Có yêu mới chăm chút và thổi hồn vào sản phẩm; không có thất bại, chỉ có vấp ngã do chưa học đủ kỹ năng cần có. Chính cách tư duy đó đã đưa Nguyễn Hà Linh trở thành chủ hệ thống nhà hàng Thái Koh Yam, đồng sở hữu chuỗi cửa hàng café Cộng.
Sau vấp ngã với Koh Samui, Hà Linh đã tự rút ra bài học là phải đi chậm, không nóng vội. |
Cơ duyên và tình yêu
Không có sự hậu thuẫn từ gia đình, học năm thứ 3 đại học thì bỏ giữa chừng, nhưng Nguyễn Hà Linh lại trở thành gương mặt lọt Top “30 Under 30” - Top những nhân vật trẻ nổi bật nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2015. Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình, Linh luôn nhắc tới tình yêu và cơ duyên. Theo cô, dù làm bất cứ điều gì, để có thể thành công, cần phải yêu thích nó trước. Tình yêu và sự nhiệt huyết đôi khi mở ra những cánh cửa mà trí não không thể tưởng tượng được.
Bắt tay vào kinh doanh với món ăn Thái cách đây gần chục năm, Linh và cộng sự đã tạo ra cơn sốt cho người trẻ Hà thành với món kem dừa gắn liền với thương hiệu Koh Samui. Koh Samui ra đời từ tình yêu ẩm thực Thái qua những chuyến du lịch tới nước này của Linh. Trước đó, đã có nhiều người kinh doanh ẩm thực Thái, nhưng Linh nhận ra, thị trường mới có những nhà hàng Thái truyền thống, không dành cho số đông. Đó chính là cơ hội để cô bắt đầu Koh Samui với phương châm bình dân, tinh giản, hiệu quả và hướng tới số đông.
Là người theo xu hướng chỉn chu, dù cửa hàng nhỏ bán món ăn bình dân, nhưng cô và cộng sự rất chau chuốt hình ảnh, logo, khiến nhiều người nghĩ Koh Samui là mô hình của Thái Lan, chứ không phải của Việt Nam. “Trào lưu kem dừa từ mô hình Koh Samui đã lan nhanh tới mức các start-up café, đồ ăn đều thi nhau đưa món ăn này vào chuỗi các cửa hàng của mình”, Hà Linh nói.
Đang ở đỉnh cao của sự phát triển Koh Samui, Hà Linh gặp thất bại khi nhượng quyền thương hiệu và chính thức loại bỏ thương hiệu này để mở ra thương hiệu mới mang tên Thai Koh Yam, vẫn gắn với kinh doanh ẩm thực Thái, nhưng theo mô hình nhà hàng. Và Thái Koh Yam vẫn dành được sự yêu mến của thực khách.
Bí quyết của Linh không phải nằm ở việc bê nguyên xi công thức Thái về Việt Nam, hay thuê đầu bếp người Thái về, mà chính là việc biến các món ăn Thái phù hợp hơn với khẩu vị người Việt. “Công thức Thái cần Việt hóa, đầu bếp cũng là người Việt có kinh nghiệm nấu bếp Thái 10 năm. Nếu món ăn chuẩn vị Thái, sẽ không khác gì nhà hàng Thái truyền thống và không thể tiếp cận tập khách hàng mình mong muốn”, Hà Linh chia sẻ.
Ở Thai Koh Yam, thực khách sẽ không thấy các loại sốt hay hương liệu nhập khẩu, mà nước sốt được sản xuất hàng ngày mang hương vị đặc trưng của thương hiệu. Thực đơn ở đây cũng được thay đổi liên tục, với sự kết hợp, gia giảm gia vị khác nhau. Nhưng bí quyết lớn nhất chính là quy tắc luôn hỏi cảm nhận của thực khách khi đến nhà hàng, dù họ đến lần đầu hay nhiều lần để làm cơ sở thay đổi chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Không có thất bại, chỉ có vấp ngã
“Tôi chưa bao giờ nhìn nhận sự thất bại, mà chỉ đơn giản là vấp ngã. Nếu còn vấp ngã nghĩa là tôi chưa học đủ kỹ năng cần có”, Hà Linh nói khi nhắc tới câu chuyện loại bỏ thương hiệu Koh Samui. Cũng cần nhắc lại, Koh Samui là “con đẻ” thứ 2 của Hà Linh sau Trung tâm Anh ngữ Ibest. Nhưng khác với việc nhượng lại Ibest cho người có niềm đam mê đào tạo và có khả năng theo đuổi lớn hơn để thương hiệu này lớn mạnh, thì Hà Linh lại quyết định bỏ hoàn toàn thương hiệu Koh Samui ở thời điểm đã phát triển tới 6 cửa hàng.
Linh cho biết, Koh Samui là câu chuyện phát triển nhanh và nóng. Để nhân rộng nhanh, cô đã đồng ý nhượng quyền thương hiệu, nhưng 2 trong số đó ngay lập tức không đảm bảo dịch vụ, làm ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu. “Lý do khiến tôi hủy bỏ Koh Samui là thương hiệu này đã in đậm trong tâm trí người dân Hà thành với món kem dừa, nên khó để phát triển các món mới. Hơn nữa, Koh Samui tạo ra xu hướng ẩm thực mới, nhưng khi thị trường bão hòa, thì chúng tôi phải nghĩ tới việc thay đổi nếu muốn tồn tại”, Hà Linh nói.
Sau vấp ngã với Koh Samui, Hà Linh đã tự rút ra bài học là phải đi chậm, không nóng vội. Cô cũng tự nhận mình trưởng thành hơn từ vấp ngã này. “Tôi đã vật lộn 5 năm để phát triển thương hiệu ẩm thực Thái và không muốn đánh đổi 5 năm nữa để lại phải vật lộn với nó. Do đó, giữ gìn thương hiệu và phát triển Thai Koh Yam sẽ là mục tiêu chính của tôi trong thời gian tới”, Linh nói.
Một bài học khác mà Hà Linh nhận ra sau các vấp ngã là việc cần phải chăm chút cho nhân sự vì đây là gốc rễ của thương hiệu, nhất là với ngành dịch vụ. Nếu nhân viên không được quan tâm sát sao, sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc cho thương hiệu. Kinh doanh ẩm thực thành hay bại dựa vào người đầu bếp và người quản lý. “Tôi chọn đầu bếp không quá xuất sắc, chỉ cần giỏi nghề và nấu theo công thức sẵn có của thương hiệu mình tạo ra. Còn với người quản lý, đạo đức phải được đặt lên hàng đầu”, Hà Linh chia sẻ.
Hợp tác để tiến xa hơn
Bén duyên với ẩm thực Thái từ tình yêu ẩm thực, nhưng Linh cũng thừa nhận mình không hề biết nấu ăn. Đó là lý do cô luôn cần người cộng sự giỏi nghề và điều này cũng đúng khi cô đến với thương hiệu café Cộng. Hà Linh bắt đầu kết hợp với café Cộng khi thương hiệu này chưa chấp nhận nhượng quyền. Ở thời điểm năm 2012, café Sofa hay Highland rất thịnh hành, nhưng Cộng lại đáp ứng mọi nhu cầu của người trẻ, từ làm việc, đi chơi, hẹn hò. Thương hiệu này cũng đã nằm đâu đó trong lòng người Hà Nội, thậm chí khách nước ngoài.
“Cách nhanh nhất để bạn tiến xa hơn là kết hợp với người khác, nhưng Cộng khi đó chỉ như một hòn ngọc thô chưa được mài giũa, cần được đầu tư bài bản hơn. Kết hợp với Cộng cũng khiến tôi giảm rủi ro ở lĩnh vực tôi không am hiểu nhiều, nhưng lại quá nhiều sự cạnh tranh”, Hà Linh nói.
Không tiết lộ doanh số hiện tại, nhưng Hà Linh cho biết, café Cộng đã lớn mạnh hơn rất nhiều và đã tạo cho cô dòng thu nhập thụ động nhất định. Dù có gặt hái thành quả, cô gái trẻ này vẫn không có ý định đứng yên, vì với cô, kinh doanh như một cuộc chơi, cần liên tục đầu tư và thử nghiệm thị trường bằng những mô hình mới.
Ngoài 2 nhà hàng mang thương hiệu Thai Koh Yam, bắt đầu xây dựng nhà hàng thứ 3 và tiếp tục ấp ủ kế hoạch mở 5 nhà hàng tiếp theo vào năm 2019, đồng sở hữu chuỗi café Cộng, Hà Linh còn đang kinh doanh chuỗi 5 căn hộ cho khách du lịch nước ngoài và mới bắt đầu cho ra đời thương hiệu Spa mang tên Tú Tạ.
Hà Linh cho biết, hiện cô nhận được rất nhiều lời mời hợp tác, nhưng cô phải từ chối một số người, vì với cô, đối tác phải có chung tư tưởng, nếu đích đến lệch nhau, thì tự khắc hệ thống sẽ bị xé ra nhiều hướng. “Tôi là người không hiểu nghề, nên cần kết hợp với người giỏi nghề, nhưng giỏi nghề thôi chưa đủ, vì kinh doanh là cuộc chơi rất khốc liệt, nếu gặp người có nghề không hiểu chuyện, sẽ phủ nhận mọi nỗ lực của người khác”, Hà Linh nhấn mạnh.
(Theo Báo đầu tư - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)