Gia tộc Ambani (Ấn Độ) - 50,4 tỷ USD
Gia đình Ambani đứng đầu danh sách Gia tộc giàu nhất châu Á của Tạp chí Forbes hiện tại nhà Ambani sở hữu khối tài sản 50,4 tỷ USD. Khối tài sản khổng lồ của gia đình này bắt đầu từ Dhirubhai Ambani - người sáng lập Reliance Industries để sản xuất vải dệt. Đến nay, Reliance Industries trở thành công ty thuộc nhóm Fortune 500 với doanh thu 100 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2005, hai anh em nhà Ambani chia đôi công ty trong một thỏa thuận do mẹ của họ đưa ra. Trong đó, Mukesh nắm giữ hoạt động dầu khí, hóa dầu và lọc dầu của công ty. Còn Anil quản lý mảng xây dựng, viễn thông, quản lý tài sản, giải trí và sản xuất điện.
Mukesh Ambani, năm nay 61 tuổi, hiện sở hữu tài sản 42,7 tỷ USD và là chủ tịch, cổ đông lớn nhất của Reliance Industries Limited. Sau một năm "ăn nên làm ra" của công ty, tài sản của Mukesh đã tăng thêm 4 tỷ USD, vượt qua người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba của Trung Quốc trở thành người giàu nhất châu Á vào tháng 7/2018.
Trong khi đó, Anil Ambani, 69 tuổi, là chủ tịch của Reliance Group, sở hữu tài sản 1,5 tỷ USD, ít hơn 40 tỷ USD so với anh trai mình. Theo Bloomberg, năm 2018, công ty của ông đối mặt với nhiều "thách thức về pháp lý và thanh khoản". Hồi tháng 9, truyền thông Ấn Độ đưa tin cho biết công ty Reliance Communications đang gặp rắc rối tài chính của ông sẽ rút khỏi lĩnh vực viễn thông và chuyển sang bất động sản.
Gia tộc Kwok (Hong Kong) - 38 tỷ USD
Gia đình Kwok là chủ tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai Properties (SUHJF) lớn nhất Hong Kong. Công ty này đã định hình đường chân trời ở xứ Cảng thơm bằng cách xây dựng những tòa tháp cao nhất thành phố. SUHFJ cũng phát triển quy mô kinh doanh lớn ở thị trường Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, cuộc đời của ba anh em tỷ phú nhà Kwok là Thomas, Raymond Walter như một bộ phim truyền hình kịch tính. Năm 1997, Walter bị bắt cóc một tuần và chỉ được tự do khi gia đình phải trả hơn 77 triệu USD tiền chuộc. Hơn 10 năm sau, anh em của Walter ép ông rời bỏ vị trí lãnh đạo công ty. Năm 2014, Thomas bị kết tội tham nhũng, còn Raymond tiếp quản vị trí chủ tịch.
Gia tộc Chearavanont (Thái Lan) - 37,9 tỷ USD
Gần 1 thế kỷ sau, gia đình của Chia Ek Chor đã trở thành gia tộc giàu có nhất ở Thái Lan, và con cháu của ông đang có mối quan hệ kinh tế rất gần gũi với Trung Quốc.
Năm 1921, Chia Ek Chor rời khỏi ngôi làng bị bão nhấn chìm của mình tại miền nam Trung Quốc để bắt đầu cuộc sống mới ở Thái Lan, với công việc bán hạt giống rau cùng với anh trai. Gần một thế kỷ sau, con trai của ông Chia, Dhanin Chearavanont, trở thành chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Group - đế chế đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực gồm thực phẩm, bán lẻ và viễn thông.
Không chỉ là công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, Charoen Pokphand Group còn nắm vai trò trung tâm trong một kế hoạch tham vọng nhằm biến khu vực bờ biển phía Đông của Thái Lan thành một trung tâm công nghệ với tàu cao tốc, mạng 5G, và các nhà máy sản xuất ôtô thông minh.
Bằng cách tiến từng bậc trong chuỗi thức ăn - từ sản xuất các loại nông sản làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm đóng gói, cho tới sở hữu các siêu thị - nhà Chearavanont đã xây dựng nên "đế chế" của mình, theo giáo sư William Kirby của Trường Kinh doanh Harvard, một người nghiên cứu về CP Group.
Gia tộc Hartono (Indonesia) - 32,5 tỷ USD
Oei Wie Gwan mua một thương hiệu thuốc lá vào năm 1950 và đổi tên nó thành Djarum. Công ty này dần vươn lên thành nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất Indonesia, tới nay đã chuyển hướng sang đầu tư và dịch vụ tài chính. Hiện nay, Djarum vẫn là một trong những nhà sản xuất thuốc lá đinh hương lớn nhất thế giới.
Đế chế của gia tộc Hartono hiện mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực từ điện tử cho tới bất động sản và được điều hành bởi hai anh em Budi và Michael Hartono.
Hiện tại, 2/3 tài sản của gia tộc Hartono đến từ cổ phần tại ngân hàng Bank Central Asia (BCA). Tháng 4/2017, gia đình này nâng cổ phần tại ngân hàng này từ 47% lên 55%. Năm 2016, BCA vượt qua ngân hàng DBS của Singapore thành ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á.
Gia tộc Lee (Hàn Quốc) - 28,5 tỷ USD
Lee Byung-chull thành lập Samsung - một công ty xuất khẩu trái cây, rau và cá - vào năm 1938. Ông bước vào ngành điện tử năm 1969 khi lập Samsung Electronics và giờ nó trở thành nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Sau khi Lee Byung-chull qua đời năm 1987, con trai thứ ba của ông tiếp quản công việc kinh doanh. Hiện tại, Jay Y. Lee, con trai của Lee Kun-hee giữ vị trí lãnh đạo tập đoàn.
Kiều Trang/ ĐS&PL