Qatar có GDP bình quân tính theo PPP (sức mua tương đương) cao nhất thế giới, với 130.000 USD.
Qatar có dân số khoảng 2,7 triệu người, nằm dưới quyền điều hành của gia đình Al Thani từ giữa thế kỷ 19.
Quốc gia này giàu lên nhanh chóng trong gần 20 năm qua, chủ yếu nhờ lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Dù vậy, sản xuất, xây dựng và dịch vụ tài chính cũng đóng vai trò lớn trong nền kinh tế này.
GDP Qatar năm 2018 ước tính đạt 192,45 tỷ USD, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng này.
Nếu tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), Qatar có GDP bình quân năm ngoái cao nhất thế giới, với 130.000 USD.
Để tránh cạn kiệt tài nguyên, Qatar rất nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Năm 1998, nước này xây khu tổ hợp giáo dục Education City, đặt tại đây chi nhánh của 6 trường đại học Mỹ và hai trường châu Âu, cũng như nhiều trung tâm nghiên cứu và tư vấn chính sách.
Năm 2005, Qatar thành lập quỹ đầu tư quốc gia - Qatar Investment Authority, với tài sản hiện tại lên tới hơn 300 tỷ USD, nhờ doanh thu từ dầu khí. QIA đầu tư vào Barclays Bank, Credit Suisse, London Stock Exchange và cả Volkswagen. Họ sở hữu The Shard (ảnh) – tòa nhà chọc trời cao nhất châu Âu, cũng như phần lớn quận tài chính Canary Wharf tại London (Anh).
Qatar Financial Centre (QFC) được xây dựng năm 2005 để phát triển ngành công nghiệp tài chính của nước này. Họ tin rằng QFC có thể trở thành trung tâm dịch vụ tài chính tại Vùng Vịnh nhờ sự ổn định và nền tảng vốn dồi dào.
Tháng 12/2010, Qatar được chọn là nơi tổ chức World Cup 2022. Nước này cam kết xây 12 sân vận động hoành tráng với công nghệ làm mát hiện đại để các cầu thủ không phải chịu cái nóng sa mạc. Qatar hiện cũng là nơi chuyên tổ chức các sự kiện thể thao trong khu vực.
Qatar là nơi đặt trụ sở Al Jazeera - đế chế truyền thông có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực.
Đây là sân trượt băng bên trong trung tâm thương mại City Center ở thủ đô Doha. Với Qatar, trượt băng giữa sa mạc cũng là việc khả thi.
Một đường trượt tại công viên nước Aqua Park Qatar ở ngoại ô Doha.
Người dân Saudi Arabia thường lái xe qua cao tốc để sang Qatar nghỉ dưỡng cuối tuần. Dù vậy, từ khi căng thẳng ngoại giao bùng phát năm 2017, những con đường này dần trở nên vắng vẻ.
Sân bay Quốc tế Hamad có chi phí xây dựng lên tới 17 tỷ USD, do hãng hàng không Qatar Airways quản lý.
Sân bay này có hàng loạt dịch vụ xa xỉ, từ bể bơi dài 25m nhìn ra sảnh chính, đến phòng gym, phòng chơi bóng quần (squash) đến khu spa.
Dịch vụ ăn uống trong phòng chờ cũng rất cao cấp.
Còn đây là khoang hạng nhất trên Qatar Airways - hãng bay nhiều năm được đánh giá là hãng hàng không tốt nhất thế giới.
Hà Thu
Theo Vnexpress