Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Những nghề hot đang thiếu nhân lực, cha mẹ tham khảo đầu tư cho tương lai rạng ngời của con

15/09/2019 09:33

Rất nhiều ngành có mức thu nhập cả trăm triệu mỗi tháng nhưng đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Đó là những ngành nào?

Nghề phi công

Theo Cục Hàng không Việt Nam, vào năm 2023, số máy bay của hãng hàng không Việt sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc. Trong khi đó, theo ước tính của Boeing, với mỗi máy bay biên chế, các hãng cần khoảng 20 phi công để khai thác tối đa công suất. Điều này đồng nghĩa ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 2.700 phi công để vận hành lượng máy bay mới này và là ngành đang thiếu nhân lực trầm trọng.

 Những nghề hot đang thiếu nhân lực, cha mẹ tham khảo đầu tư cho tương lai rạng ngời của con - Ảnh 1.

Việt Nam sẽ cần khoảng 2.700 phi công để vận hành lượng máy bay mới.

Hiện nay ở Việt Nam có một số trường đào tạo phi công nhưng tuy nhiên con sốt thiếu hụt vẫn rất lớn. Vào ngày 16/08 vừa qua, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không, thuộc Tập đoàn Vingroup công bố chính thức thành lập và tuyển sinh khóa 1. Trong đợt này, trường dự kiến tuyển sinh 400 học viên phi công.

"Chúng tôi tin rằng với chất lượng quốc tế do các Học viện hàng không hàng đầu thế giới của Mỹ và Úc đào tạo; cơ chế đào tạo không lợi nhuận và các gói hỗ trợ tài chính thiết thực từ Vingroup - tình trạng khan hiếm phi công tại Việt Nam sẽ được giảm thiểu trong thời gian tới. Đồng thời chúng tôi cũng hướng tới việc xuất khẩu phi công ra khắp thế giới". Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ.

Ngành du lịch

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.

 Những nghề hot đang thiếu nhân lực, cha mẹ tham khảo đầu tư cho tương lai rạng ngời của con - Ảnh 2.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động.

Không chỉ thiếu nhân lực, ngành du lịch Việt Nam còn bị đánh giá rất yếu về chuyên môn. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam thuộc hạng thấp nhất trong khu vực, đạt 3.477 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 lần so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore…

Ngành Công nghệ thông tin

Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA), các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu.

 Những nghề hot đang thiếu nhân lực, cha mẹ tham khảo đầu tư cho tương lai rạng ngời của con - Ảnh 3.

Việt Nam đang trở thành một điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn.

Việt Nam đang trở thành một điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, LG, Intel… và đang trong quá trình rốt ráo chuyển đổi số, thực hiện cuộc các mạng 4.0, hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Năm 2019 - 2020, thị trường Việt Nam thiếu 350.000 - 400.000 nhân lực CNTT. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ đám mây, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và blockchain. Các lĩnh vực quan trọng khác như Internet vạn vật (IoT), thương mại điện tử, quy trình kinh doanh và gia công phần mềm CNTT… cũng đang được các doanh nghiệp rốt ráo tuyển dụng.

Ngành Thương mại điện tử (TMĐT)

Nguồn nhân lực cho TMĐT ở nước ta hiện nay thực sự đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, bởi đa số các ứng viên trong lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu.

 Những nghề hot đang thiếu nhân lực, cha mẹ tham khảo đầu tư cho tương lai rạng ngời của con - Ảnh 4.

Kỹ năng về quản trị website và sàn giao dịch TMĐT đang là nhu cầu lớn đối với các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, kỹ năng về quản trị website và sàn giao dịch TMĐT đang là nhu cầu lớn đối với các doanh nghiệp (DN) nhưng theo khảo sát, có 46% DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này. Ngoài ra, đối với các kỹ năng khác, DN cũng gặp không ít khó khăn, cụ thể, kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng TMĐT (45%); Kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính (42%); Kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT (42%); Kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu (42%); Kỹ năng tiếp thị trực tuyến (35%); Kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến (30%).

Ngành Quản trị kinh doanh

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Tung tâm dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP.HCM, trong giai đoạn 2020 đến 2025, riêng tại TP.HCM, mỗi năm cần khoảng 270.000 vị trí việc làm dành cho nguồn nhân lực liên quan đến ngành Quản trị kinh doanh.

 Những nghề hot đang thiếu nhân lực, cha mẹ tham khảo đầu tư cho tương lai rạng ngời của con - Ảnh 5.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế làm nên sức hút của nhóm ngành kinh doanh nói chung và QTKD nói riêng.

Điều đó cho thấy tốc độ tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây chính là nền tảng làm nên sức hút của nhóm ngành kinh doanh nói chung và QTKD nói riêng.

Hiện nay, có một số trường đào tạo ngành quản trị kinh doanh uy tín mà bạn có thể yên tâm theo học như: Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - luật TPHCM, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính…

Ngành xây dựng

Tại báo cáo đánh giá về thực trạng chất lượng nhân lực ngành xây dựng của Tổng Hội Xây dựng cho thấy, cả nước có khoảng gần 78.000 doanh nghiệp hoạt trong ngành xây dựng.

 Những nghề hot đang thiếu nhân lực, cha mẹ tham khảo đầu tư cho tương lai rạng ngời của con - Ảnh 6.

Cả nước có khoảng gần 78.000 doanh nghiệp hoạt trong ngành xây dựng.

Theo số liệu thống kê của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng), toàn ngành xây dựng đang có hơn 204.000 công nhân lao động, trong đó có tới hơn 90.000 người là cán bộ, viên chức trong các doanh nghiệp, tức là số lượng công nhân chỉ gấp hơn 2 lần số lượng cán bộ, viên chức.

Mặt khác, năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân lao động cũng được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Cụ thể, số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6,7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành.

Theo Hoàng Hà/ Helino