Đầu tư là một công việc nghiêm túc, vậy tại sao phải mạo hiểm khi bạn có thể kiếm được lợi nhuận hiệu quả mà không cần phải liều mình…
Tháng 11/2011, The Wall Street Journal đã thực hiện một bài viết về chân dung của huyền thoại Geraldine Weiss - bà được mệnh danh là nhà đầu tư thành công và "vô cùng nữ tính" trên thị trường tài chính, chứng khoán. Câu chuyện này được đặt tựa đề là "Chân dung nhà đầu tư huyền thoại Geraldine Weiss - sự thành công của một nữ tư vấn đầu tư cổ phiếu"
Geraldine Weiss sinh năm 1926 tại San Francisco, Hoa Kỳ trong một gia đình người Do Thái nghèo. Ba mẹ bà đều là những người lao động ở tầng lớp thấp kém của xã hội ngày ấy. Gia đình Weiss đã trải qua chủ nghĩa bài trừ Do Thái khi bà còn bé đến nỗi gia đình của bà đã sống trong sự ghẻ lạnh của xã hội những năm bấy giờ.
Năm lên 17, bà đăng kí học ngành kinh doanh và tài chính tại Đại học California sau khi tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, bà chỉ bắt đầu chính thức phát triển lý thuyết đầu tư của mình ở tuổi 30 sau khi kết hôn và sinh con vì mục tiêu kiếm thêm cho mình và người chồng hải quân một khoản thu nhập nho nhỏ. Bà cũng chia sẻ rằng đã học về đầu tư bằng cách đọc sách và lắng nghe những cuộc hội thoại của cha mẹ mình, cũng như nghiên cứu về kinh doanh và tài chính trong quá trình học đại học.
Khi bắt đầu đam mê với sở thích đầu tư, bà Weiss đã cố gắng tìm kiếm một công việc liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, vì sự phân biệt giới tính thời ấy mà bà chỉ được tuyển làm thư ký. Không nản lòng, thay vì chọn làm thư ký, bà đã quyết định thành lập một doanh nghiệp viết bản tin về tư vấn đầu tư với tên gọi Investment Quality Trends (IQT) để thỏa mãn niềm đam mê. Trong những năm tháng đó, bà cảm thấy việc thuyết phục các khách hàng tiềm năng tin rằng một phụ nữ vẫn có thể đưa ra những tư vấn đầu tư hiệu quả là rất không hề đơn giản.
Để tránh việc phân biệt đối xử giới tính về sau này, bà quyết định dùng bút danh "G. Weiss" cho bản tin của mình. Mãi cho đến giữa những năm 1970, bà mới tiết lộ danh tính thực sự sau khi đã liên tục gặt hái nhiều thành công.
Sau đó, công việc kinh doanh bắt đầu phát đạt và bà Weiss đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Bà đã trở thành một nhà bình luận nổi tiếng trong các ẩn phẩm của các tạp chí đầu tư như Tạp chí Fortune và Tạp chí Wall Street hay tại các sự kiện và trên truyền hình. Bà đã cho xuất bản hai cuốn sách bán chạy nhất giải thích các lý thuyết đầu tư của mình là: Dividends Still Don't Lie và The Dividend Connection.
Bà cũng là người nổi tiếng với câu nói thể hiện rõ rệt nhất quan điểm đầu tư của bản thân: "Những người bỏ qua tầm quan trọng của cổ tức trong việc lựa chọn thị trường chứng khoán thì không phải là nhà đầu tư. Họ chỉ đơn giản là nhà đầu cơ. Theo tôi vốn dĩ đầu tư là một công việc nghiêm túc, vậy tại sao phải mạo hiểm khi bạn có thể kiếm được lợi nhuận hiệu quả mà không cần phải liều mình?".
Geraldine Weiss vốn nổi tiếng với nguyên tắc đầu tư là chỉ tập trung vào tỷ suất cổ tức, mua cổ phiếu khi chúng ở trong ngưỡng 10% tỷ suất cổ tức cao nhất và bán khi chúng ở ngưỡng 10% tỷ suất thấp nhất. Cách đầu tư của bà Weiss luôn hướng đến sự an toàn hơn là một khoản lợi nhuận ngoạn mục. Mặc dù khi mới đầu tư, bà bị ảnh hưởng lớn bởi triết lý của Benjamin Graham nhưng sau đó bà đã có phương pháp của riêng mình và thực sự thành công khi đi theo phương pháp đó.
Cụ thể là danh mục đầu tư cổ phiếu được Investment Quality Trends của bà đề xuất hàng năm, gần đây nhất hiện đang có cả 2 doanh nghiệp Boeing và Coca-Cola đã có hiệu suất vượt trội. Nhờ cách thức nghiên cứu cẩn thận trong đầu tư mà các khách hàng chịu khó nghe những lời tư vấn từ Weiss đã từng đạt tỷ lệ sinh lới gấp hai lần chỉ số S&P 500, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, không cần một bảng quy tắc dài hàng trang giấy, nguyên tắc đầu tư của bà chỉ gói gọn trong 2 điều cơ bản:
1. Tìm kiếm những doanh nghiệp tốt và chia cổ tức cao
Được tạp chí Los Angeles Times mệnh danh là "Quý bà quyền lực về cổ tức", Weiss cho rằng cách tốt nhất để đầu tư là hãy ủng hộ các công ty hoạt động bền vững luôn chi trả cổ tức đều đặn cho cổ đông. Bà giải thích nguyên do là vì một khoản chi trả thường xuyên cho các cổ đông sẽ là chỉ số tốt nhất về sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp - tốt hơn nhiều so với con số thu nhập vốn có thể bị doanh nghiệp thao túng. Đầu tư theo cách này cũng có nghĩa là các nhà đầu tư không phải chờ đợi cho đến khi họ bán cổ phiếu mới có thể kiếm được lợi nhuận từ cổ phiếu mình đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải tự hỏi các câu hỏi trước khi đầu tư là xem doanh nghiệp có kinh doanh minh bạch và có doanh thu/lợi nhuận ổn định và bền vững không? Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh gì trong ngành không? Cơ cấu cổ đông có cổ đông lớn nào có uy tín không? Nợ của doanh nghiệp thế nào? Giá cổ phiếu đang định giá ở mức nào? Đơn vị nào kiểm toán hoặc CTCK nào tư vấn niêm yết…. càng nhiều câu hỏi được xử lý tốt thì chúng ta có thể yên tâm hơn khi đầu tư vào các doanh nghiệp mà chúng ta chưa hiểu rõ lúc ban đầu.
Đồng thời cách tiếp cận của bà không chỉ đề cập đến việc mua và nắm giữ cổ phiếu. Một phần quan trọng trong chiến lược của bà chính là việc giao dịch cổ phiếu thường xuyên, nghĩa là các nhà đầu tư nên theo dõi mức cổ tức và giá cổ phiếu của các công ty trả cổ tức cũng như thường xuyên điều chỉnh danh mục đầu tư của mình để đảm bảo danh mục đó chỉ bao gồm cổ phiếu của những công ty trả cổ tức cao trong lịch sử với cổ phiếu được định giá thấp hơn giá trị của công ty.
2. Xem xét đến lịch chia cổ tức của doanh nghiệp để quyết định
Khi xem xét mua đến mã cổ phiếu thì NĐT cũng nên quan tâm tới lịch chia cổ tức của DN mình quan tâm. Có 2 dạng cổ tức thông thường đó là cổ tức trả bằng tiền mặt và cổ tức trả bằng cổ phiếu. Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, cổ tức trả bằng tiền sẽ làm giá CP sụt giảm và lượng tiền mặt sẽ về vài tháng sau đó.
Đối với cổ tức bằng cổ phiếu, thì số cổ phiếu được chia này cũng sẽ về tài khoản của người được hưởng sau một đến ba tháng tuy nhiên cũng có 1 rủi ro luôn thường trực đó là trong khoảng thời gian cổ phiếu về đến tài khoản thì NĐT không có quyền quyết định bán ra số cổ phiếu này. Sẽ rất buồn nếu như trong khoảng thời gian mòn mỏi đợi chờ ấy giá cổ phiếu sụt giảm nhanh chóng không phanh và số cổ tức được chia về gần giá bán mục tiêu hay thậm chí trong trường hợp xấu còn thấp hơn giá mục tiêu bán ra lúc trước đó.
Ví dụ: Cổ phiếu BMP (Nhựa Bình Minh) đã có 1 đợt rớt giá không phanh trong lúc các NĐT nắm giữ cổ phiếu của DN này đang "mong ngóng" số cổ phiếu thưởng về. Từ cuối tháng 6/2017 sau khi chia thưởng BMP đã khiến NĐT mất hơn tới hơn 25% giá trị sau hơn một tháng.