Trước khi khẳng định vị thế của mình ở các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính hay hàng tiêu dùng, những tỷ phú Việt này đã từng có một thời làm mưa làm gió tại thị trường nước ngoài với sản phẩm mì gói.
Ông Phạm Nhật Vượng với thương hiệu Mivina
Ông Phạm Nhật Vượng là doanh nhân người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes vào năm 2013. Mặc dù được biết đến nhiều hơn với cương vị người đứng đầu Tập đoàn Vingroup nhưng trước đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã từng thành danh ở lĩnh vực sản xuất mì gói với thương hiệu Mivina tại Đông Âu.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup
Ông Phạm Nhật Vượng du học ngành kinh tế tại Đại học địa chất Moscow, Nga. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông ở lại nước ngoài lập nghiệp và lập nên thương hiệu mì gói Mivina tại Ukraina, loại mì này nhanh chóng nổi tiếng.
Năm 2009, ông Phạm Nhật Vượng bán công ty của mình - Technocom cho Nestle và ngay sau khi quay về Việt Nam, ông không tiếp tục sản xuất mì mà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch với thương hiệu Vinpearl tại Nha Trang và lĩnh vực bất động sản thương mại với thương hiệu Vincom tại Hà Nội. Sau hơn 10 năm "khởi nghiệp" ở Việt Nam, doanh nhân họ Phạm đã xây dựng được một hệ sinh thái khổng lồ.
Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản Vingroup đạt 408.573 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 120.601 tỷ đồng, tăng lần lượt 41,8% và 21,6% so với cuối năm 2018. Trong năm, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 130.790 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 15.639 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,3% và 12,9% so với năm trước.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan
Nếu như ông Phạm Nhật Vượng nổi tiếng với mì tại Ukraina thì ông Nguyễn Đăng Quang - một tiến sĩ Vật lý lại nổi tiếng với mì gói tại Nga. Những năm đầu thập niên 1990, ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu bán mì ăn liền cho người Việt tại Nga, đồng thời xây dựng nhà máy đầu tiên với công suất 30 triệu gói/tháng, sản xuất mì, nước tương, nước mắm, tương ớt bán cho người bản xứ.
Năm 2002, ông Quang trở về quê nhà và đến thời điểm hiện tại, trong số những doanh nghiệp thành công với mì gói tại Đông Âu, hiện chỉ có Tập đoàn Masan là tiếp tục kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group. Nguồn ảnh:Internet.
Trong năm 2019, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận doanh thu 38.819 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.365 tỷ, tăng hơn 13% so với con số thực hiện năm 2018. Dấu ấn đậm nét nhất của Masan trong năm 2019 thể hiện ở vụ mua bán sáp nhập đình đám giữa tập đoàn này với mảng bán lẻ của Vingroup, bước đi đầy táo bạo này hứa hẹn một năm 2020 đột phá của Masan.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB cũng là một doanh nhân nằm trong nhóm “đại gia Đông Âu” khi có quãng thời gian khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh chính tại thị trường này với việc kinh doanh mì gói. Sau khi trở về Việt Nam đầu tư lớn, ông vẫn tiếp tục duy trì sự nghiệp kinh doanh với trời Âu.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB.
VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán lẻ cao và chất lượng. Trong năm 2019, tổng doanh của ngân hàng này đạt 8.114 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 185.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 133.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý hoạt động kinh doanh ở trời Âu của ông Vỹ vẫn đang tiếp tục phát triển, thậm chí vươn đến tầm đế chế. Với Mareven Food, đại gia Đặng Khắc Vỹ là ông vua mì gói trong làng kinh doanh thực phẩm ở nhiều quốc gia. Và tại Việt Nam, ông Vỹ đang điều hành CTCP Uniben (Uniben), chủ của hai thương hiệu mì rất nổi tiếng, là “3 Miền” và “Reeva”.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank
Ông Ngô Chí Dũng sinh năm 1968, là tiến sĩ kinh tế Viện nghiên cứu chiến lược chính trị (thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga), kỹ sư địa chất công trình tại Liên bang Nga. Năm 2012, ông Dũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế của Viện nghiên cứu chiến lược chính trị kinh tế Viện hàn lâm khoa học Nga.
Trước khi trở thành ông chủ nhà băng, ông Ngô Chí Dũng từng khởi nghiệp ngành mì tôm cùng ông Đặng Khắc Vỹ tại Nga. Công ty mì tôm Rollton khá nổi tiếng và được ưa chuộng tại Nga.
Rollton thuộc tập đoàn Future Generation Group (FC), là thương hiệu Việt được thành lập vào năm 1998. Không chỉ là thương hiệu mì ăn liền có tiếng trên đất Nga, Rollton còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân tại Nga.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank.
Trong giai đoạn 1996 đến năm 2004, ông Dũng là cổ đông sáng lập và được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cùng ông Đặng Khắc Vỹ. Sau đó, ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Liên Minh và Tập đoàn KBG (Liên bang Nga), đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vào năm 2006.
Từ năm 2010 đến nay, ông Ngô Chí Dũng nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT VPBank và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhà băng này.
Trong năm 2019, VPBank ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với lợi nhuận hợp nhất trước thuế 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2018. Kết thúc năm 2019, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank là 2,95% và tại ngân hàng mẹ là 2,18%. VPBank cũng đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu trị giá hơn 3.100 tỷ tại VAMC còn lại trong năm 2019.
Theo Thanh Hương/nhadautu.vn
Theo Tài Chính