thu các nhà phân phối ống nhựa. Trong đó, khoản phải thu đến từ một trong ba nhà phân phối lớn nhất và cũng là bên liên quan của NTP là Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Hải chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 54%”, FPTS cho biết.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Minh Hải được thành lập cuối tháng 11/2006, trụ sở đặt tại Hải Phòng và kể từ khi được thành lập, công ty này đã là đối tác mua hàng lớn của Nhựa Tiền Phong. Minh Hải có số vốn ban đầu ở mức 2,5 tỷ đồng được góp bởi 2 cổ đông sáng lập là bà Lê Thị Thúy Hải và ông Đặng Quốc Minh. Đến tháng 10/2015 công ty này tăng vốn lên 20 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của bà Thúy Hải và ông Quốc Minh tại đây lúc này lần lượt là 80% và 20%.

Bà Hải và ông Minh chính là vợ và con trai của ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT NTP. Tại NTP, ông Minh cũng đảm nhiệm khá nhiều vai trò, bao gồm Thư ký công ty, Trợ lý Tổng giám đốc kiêm người phụ trách quản trị công ty.

Công ty Minh Hải cùng bà Lê Thị Thúy Hải trở thành cổ đông lớn tại Nhựa Tiền Phong vào tháng 10/2017 với việc nắm 9,48 triệu cổ phiếu NTP, tương ứng tỷ lệ 10,6%. Hai năm sau, vào tháng 12/2019, Minh Hải bán hết toàn bộ số cổ phiếu NTP mà mình nắm giữ. Nhiều khả năng đây có thể chỉ là sự chuyển giao nội bộ, bởi gần như cùng thời điểm ông Minh cùng ông Đặng Quốc Dũng đã gom vào một lượng lớn cổ phiếu NTP. Hiện tại, tổ chức và các cá nhân có liên quan đến ông Đặng Quốc Dũng đang sở hữu 24,7 triệu cổ phiếu NTP, tương ứng tỷ lệ 25,27%.

Ngoài ra, Nhựa Tiền Phong còn có hai cổ đông lớn khác là Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC, nắm giữ 30,92%) và quỹ Sekisui Chemical Co.,LTD đến từ Nhật Bản nắm giữ 15%. Được biết, NTP nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC trong năm 2020, tuy nhiên hiện tại SCIC chưa công bố cụ thể thông tin về kế hoạch thoái vốn này.

Theo NĐT

https://nhadautu.vn/nhua-tien-phong-va-dau-hoi-lon-ve-tinh-minh-bach-d42408.html