Nữ tướng cơ điện lạnh REE từng có 6 năm làm lính quân y, “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ cũng từng theo học Đại học Y Tây Nguyên sau đó mới chuyển sang kinh doanh cà phê.
Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ: Bỏ học trường Y về làm cà phê
Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1971 tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1992, ông nhập học Khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Trong giai đoạn này ông đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ ba, ông nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ, nên đã bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh cà phê.
Năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ cùng vợ là Lê Hoàng Diệp Thảo thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Năm 1998, công ty Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc.
Năm 2003, cùng với việc phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên dần dần chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam, vượt qua cả Vinacafe và Nestlé. Cà phê Trung Nguyên đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.
Theo số liệu năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp lý và có quyền điều hành sau vụ kiện tụng tốn giấy mực với vợ cũ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Cuộc chiến pháp lý giữa 2 vợ chồng Lê Hoàng Diệp Thảo - Đặng Lê Nguyên Vũ thực ra đã bắt đầu từ năm 2015. Nhưng phải đến năm 2018, nội tình Trung Nguyên mới trở nên kịch tính, khi cả bà Thảo và ông Vũ lần lượt xuất hiện trước công chúng. Ngày 1/3 tới, vụ ly hôn sẽ đi đến đến hồi kết khi được tòa án Tp.HCM công bố kết quả xét xử cuối cùng.
Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh: 6 năm là lính quân y
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống quân đội, năm 16 tuổi bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư đoàn 9. Công việc của một người lính quân y theo bà suốt 5 năm, trước khi bà được cử ra Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Sau 3 năm học tiếng Đức tại hà Nội, năm 1976 bà Thanh sang Đức học về kỹ thuật. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức), bà Thanh trở về nước và làm việc như một kỹ sư tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh. Năm 1985, bà Thanh được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, và trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE vào năm 1993.
Từ một xí nghiệp cơ khí nhỏ, REE nanh chóng trở thành doanh nghiệp lớn trong ngành. Trong các cuộc khủng hoảng, mỗi khi REE ở thế chân tường, bà Mai Thanh lại tìm ra một hướng đi mới. Bà Mai Thanh đã từng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014.
Năm 2011, bà Mai Thanh bất ngờ tiến cử người con trai mới 29 tuổi Nguyễn Ngọc Thái Bình vào vị trí Giám đốc Tài chính và tham gia Ban Quản trị của REE. Hiện bà Thanh sở hữu khối tài sản hơn 772 tỷ đồng cổ phiếu công ty này.
"Nữ tướng" của Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga: Đi lên từ một chủ hiệu thuốc
Nữ doanh nhân gốc miền Tây được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, người đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược hàng đầu Việt Nam.
Bà Nga từng chia sẻ, việc bén duyên với ngành Dược, với Dược Hậu Giang hoàn toàn tình cờ. Sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, bà Nga học văn hóa và đại học Dược. Sau khi tốt nghiệp, bà Nga làm chủ tiệm thuốc Thốt Nốt trong 6 năm. Đến năm 1986, bà được phân công làm giám đốc công ty cung ứng vật tư y tế tỉnh Hậu Giang.
Năm 1988 bà được bổ nhiệm làm giám đốc XNLH Dược Hậu Giang rồi sau này khi xí nghiệp chuyển sang mô hình công ty cổ phẩn, bà lần lượt giữ chức vụ tổng giám đốc và Chủ tịch hội đồng quản trị. Lúc đó, bà hoàn toàn không hề có khái niệm nào về công việc sắp tới của mình và thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính. Tuy nhiên, với tinh thần thép của một nữ bộ đội, bà đã không ngần ngại bắt đầu học lại Kinh tế.
Dù không phải là doanh nghiệp dược ra đời sớm nhất trên thị trường, nhưng lại Dược Hậu Giang lại được biết đến là doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên chú trọng đến công tác marketing, thương hiệu sản phẩm, và đặc biệt là hệ thống phân phối trên phạm vi toàn quốc, điều mà bà Nga rất tự hào.
Năm 2013, bà từng được Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Hiện bà Nga là thành viên HĐQT Dược Hâu Giang đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Tảo Vĩnh Hảo.
Chủ tịch HĐQT Traphaco Vũ Thị Thuận : Khởi đầu tư cô cán bộ kỹ thuật xưởng thuốc
Doanh nhân Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống trong ngành Đông dược. Thời phổ thông, bà Thuận rất đam mê môn hóa học nên đã đăng ký thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Rời giảng đường đại học, bà được phân công về Sở Y tế Giao thông Vận tải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, với vị trí cán bộ kỹ thuật Xưởng sản xuất thuốc Đường sắt.
Trải qua nhiều nỗ lực và các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Traphaco từ tháng 5/2013. Hiện bà Thuận chỉ còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ở vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bà Thuận tiếp tục thể hiện rõ rệt dấu ấn của mình khi công ty vẫn không ngừng phát triển trong bối cảnh môi trường cạnh tranh trong ngành Dược ngày càng tăng cao. Traphaco đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đặc biệt là phát triển hệ thống phân phối. Có giai đoạn, Traphaco có tốc độ tăng trưởng bình quân 12%, cao nhất ngành dược và tốc độ tăng trưởng năm 2015 trên 20% với doanh thu trên 1.900 tỉ đồng.
Bà Thuận được coi là linh hồn, người tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay. Bà đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước trong đó có danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp