Trong khi ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - vẫn giữ "ngôi" người giàu nhất với khối tài sản sở hữu đạt 6 tỷ USD thì 2 tỷ phú USD của Việt Nam đã lộ diện và “trở lại đường đua”.
Lên núi ở ẩn, vợ hô bán tất tay tài sản
Chủ tịch Lê Phước Vũ nhiều lần tiết lộ cho biết bản thân ông lên núi ở và thỉnh thoảng mới đến tập đoàn và hàng ngày cũng chỉ gọi cho TGĐ hay phó chủ tịch 1-2 lần. Thế nhưng mới đây, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Vũ vừa công bố thông tin về việc bà Hoàng Thị Xuân Hương đăng ký bán toàn bộ 7,15 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 1,5% vốn.
Bà Hoàng Thị Xuân Hương là vợ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ. Vợ ông Vũ đăng ký bán cổ phiếu trong bối cảnh Tập đoàn Hoa Sen liên tục báo kết quả kinh doanh ấn tượng. Tập đoàn của ông Vũ ước lãi 90 tỷ đồng trong tháng 4, vượt kế hoạch năm sau 7 tháng (niên độ 1/10/2019-30/9/2020).
Tính chung trong 7 tháng qua, HSG ghi nhận doanh thu đạt gần 14,6 ngàn tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch năm, trong khi lợi nhuận đạt 472 tỷ đồng, vượt 18% so với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.
Lộ diện 2 tỷ phú USD của Việt Nam “trở lại đường đua”
Cập nhật của tạp chí xếp hạng Forbes (Mỹ) theo khung thời gian thực cho thấy, mặc dù không còn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2020, song giá trị tài sản của ông Trần Đình Long hiện đã quay về mốc 1 tỷ USD (tăng 28 triệu USD trong 1 ngày).
Tương tự, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group cũng đạt 1 tỷ USD. Như vậy, tuy trong danh sách chính thức năm 2020 của Forbes, Việt Nam chỉ có 4 tỷ phú USD, nhưng thực tế, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam có 6 tỷ phú USD.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) vẫn là người giàu nhất với khối tài sản sở hữu đạt 6 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet Air) có 2,3 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương và gia đình (Chủ tịch Thaco - Trường Hải) sở hữu 1,5 tỷ USD. Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) sở hữu 1,2 tỷ USD. Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Đình Long, mỗi người có 1 tỷ USD.
Tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng nộp bao nhiêu thuế?
Theo số liệu đã được kiểm toán, trong năm 2019, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đạt 130.036 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất (tăng 7% so với năm 2018), tổng lãi trước thuế đạt 15.637 tỷ đồng và lãi sau thuế 7.717 tỷ đồng (tăng 24%).
Tổng tài sản hợp nhất tính đến 31/12/2019 đạt 403.741 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 197.393 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 206.348 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 120.589 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãnh đạo Vingroup cũng công bố số liệu tổng số thuế phải nộp năm 2019 (không bao gồm tiền sử dụng đất, thuê đất) của tập đoàn này là 20.871 tỷ đồng.
Trong số này, thuế thu nhập doanh nghiệp là 8.049 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 5.692 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 1.760 tỷ đồng và các loại thuế khác là 5.370 tỷ đồng. Tổng số thuế đã nộp là 20.333 tỷ đồng.
Ông Huy Nhật đã “phá” 1.269 tỷ đồng của Món Huế
Công ty Huy Hồng Kông cho rằng, ông Huy Nhật, ông Bửu, bà Hạnh (nhóm người quản lý Món Huế) đã ký “vô tội vạ” vào các giao dịch không đem lại lợi ích cho Món Huế và có dấu hiệu kê giá để “rút ruột” Món Huế gây thiệt hại nghiêm trọng cho Món Huế và các công ty thành viên.
Cụ thể như việc Món Huế ký hợp đồng để mua hơn 5.700m2 đất với giá 134 tỷ đồng tại thửa đất CN-0-1 Cụm Công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày 1/6/2017 với Công ty CP Thương mại và Đầu tư Song Thành (Song Thành). Bà Hạnh đã thay mặt Món Huế ký kết hợp đồng này.
Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng khu đất này không được công chứng bởi văn phòng công chứng và không có bất cứ sự chấp thuận nào của Huy Việt Nam – chủ sở hữu duy nhất của Món Huế.
Chưa hết theo Huy Hồng Kông, bà Hạnh đã liên tục ký kết các hợp đồng và thanh lý hợp đồng có sự bất thường với đối tác dù không có thẩm quyền, từ đó gây thiệt hại cho các công ty thành viên.
Khách thương gia bị từ chối vận chuyển
Mới đây, trên chuyến bay từ TPHCM đi Hải Phòng, một nam hành khách ngồi ghế 4C khoang thương gia kiên quyết không đeo khẩu trang đã bị Vietnam Airlines lập biên bản, từ chối vận chuyển.
Hành khách nói trên tên N.H.L , có vé ngồi hạng thương gia trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Trong khi đó, việc đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 là yêu cầu bắt buộc mà nhà chức trách đưa ra.
Theo đó, trong quá trình phục vụ chuyến bay, tiếp viên đã nhắc nhở nhiều lần khách N.H.L ghế 4C hạng thương gia về việc phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay để phòng chống dịch, nhưng khách này kiên quyết không thực hiện.
Sau nhiều lần nhắc thuyết phục bất thành, tổ bay VN1182 buộc phải dùng biện pháp mạnh hơn là lập biên bản và bàn giao hồ sơ vụ việc cho nhà chức trách hàng không tại sân bay đến là Cát Bi để xử lý nghiêm theo quy định.