Những dự án sân golf 'lọt cửa' đất rừng

04/11/2020 10:26

Vài tháng sau khi hai nghị định (số 83 và 52) của Chính phủ quy định về việc đầu tư kinh doanh, thủ tục thực hiện sân golf có hiệu lực, đã có một số dự án được duyệt chủ trương. Điểm chung ở các dự án này đều có phần lớn diện tích nằm trên đất rừng.

Tỉnh Bắc Giang đón thêm 2 dự án sân golf mới tại huyện Việt Yên và Lục Nam

Năm 2009, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý các dự án có mục tiêu sân golf, nhiều địa phương đã rà soát, loại bỏ toàn bộ/một số dự án (điển hình Thái Nguyên 1 dự án, Bắc Ninh 2 dự án; loại bỏ một phần gồm: Hà Nội 11 dự án, Phú Thọ 1 dự án, Vĩnh Phúc 1 dự án, Quảng Ninh 1 dự án…)

Tháng 11/2009, Quyết định 1946/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 được ban hành. Theo đó, cả nước có 89 sân golf (19 sân đã hoạt động, 70 sân dự kiến quy hoạch).

Tháng 5/2014, Thủ tướng tiếp tục ký quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020. Cụ thể, đưa 9 sân golf và giai đoạn II của 1 sân golf ra khỏi danh mục các sân golf, đồng thời bổ sung thêm 15 sân golf – qua đó nâng tổng số các dự án sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 lên 96.

Một trong những điều kiện tiên quyết để đầu tư các dự án sân golf là không được sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị...

Đồng thời, không được sử dụng đất đã cấp cho việc xây dựng sân golf để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác; xây dựng sân golf chủ yếu ở các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch cao, tại các vùng đất cát hoang hóa ven biển, đất hoang hóa; diện tích đất làm sân golf phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt....

Từ đầu 2017 tới cuối năm 2019, chứng kiến hàng loạt dự án sân golf xếp hàng chờ thẩm định, bổ sung vào quy hoạch. Khoảng 15 dự án (có mục tiêu sân golf hoặc sân golf thuần túy) xếp hàng đề nghị lên Chính phủ nhằm phê duyệt, điều chỉnh bổ sung vào quy hoạch sân golf.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Nghị định 52/2020/NĐ-CP có hiệu lực, chính thức mở cho hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf một sân chơi mới.

Cụ thể, thay vì sử dụng quy hoạch làm công cụ quản lý sân golf (các quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 và năm 2014), Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất chuyển kinh doanh sân golf sang ngành kinh doanh có điều kiện. Nhất là trong bối cảnh Luật Quy hoạch được chính thức thông qua và có hiệu lực, trong đó có nội dung mang tính bước ngoặt là bãi bỏ toàn bộ quy hoạch ngành, sản phẩm.

Theo Nghị định 52, sân golf chỉ được xây dựng tại các địa điểm đáp ứng được các điều kiện như phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng…

Các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ bao gồm: Đất quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định; đất có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng…

Diện tích sân golf cũng phải phụ thuộc vào quy mô dự án. Chẳng hạn, diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90ha (bình quân không quá 5ha trên một lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270ha (54 lỗ)...

Sau khi Nghị định 52 có hiệu lực, đã xuất hiện một vài doanh nghiệp được duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf.

Tháng 6/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án sân golf ở tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Việt Yên tại các xã Hương Mai và Trung Sơn, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) do Công ty CP Đầu tư Golf Trường An là nhà đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân golf 36 lỗ và khu phụ trợ, khu biệt thự cho thuê, diện tích khu đất 140ha, vốn đầu tư 1.214 tỷ đồng.

Trường hợp thứ hai, là Công ty CP Golf Trường An Lục Nam thực hiện đầu tư dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại các xã Chu Điện, Khám Lạng và Yên Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) với tổng vốn hơn 739 tỷ đồng, diện tích 140ha.

Nhìn lại đề xuất trước đó của nhà đầu tư về 2 dự án này cho thấy: Với dự án sân golf Việt Yên (tại các xã Hương Mai và Trung Sơn), tháng 4/2019, Công ty CP Đầu tư golf Trường An đề xuất UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 150ha, gồm 36 lỗ. Theo đề xuất, tổng mức đầu tư dự án là 1.214 tỷ đồng, trong đó vốn tự có là 250 tỷ đồng còn lại là vay ngân hàng.

Trong diện tích đất đề xuất xây sân golf Việt Yên cho thấy dự án phải dùng tới hơn 97ha đất rừng sản xuất. Khi đó, tỉnh Bắc Giang khẳng định, chiếm phần lớn khu vực đề xuất xây sân golf là “rừng trồng sản xuất giá trị kinh tế thấp” (chưa rõ tỷ trọng đất rừng sản xuất là rừng trồng hay rừng tự nhiên - PV).

Tương tự, tại dự án sân golf nghỉ dưỡng Bắc Giang, trong tổng số hơn 139ha đất phục vụ xây dựng, có tới 87% là đất rừng sản xuất. Hồ sơ một lần nữa thể hiện đây là đất rừng trồng sản xuất hiệu quả thấp. Thời điểm đề xuất, dự án do liên danh hai công ty (Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường An, Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Thành Nam) thực hiện. Vốn góp của 2 nhà đầu tư hơn 147,9 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường An (được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Trường An/Bộ Tổng tham mưu năm 2015) từng song hành cùng Công ty CP Him Lam để thực hiện dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất.

Theo quyết định chủ trương đầu tư dự án golf nghỉ dưỡng Bắc Giang, nhà đầu tư Công ty CP golf Trường An Lục Nam thành lập tháng 7/2020. Với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, Công ty này có các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển Trường An (25% vốn), Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Thành Nam (70%) và cá nhân ông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trở lại với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư được cấp cho dự án sân golf Việt Yên và sân golf nghỉ dưỡng Bắc Giang. Một trong những căn cứ quan trọng, chính là nội dung Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Nghị định 83/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến ngày 15/7/2020 (cũng là thời điểm Nghị định 83 có hiệu lực) đã báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng một số dự án (trong đó có 2 dự án sân golf nêu trên). Dẫn chiếu quy định liên quan, những dự án đã được bộ ngành cho ý kiến, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Thủ tướng xem xét dự án trước ngày 15/7/2020 thì không phải thực hiện lại thủ tục theo Nghị định 83.

Trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án nêu trên, Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm chuyển đổi hàng trăm ha rừng sản xuất là rừng trồng để thực hiện dự án (135,21ha rừng sản xuất là rừng trồng tại dự án sân golf Việt Yên; 122,4ha rừng sản xuất là rừng trồng tại dự án sân golf nghỉ dưỡng Bắc Giang). Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các chủ đầu tư này phải chịu trách nhiệm về sự chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ dự án.

Nguyễn Cảnh/TheLeader

https://theleader.vn/nhung-du-an-san-golf-lot-cua-dat-rung-1604116464854.htm

Bạn đang đọc bài viết "Những dự án sân golf 'lọt cửa' đất rừng" tại chuyên mục Bất động sản.