Thật không dễ để "sống sót" qua mùa World Cup nếu như bạn ghét bóng đá. Cảm giác như cả thế giới quay lưng lại với bạn, và bạn trở thành "người sót lại của rừng cười".
Ít ai hiểu, những người tên Đức (đặc biệt tên Đức và không thích bóng đá) đã phải sống khổ sống sở như thế nào, ngay từ khi World Cup 2018 bắt đầu. Tôi là một trong những "nạn nhân" ấy.
Khi những trận đấu của tuyển Đức kết thúc, trong những nhóm chat với bạn bè, đồng nghiệp trên messenger, tôi thấy mình bị tag điên đảo và bị chửi bới tơi bời.
Quá hoảng hồn (vì không xem bóng đá), tôi thoáng nghĩ "Có biến gì chăng?". Ảnh nude thì tôi chưa chụp bao giờ, lấy gì ra mà lộ? Hay bị ai đó bóc phốt mà tôi đâu nổi tiếng, người ta bóc phốt làm gì nhỉ?
Đội Đức thua làm bao nhiêu người tên Đức ở Việt Nam bị vạ lây. Ảnh: Reuters.
Chuyện cứ như trên cung trăng cho đến khi tôi nhận ra mình bị "chửi hôi". Chúng bạn và đồng nghiệp hăm hở tag, và chửi... chẳng qua trêu một đứa mù bóng đá nhưng lại trùng tên với đội tuyển vừa thua cuộc.
Biết vậy nhưng tôi cũng chả tìm hiểu gì thêm. Trận bóng gần nhất tôi xem là U23 Việt Nam, cũng khóc cười chẳng kém ai nhưng xem vì tinh thần dân tộc là chính.
World Cup thì "xa lắc, xa lư", chẳng liên quan gì đến mình, xem làm gì, đi ngủ sớm cho béo vào người. Nếu không thích ngủ thì học ngoại ngữ, xem phim, chat với crush (nếu crush cũng không thích bóng đá), chẳng hơn à!
Nhưng kể ra, giữa mùa World Cup, khi nhà nhà, người người nói về bóng đá, về cá độ, không thích bóng đá cũng cô đơn và có phần "bi kịch" thật. Chẳng biết nói chuyện gì, ra đường lúc nào cũng "nơm nớp" lo sợ ai hỏi gì đó về bóng đá. Sợ như sợ bị giật túi ở Sài Gòn vậy!
Hôm qua, tôi hẹn gặp thằng bạn thân thời đại học cốt để tìm sự đồng cảm giữa cơn bão bóng đá. Thời chưa "thất học", nó cũng như tôi, chẳng bao giờ xem bóng đá. Tôi nghĩ bụng "Gặp thằng này là phải, để thấy người không thích bóng đá cũng còn nhiều lắm".
Nhưng đời đúng chẳng như mơ và "người tính thì khó mà bằng trời tính". Vừa gặp, nó đã hỏi "Hôm qua mày có xem World Cup không? Messi sụp đổ rồi, một chân sút chơi hay nhưng không thể cứu được cả đội đá dở".
Tôi há hốc mồm. Nhưng bạn vừa hào hứng kể thế chả nhẽ mình lại phản ứng ngay, tôi bồi vài câu cho phải phép: "Thế à? Này, mà Messi sao đá lâu thế nhỉ, tao thấy nổi tiếng lâu lắm rồi, chắc giờ cũng phải đến 40 tuổi chứ ít à".
Thằng bạn phá lên cười. Nhưng tôi chẳng để nó cười lâu "Thôi. Tao chẳng quan tâm đến bóng đá, mọi người thật rảnh mới thức đêm, thức hôm để xem. Thời gian ấy tao làm được bao nhiêu việc".
Thằng bạn tiếp tục chém. Xưa chẳng thấy nó xem bóng đá bao giờ mà giờ cũng chém điên đảo, từ chiến thuật, lối chơi đến đội hình. Toàn những từ ngữ thật chuyên ngành.
Tôi tức quá, hét lên: "Trước có thấy mày xem bóng đá bao giờ đâu mà... diễn kinh thế". Nó thú thật: "Nhưng giờ phải xem để có thông tin nói chuyện với người khác. Không lẽ mày muốn thành Robinson ngoài đảo hoang?!".
Ồ, tôi tủm tỉm tự nghĩ "Hóa ra mình lại là người bản lĩnh". Bao nhiêu người đang "chém tung trời" về bóng đá ngoài kia, mấy người là thích bóng đá thật. Khéo phần đông là a dua, thấy người ta xem cũng xem. Khéo xem chỉ để có cái mà "chém gió" với nhau không chừng.
Có đêm, tôi và người bạn không thích bóng đá ngồi đàn guitar và hát nhạc của Lê Cát Trọng Lý giữa một trận đấu nào đó. Tất nhiên, tiếng nhạc không lại được với tiếng hét bóng đá. Nhưng bên cứ hát, bên cứ hét, biết sao được. Cách có con đường mà như hai miền đối lập, đúng kiểu "chúng ta không thuộc về nhau".
Bóng đá vẫn được mệnh danh là "môn thể thao vua" hấp dẫn biết bao người, nhưng cũng nhiều người không thích bóng đá. Ảnh: Reuters.
Trước khi viết bài này, tôi có chat với người bạn đang du học bên Mỹ "Này, làm sao để sống sót qua mùa World Cup nhỉ?". Người bạn thản nhiên nhắn lại "Hãy sang Mỹ. Người Mỹ chẳng thích bóng đá. World Cup cũng chẳng nhiều người xem".
Sang Mỹ có lẽ người xem bóng đá mới là người... cô đơn. Hóa ra cũng có một nơi không bị ảnh hưởng bởi "bão" hoặc "áp thấp nhiệt đới" bóng đá.
Nhưng tôi thì chẳng phải chạy trốn xa thế để làm gì vì kể ra giữa mùa World Cup, mình là "thiểu số" vừa có cái hay lại vừa đầy cái lợi.
Lợi trước hết là đi ăn với đồng nghiệp. Trong khi đồng nghiệp mê mải nói chuyện bóng đá, quên cả ăn thì người không thích bóng đá cứ tập trung vào chuyên môn chính là... ăn thôi. Chia tiền thì như nhau mà mình lại ăn được nhiều. Kệ, béo vào thân, chả sao.
Lợi thứ hai là khi người người thức đêm xem bóng đá, gào thét, và lại phải tốn tiền cho nhậu nhẹt, cá độ. Người không thích bóng đá "cứ ăn no ngủ kỹ". Đỡ tiền nhậu, đỡ cả tiền cá độ. Thêm nữa, khoa học đã chứng minh ngủ sớm đẹp cho da. Cứ đà này chẳng mấy mà "đẹp hơn người". Đúng là lợi cả đôi đường.
Lợi thứ ba là "bí kíp" dành riêng cho các bà vợ. Tất nhiên là bây giờ con gái xem bóng đá cũng đông chẳng kém cánh mày râu. Nhưng hôm trước, tôi vẫn nghe được câu chuyện về một bà vợ không thích bóng đá nhưng vì thương chồng nên vẫn ngồi xem với chồng... cho bớt tủi.
Bà vợ được cái nhanh nhảu vừa xem vừa bình luận. Đặc biệt, thỉnh thoảng bà vợ lại quay sang hỏi ông xã những câu "hóc búa" như "U23 Việt Nam sắp đá chưa nhỉ? Anh Park Hang Seo đợt này là huấn luyện viên cho đội tuyển nào ở World Cup?".
Ông chồng tức quá, đưa ví cho vợ nói: "Thôi, em cầm lấy mà đi shopping, thích mua gì thì mua. Xin em, hãy cho anh được quyền xem bóng đá một mình".
Bà vợ tủm tỉm cười. Không biết đã có nhà khoa học nào nghiên cứu về việc người không thích bóng đá thường rất thông minh hay chưa?!
Quang Đức/zing