Vingroup của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng có lẽ là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong tuần qua với một loạt kế hoạch tham vọng, từ làm di động tới kết nối 100 chuyên gia nước ngoài để hợp tác lâu dài.
Loay hoay xử lý 133 xe BMW của Euro Auto phơi nắng ở cảng
Tuần qua, Bộ Tài chính đã có dự thảo kết quả giải quyết vụ việc vi phạm của Công ty cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto). Công ty này hồi năm 2016 đã làm giả toàn bộ invoice (hóa đơn thương mại) và packing list (phiếu chi tiết hàng hóa) giả để làm thủ lục hải quan nhập khẩu 133 xe ô tô BMW về Việt Nam.
Euro Auto đã làm giả một số hóa đơn thương mại có giá trị thấp hơn hóa đơn thật do BMW AG phát hành để trốn gần 6,5 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.
Trong buổi làm việc với Bộ Tài chính gần đây, Euro Auto đã xác nhận việc làm giả trên và sai phạm của Euro Auto.
Tuy nhiên xử lý ra sao với lô xe trên vẫn còn phải chờ đợi. Đây là lô hàng không đủ điều kiện để làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu Euro Auto đề nghị cho tái xuất lô hàng 133 xe ô tô BMW ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì sẽ cho phép tái xuất. Nhưng, trường hợp nếu Euro Auto muốn tiếp tục nhập khẩu 133 xe ô tô BMW trên vào Việt Nam thì hiện nay pháp luật chưa có quy định. Đây là vấn đề có thể cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Euro Auto đã làm giả một số hóa đơn thương mại có giá trị thấp hơn hóa đơn thật do BMW AG phát hành để trốn gần 6,5 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu.
Bộ Công Thương điều tra quy trình Quản lý thị trường kiểm tra Con Cưng
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tuần qua quyết định lập Tổ rà soát, đánh giá lại việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường trong công tác chỉ đạo và kiểm tra Công ty cổ phần Con Cưng.
Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố kết luận kiểm tra liên quan tới nghi vấn gian lận hàng giả tại hệ thống siêu thị Con Cưng. Theo kết luận này, Con Cưng mắc sai sót trong khuyến mãi, thương mại điện tử... nhưng không bán hàng giả như nghi vấn ban đầu. Hồ sơ nhập khẩu của Con Cưng hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu. Trong khi ấy, kết quả công bố ban đầu cho thấy, Con Cưng có tới 7 dấu hiệu vi phạm.
Vụ việc bắt đầu khi một khách hàng tại TP HCM mua một bộ quần áo thun và cho rằng sản phẩm đã bị cắt tem nhãn, thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan". Chuỗi siêu thị này sau đó đã trưng 22 giấy chứng nhận bán hàng chính hãng của các nhãn hàng. Con Cưng cho rằng, những sản phẩm bị khiếu nại của khách hàng hay thu giữ của cơ quan quản lý thị trường là do sai sót từ đơn vị gia công và lý do khách quan.
Tỉnh kêu cứu vì nạn khách Trung Quốc thanh toán chui
Nạn thanh toán chui của du khách Trung Quốc qua POS, ví điện tử đang khiến Khánh Hòa đau đầu.
Lần đầu tiên, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn khẩn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành trung ương có giải pháp quản lý hoạt động thanh toán điện tử của khách Trung Quốc gây thất thu thuế.
Theo văn bản, ở Khánh Hòa hiện có tới 25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc. Việc này đã dẫn tới việc hình thành các chuỗi cửa hàng mua sắm cho khách Trung Quốc ở địa bàn. Từ đó, một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về niêm yết giá, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, thanh toán “chui” qua POS, thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh (QR code) trên điện thoại, qua ví điện tử như Alipay, WeChat Pay…
Do vậy việc kiểm tra, bắt quả tang đối với các trường hợp này là rất khó khăn, không có chứng cứ (không có hóa đơn, chứng từ...).
UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp quản lý hoạt động trên.
Sếp Vingroup tiết lộ kế hoạch “bẻ lái”
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup tuần qua đã tiết lộ kế hoạch thay đổi của tập đoàn. Theo đó, 10 năm tới, mảng kinh doanh dịch vụ không còn là phần quan trọng nhất. Tập đoàn sẽ tập trung vào công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, di động và nhiều loại khác mà bản thân ông Huệ chưa được quyền thông báo.
Mảng quan trọng tiếp theo là công nghệ, nổi bật trong đó là việc xây dựng nguồn nhân sự thông qua động thái kết nối với 50 trường đại học trên cả nước. Ngay trong tuần, Vingroup cho biết sẽ ký kết với 50 trường đại học của Việt Nam để xây dựng nguồn nhân lực cho lâu dài.
Theo ông, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã gặp gỡ với 100 chuyên gia từ nước ngoài về cùng nhau bàn về hợp tác làm việc, khởi đầu hành động tốt nhất cho những sản phẩm Made in Vietnam, Made by Vietnamese.
10 năm tới, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tập trung vào công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, di động.
Doanh nghiệp Việt nợ đầm đìa vì “mặt hàng lạ” Trung Quốc
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ đường mía niên vụ 2017-2018 rất chậm. Một số nhà máy đang có nguy cơ thua lỗ và nợ tiền mua miếng nguyên liệu của nông dân hàng trăm tỷ đồng mỗi nhà máy.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (HFCS) đang được nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn.
Theo phân tích của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, HFCS có phân tử fructose sẽ vào thẳng trong gan và hình thành chất béo. Đây là lý do tại sao HFCS là nguyên nhân chính gây tổn thương gan và gây nên tình trạng mỡ trong gan mà nhiều người đang mắc phải. Glucose có trong HFCS được hấp thụ vào máu cũng sẽ nhanh chóng kích hoạt sản xuất số lượng lớn Insulin – hormone lưu trữ chất béo chủ yếu ở cơ thể.
Tuy nhiên, dù có nhiều ảnh hưởng nguy hại như vậy nhưng bởi HFCS vừa rẻ vừa ngọt hơn đường mía nên đang được nước ta nhập khẩu ồ ạt. Lượng đường lỏng từ tinh bột ngô này được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với sản lượng nhập khẩu trong giai đoạn 2015-2017 chiếm hơn 90% tổng sản lượng và kim ngạch nhập khẩu.
Phương Linh
Theo Dân Việt