Mặt trái của sự xuất sắc chính là trở thành nô lệ của ánh hào quang mà người khác phủ lên mình. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ dũng cảm trút bỏ tấm áo lấp lánh đó.
Tôi gặp kha khá kiểu người. Một trong số những trường hợp khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên (xen lẫn chút thất vọng), là nhiều người trước khi nổi tiếng khá hay ho, nhưng sau khi nổi tiếng thì cái sự hay ho ấy trôi tuột đi đâu mất, hoặc còn lại chỉ là chút "giả cầy" mờ nhạt. Cái hay ho ở đây thể hiện ở lối sống độc đáo, quan điểm cá nhân sắc bén, sống có bản sắc riêng - không bị đám đông chi phối hay tác động. Thế nhưng, khi được nhiều người biết tới, họ bắt đầu bộc lộ một số yếu điểm và gây ít nhiều tiếc nuối - hoặc nặng, hoặc nhẹ, tùy mức độ khác nhau cho những người đã từng kì vọng vào họ.
Chẳng hạn như một anh bạn của tôi, bất chấp lời can gián của gia đình, cùng cái lắc đầu nguầy nguậy của đám bạn chí cốt, để quyết tâm một - mình ra đảo khai thác du lịch. Vùng đảo anh chọn xa xôi cách trở, muốn tới phải đổi mấy lần tàu xe, chưa kể những ngày chòng chành sóng gió, cấm tàu, cấm bãi vô thời hạn.
Sau này, trong cơn ngà ngà tại bữa nhậu khi chúng tôi ra thăm, đôi mắt anh hun hút như đại dương, tiếng nói cuồn cuộn tan vào gió biển: "Tớ yêu biển. Tớ yêu mảnh đất xa xôi này. Chỉ ở đây, tớ mới được hít hà đầy một lồng ngực hơi thở của sự sống, của thiên nhiên".
Bằng chính sự tận tụy, chăm chỉ cùng óc sáng tạo riêng có, anh đã dùng đôi tay rắn rỏi của mình dựng nên những ngôi nhà độc đáo, tỉ mỉ xây dựng nền tảng du lịch sinh thái vì cộng đồng tại khu du lịch của riêng mình. Mùa hè năm đó, khu du lịch nên thơ sát biển của anh khiến đám trẻ si mê xê dịch cuồng mộ, đua nhau thăm thú và tất nhiên, anh trở thành người tiên phong cho hình thái khai thác du lịch thân thiện với môi trường này.
Không chỉ đam mê và biến đam mê ấy thành hành động, anh còn đặt ra nguyên tắc cho những vị khách sử dụng dịch vụ của anh. Những nguyên tắc đôi khi khiến người ta cảm thấy vô lý, dễ tức giận tức thời (ví dụ, buổi sáng phải cùng anh đi nhặt rác ven bãi biển, buổi tối cùng dọn dẹp nhà cửa...), nhưng sau cùng, họ lại hưởng ứng quy định này, và coi như một điểm Nhận diện thương hiệu khi sử dụng dịch vụ của anh.
Từ một người vô danh, anh được nhiều người, đặc biệt giới ham mê du lịch biết tới nhiều hơn. Những bài báo về "người dẫn đường" du lịch ở mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" khiến tên tuổi anh bay vút 9 tầng mây. Theo đà đó, khu du lịch của anh càng nổi tiếng. Và chúng tôi dần định danh anh: Một gã tài năng quái dị, và tất nhiên, anh chắc hẳn là một người tử tế giỏi giang.
Nhưng kì lạ chưa, khi bước ra ngoài công chúng, anh liền thay tính, đổi nết. Bẵng đi một thời gian, tôi - một người bạn khá thân với anh, gặp lại, có chút ngỡ ngàng.
Mãi sau này tôi mới hiểu, việc thay tính, đổi nết là chuyện phổ biến và đúng quy luật. Nó bắt đầu từ Hiệu ứng hào quang (halo effect), từ cả hai phía: Người trong cuộc và người ngoài cuộc.
Hiệu ứng hào quang là gì? Tại sao nó có sức mạnh làm âm thầm thay đổi nhận thức của ta?
Hiểu một cách đơn giản, hiệu ứng hào quang là một loại thiên vị nhận thức trong đó ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ về tính cách của người đó. Cơ bản như là ấn tượng tổng thể của bạn về một người ("Anh thật giỏi giang") tác động đến đánh giá của bạn về người đó ("Anh ấy cũng thật tử tế").
Trong một bài báo năm 1920, nhà tâm lý học Edward Thorndike lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ với tiêu đề "The Constant Error in Psychological Ratings". Trong thí nghiệm được mô tả trong bài báo, Thorndike yêu cầu các cán bộ chỉ huy trong quân đội đánh giá một loạt các phẩm chất của những người lính cấp dưới. Những đặc điểm được đánh giá bao gồm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành và tin cậy.
Ông thấy rằng việc một phẩm chất được xếp hạng cao sẽ dẫn đến các phẩm chất khác được xếp hạng cao, trong khi nếu có những điều bị đánh giá tiêu cực thì dẫn đến một số đặc điểm bị xếp hạng thấp hơn.
Vậy tại sao ấn tượng tổng thể của chúng ta về một người lại tạo ra "vầng hào quang", gây ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về những đặc điểm cụ thể? Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở đây có vai trò của sức hấp dẫn. Nhiều nhà nghiên cứu khác đã nhận thấy rằng nếu một người được đánh giá là ưa nhìn thì chúng ta có xu hướng tin tưởng rằng họ có những tính cách tích cực và là con người thông minh.
Năm 1972, nhóm ba nhà khoa học gồm Dion, Berscheid và Walster đã tiếp tục tiến hành một nghiên cứu về hiệu ứng này. Họ cho 60 sinh viên Đại học Minnesota xem 3 bức ảnh của một người rất đẹp, một người bình thường và một người có nhan sắc hơi hạn chế. Sau đó, các sinh viên được yêu cầu đánh giá tính cách, mức độ hạnh phúc cũng như vị thế xã hội của từng người.
Kết quả là 60 sinh viên cho rằng, người càng đẹp thì càng có nhiều tính cách tốt, mức độ hạnh phúc cũng như vị thế xã hội cao hơn. Rõ ràng điều này là phi logic, khi mà sắc đẹp khó có thể ảnh hưởng đến tính cách! Thằng gù nhà thờ Đức Bà hẳn phải buồn lắm khi xem nghiên cứu này!
Hầu hết những người ngoài cuộc (tạm gọi là khán giả), đều mặc nhiên nghĩ rằng, nhân vật A hay ho ở lĩnh vực này thì chắc chắn sẽ am hiểu ở lĩnh vực khác, và có xu hướng "hào quang hoá" nhân vật.
Một nữ CEO của Công ty sách đưa ra phân tích: "Bản thân nhân vật A ban đầu không thấy mình quan trọng hoặc không tự thấy mình quá xuất sắc, do đó họ còn giữ cho mình "khoảng trống của cái ly", tức là giữ cho mình ý thức học hỏi và khiêm nhường để đón nhận giá trị của người khác vun đắp tới (điều này chính là yếu tố khiến bạn cảm thấy họ thú vị). Nhưng khi được quá nhiều người mặc nhiên nghĩ họ quá xuất sắc và tung hô họ theo hào quang giả định, thì "khoảng trống của cái ly" dần dần biến mất.
Tất cả điều này diễn ra trong vô thức và phần lớn người trong cuộc không hề biết.
Quay trở về với anh bạn tôi. Từ khi trở thành người nổi tiếng, anh ta buộc phải tô vẽ, "làm màu" cho cuộc sống của mình. Những trường ngôn tráng ngữ về lĩnh vực du lịch liên tục được anh ta cập nhật trên mạng xã hội. Những tấm hình long lanh xuất hiện dày đặc trên instagram về những chuyến đi "treo đầu dê bán thịt chó" hoặc ăn mày dĩ vãng. Mọi người nhìn vào trầm trồ ao ước cuộc sống sinh động, rộn rã của người đàn ông này.
Nhưng, chỉ một người biết sự thật về những rườm rà tô vẽ đó. Vợ anh từng hơn một lần than thở với tôi, về cách làm du lịch khiên cưỡng, về những lời nói bốc phét lên chín tầng cao xanh, những hô hào rởm rít của anh trong các cuộc nhậu với chiến hữu mỗi lần ra thăm đảo. Tiền để anh ta tung hoành làm du lịch - là sự hậu thuẫn của gia đình nhà vợ; tiền bỉm sữa của con - anh chưa từng chu cấp một xu; tiền chi trả các thể loại hóa đơn, sinh hoạt phí đều do một tay vợ gánh vác... Vậy, thử hỏi, những ồn ào lấp lánh, những tuyên ngôn sấm rền kia...có mài ra ăn được không? Rốt cuộc, anh ta rơi vào cái bẫy hào quang ảo của chính mình. Và kẻ đẩy anh ta sập bẫy, lại là đám đông tụng ca bằng những lời trầm trồ ố á.
Thành thử, bây giờ, sau 10 năm chinh chiến ngoài đảo, trong thẳm sâu trong người bạn này là nỗi mong mỏi được trở về đất liền. Nhưng, vì trót khoác một tấm áo quá lộng lẫy, dẫu biết nó quá rộng, nhưng không đủ can đảm để cởi bỏ. Đó chính là mặt trái của sự xuất sắc: Trở thành nô lệ của ánh hào quang mà người khác phủ lên mình.
Việc trút bỏ hào quang đâu dễ dàng, chưa nói là rất hiếm người làm được. Điều quan trọng nhất là phải canh chừng cái Tôi.
Bài học kiếng chiếu yêu của thiền sư trẻ là bài học của vọng ngã. Người ta thường mải mê với những tung hô xung quanh, mà quên mất điểm xuất phát của mình. Nên đây là điểm cốt tử của người tu chọn lựa dấn thân ngoài xã hội: phải quay về điểm xuất phát, bất kể bạn đã đi xa đến đâu. Đừng để vọng ngã biến bạn thành một người lấp lánh.
Chẳng vậy, nữ CEO này đã đúc rút một bài học về cái bẫy của sự xuất sắc rất chí lý gửi tới người trẻ: "Tô vẽ, bất kể là tô dưới hình thức nào, đều là một trò chơi phí sức và vô nghĩa. Nó lấy đi của bạn một cơ hội lớn của đời người: được những người cương trực, chân thành, quyết liệt, hiền hoà ở bên để bảo vệ, chở che, hun đúc bạn".
Thế nên, hãy là một người xuất sắc minh mẫn, đúng không nào!
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Theo Du/Trí Thức Trẻ