Những doanh nhân từng khoác áo lính

27/07/2019 17:05

Trước khi trở thành doanh nhân, họ đều xuất thân từ lính quân y, chiến sĩ tàu không số, sĩ quan, biên phòng.... Nhadautu.vn xin trân trọng giới thiệu 6 nhân vật không chỉ là những người lính trên chiến trường, mà còn là những người lính trên thương trường trong thời bình.

Ông Lê Thanh Thản

nhadautu - ong le thanh than

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản

Ông Lê Thanh Thản (sinh năm 1949, tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Năm 1974, khi sắp tốt nghiệp cấp 3, ông ngưng việc học và xung phong đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, với vai trò là chiến sỹ thông tin.

Đến năm 1978, ông được cấp trên điều đi học tại trường Đảng Lê Hồng Phong. Sau đó, ông được tổ chức phân công tăng cường cho tỉnh Lai Châu - một tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự và phải đấu tranh với nhiều âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đến năm 1984, ông được điều động về làm Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Lay.

Sau một thời gian dài vật lộn với thị trường, năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu (nay là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên). Sau ngày thành lập, doanh nghiệp tư nhân của ông Thản mở rộng thị trường xây dựng không chỉ tại tỉnh Lai Châu (tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu hiện nay) mà còn ký kết được những gói thầu lớn ở nhiều tỉnh khác trong nước và cả nước bạn Lào.

Năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại thành phố Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước.

Ông Dương Công Minh

nhadautu - ong duong cong minh

Ông Dương Công Minh

Ông chủ của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là trung úy trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội, trong đó có công ty Xuất nhập khẩu Bộ Quốc Phòng.

Hiện nay, ông Minh là Chủ tịch của CTCP Tập đoàn Him Lam và Chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cũng như chứng khoán Liên Việt.

Tên tuổi của ông Minh gắn liền với Tập đoàn Him Lam, nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 99% và LienVietPostBank, nơi ông cùng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.

Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".

Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức đắc cử chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Là một người khá kín tiếng, ít xuất hiện trước báo chí, giá trị của khối tài sản của ông Minh hiện vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, theo các báo cáo năm 2009, Him Lam có vốn điều lệ khoảng 6.500 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Dương Công Minh sở hữu tới 99% cổ phần, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ông Đào Hồng Tuyển

nhadautu - ong Dao hong tuyen

Ông Đào Hồng Tuyển

Sinh năm 1954, ông Đào Hồng Tuyển đã có nhiều năm gắn bó với màu áo lính thuộc binh đoàn tàu không số - lực lượng vũ trang huyền thoại của Việt Nam - vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Ông cũng giữ chức Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân.

Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông Đào Hồng Tuyển từng quyết định trụ lại ở Sài Gòn để lập nghiệp. Đến những năm 90, ông dồn vốn mua lại các xí nghiệp của chế độ cũ và xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, phân bón...

Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển - khi đó là Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc - đã quyết định đổ khoảng 80 tỷ đồng để xây con đường độc đạo xuyên biển, nối Tuần Châu với đất liền, đổi lại, ông được khai thác 98ha đất trên đảo.

Quyết định táo bạo này đã giúp em dựng nên thương hiệu "Chúa đảo".

Bên cạnh danh xưng “Chúa đảo”, ông Tuyển cũng được biết đến là người hào phóng trong hoạt động từ thiện.

Ông Dũng "Lò vôi"

nhadautu - ong Dung lo voi

Ông Dũng "lò vôi"

Nhập ngũ từ khi chưa hoàn thành chương trình học phổ thông, doanh nhân gốc Bình Định Huỳnh Uy Dũng từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam vào những năm 1975. Sau đó, ông lui về làm công tác hậu cần, tiếp tế lương thực, quân trang tại Quân khu 5, rồi đến Quân khu 7.

Sau khi kết thúc chiến tranh, ông về công tác tại bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một. Thời điểm đó, thấy cuộc sống quá khổ, ông Dũng phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Cái tên Dũng “lò vôi” mà thiên hạ đặt ông bắt đầu từ khi đó (1983) và theo ông suốt từ đó đến nay.

Thời gian sau đó, ông Dũng đã bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài với chức Giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương), sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thalexim.

Về Thanh Lễ khi công ty này đang trên bờ vực phá sản, vực dậy công ty phát triển, ông lại rời đi lập công ty gia đình Hoàng Gia, là Công ty Cổ phần Ðại Nam hiện giờ.

Năm 1997, ông làm làm khu công nghiệp Bình Đường – khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Ông Dũng từng bị giới đầu tư cho là “khùng” khi quyết định rót vốn vào khu công nghiệp này. .

Sau Bình Đường, ông chủ Đại Nam tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác.

Từ thành công nhờ ý tưởng phát triển khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam tại Bình Dương, tháng 9/2007, ông mở khu du lịch Đại Nam, công trình du lịch lớn nhất Đông Nam Á với số vốn phải chi lên tới 5.000 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Mai Thanh

nhadautu - ba nguyen thi mai thanh

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh

Sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968, khi đó bà mới chỉ 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức), bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà được bổ nhiệm làm Phó giám đốc và 10 năm sau trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cơ điện lạnh REE (REE).

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh, REE đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu lớn.

Bà Mai Thanh đã từng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014. Vào tháng 3/2019, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được Forbes vinh danh vào top “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019”.

Ông Nguyễn Tuấn Hải

nhadautu - ong Nguyen Tuan Hai

Ông Nguyễn Tuấn Hải

Sau khi hoàn thành nghiệp lính tại Bộ tư lệnh Biên phòng, ông về mở công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, rồi đến khách sạn.

Công ty TNHH Alphanam được thành lập vào năm 1995 với ngành nghề đầu tiên là sản xuất tủ điện. Hiện tại, doanh nghiệp  đã mở rộng sang nhiều ngành khác, trong đó nổi bật nhất là bất động sản, sản xuất công nghiệp và lương thực, thực phẩm.

Năm 2012, công ty Alphanam  nổi lên nhờ việc "niêm yết cửa sau" và nhanh chóng đưa ông chủ Nam đứng vào top 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt cùng năm với tổng tài sản khoảng 1.046 tỷ đồng.

Giai đoạn sau đó, dưới sự chèo lái của doanh nhân gốc Lào Cai, Alphanam chuyển mình mạnh mẽ sang lĩnh vực bất động sản với chiến lược M&A các doanh nghiệp nhà nước sở hữu quỹ đất lớn. Hiện Alphanam đang nắm trong tay hơn 20 dự án có tổng diện tích phát triển 1.000ha, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, tập trung ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM.

Tuy nhiên đầu tư vào bất động sản trong giai đoạn thị trường đóng băng khiến Alphanam lỗ lớn từ năm 2012, lỗ luỹ kế tới cuối năm 2016 là 657 tỷ đồng, bằng 1/3 vốn cổ phần (1.925 tỷ đồng).

Năm 2013, ông Nguyễn Tuấn Hải cho biết Alphanam sẽ huỷ niêm yết chứng khoán. Gần 200 triệu cổ phiếu ALP theo đó rời sàn HOSE vào cuối năm 2014.

Ông từng chia sẻ, sau gần 30 năm kinh doanh, ông dường như đã hoàn thành sứ mệnh làm doanh nhân, do đó ông mới rút lui khỏi thương trường để thực hiện dự định quay sang nghề giáo bởi nhận thấy có năng khiếu và nối nghiệp gia đình.

Bảo Linh/Nhà Đầu tư

Bạn đang đọc bài viết "Những doanh nhân từng khoác áo lính" tại chuyên mục Doanh nhân.