WinEco

Những điều nên và không nên khi tham dự tiệc cuối năm của công ty

16/01/2019 21:16

Giống như công việc, khi bạn tham gia bất kỳ một bữa tiệc nào, dù trang trọng hay gần gũi, chúng đều có những nguyên tắc cụ thể. Hãy điểm qua những lời khuyên dưới đây để sống sót qua những bữa tiệc mà không tự biến mình thành kẻ ngốc nhé!

Nên: Mặc đẹp

Mỗi ngày ở văn phòng đều là một cơ hội giúp bạn thể hiện phong cách. Thế nhưng, bữa tiệc cuối năm mới là dịp thích hợp để diện đồ đẹp. Những trang phục thanh tao, nho nhã và lịch sự là sự lựa chọn đúng đắn. Chớ nên mặc một bộ cánh lố lăng, kịch cỡm hay lộ da thịt quá nhiều. Nếu muốn tạo sự quý phái sang trọng, bạn có thể lưu tâm đến những chiếc váy đầm với gam màu đỏ thắm, đen, xanh hay navy…

Ngoài ra, để tránh bị rơi vào tình huống ăn mặc lạc lõng, hãy liên lạc trước với chủ tiệc để biết thêm những lưu ý về "dress code".

<br />
Cách ăn mặc cần được đặc biệt lưu tâm, nhất là trong các dạ tiệc trang trọng, quyền quý.<br />

Cách ăn mặc cần được đặc biệt lưu tâm, nhất là trong các dạ tiệc trang trọng, quyền quý.

Không nên: Xấu hổ

Các bữa tiệc tất niên sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ hãi, ngại ngùng và kết thêm nhiều mối quan hệ mới. Chính vì thế, đừng lo lắng mà hãy dũng cảm bắt chuyện với một vị khách lạ mặt, biết đâu đấy lại là nơi “tình bạn bắt đầu”?

Nên: Chụp ảnh

Chớ có ngại ngần, bạn nên thật hào hứng khi đứng trước đèn flash máy ảnh. Việc vui vẻ chụp hình sẽ thể hiện rằng bạn rất vui khi có mặt ở đây, bên cạnh những đồng nghiệp thân thiết. Mặt khác, sếp cũng sẽ ấn tượng với thái độ nhiệt tình của bạn khi xem lại những bức ảnh.

Cuối cùng, còn gì thú vị hơn khi được nhìn lại nhiều khoảnh khắc xưa và nhận ra mình đã tiến một bước xa như thế nào phải không? Đúng vậy, cuồng nhiệt lên nhé! Đừng chỉ im lặng đứng ở góc phòng nhắn tin cho bạn bè hoặc đăng ảnh tự sướng lên mạng.

​Không nên: Nói chuyện làm ăn

Đây là một trong những quy tắc vàng. Bữa tiệc được tổ chức nhằm mục đích gắn kết mọi người trên phương diện bạn bè chứ không phải để tập dượt cho chiến lược kinh doanh tiếp theo.

Hãy nói nhiều câu chuyện phiếm, kể cho đồng nghiệp về gia đình, sở thích của bạn, thậm chí là một vài trải nghiệm ngốc nghếch bạn từng có. Còn tuyệt đối không nói chuyện làm ăn.

Nên: Hưởng trọn từng giây

Đừng chỉ “dính lấy” hai người ngồi cạnh bạn cả ngày, hãy hòa nhập và thể hiện cho tất cả thấy rằng bạn đang rất vui.

Nếu đó là một bữa tối ngồi tại bàn, bạn nên tới đúng giờ và tranh thủ trò chuyện với người khác trước khi tất cả được sắp xếp chỗ ngồi và chuẩn bị dùng bữa.

Không nên: Uống quá giới hạn

Luôn xuất hiện một hoặc vài cá nhân đi khắp nơi mời rượu mọi người. Đừng nhập hội với họ. Bạn có thể uống vài ly rượu vang, với điều kiện bạn biết được đâu là giới hạn của mình. Say rượu, bia là điều cấm kỵ nếu bạn không muốn bản thân gặp rắc rối.

Giáo sư Dan Lubman - giám đốc của Trung tâm cai nghiện Turning Point Drug & Alcohol Centre ở Melbourne - chia sẻ, phần trăm lớn những người uống quá nhiều sẽ hối hận sau này. Ông cho rằng, phần não có chức năng quyết định sẽ làm việc kém hiệu quả hơn khi họ nạp rượu vào cơ thể. Và đây cũng chính là nguyên do vì sao tỷ lệ tai nạn giao thông, chấn thương ngày một tăng cao.

Vậy phải làm thế nào để hạn chế say mà vẫn không bất lịch sự? Một mẹo nhỏ bạn có thể sử dụng chính là hãy gọi loại đồ uống mà bạn không thích.

Không nên: Chia sẻ quá nhiều

Điều này sẽ đưa bạn vào một tình thế khó xử khi phải đối diện với các nhân viên khác sáng thứ hai. Dù biết là “rượu vào lời ra” nhưng hãy cố kiềm chế, tránh nói những chuyện ba hoa.

Nên: Ăn nhẹ trước đó

Bạn nên ăn nhẹ trước khi đến một buổi tiệc kinh doanh. Hành động này rất hữu ích trong trường hợp bạn buộc phải uống rượu, vì bạn đã có gì đó trong bụng, sẽ đỡ say xỉn và ảnh hưởng không tốt đến dạ dày.

Không nên: Lẻn ra ngoài

Bạn không nên đến muộn và ăn mặc xuề xòa. Ngoài ra, hãy biết nói lời tạm biệt và cảm ơn khi rời bước. Nếu trong tình thế không tránh khỏi, hãy trình bày lí do chính đáng trước lúc ra khỏi bàn tiệc.

Nguyễn Nguyễn

Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp