Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Nữ tướng Nutifood Trần Thị Lệ và triết lý kinh doanh lấy chữ 'Tâm' để xây dựng 'Tầm'

08/05/2019 10:15

Trái ngược với tưởng tượng về một nữ tướng đầy quyền lực, Tổng giám đốc Nutifood Trần Thị Lệ đem lại cho người đối diện cảm giác ấm áp và gần gũi và nể phục vì luôn đặt chữ tâm lên đầu trong kinh doanh.

Trái ngược với tưởng tượng về một nữ tướng đầy quyền lực, Tổng giám đốc Nutifood Trần Thị Lệ đem lại cho người đối diện cảm giác ấm áp và gần gũi và nể phục vì luôn đặt chữ tâm lên đầu trong kinh doanh.

“Từ nhỏ tôi đã có một mơ ước là làm sao để đóng góp được cho xã hội, cho cộng đồng”, nữ doanh nhân Trần Thị Lệ mở đầu những chia sẻ về quá trình gần 2 thập kỷ kinh doanh và gắn liền với Nutifood.

Nỗ lực bền bỉ cho cộng đồng

Chính ý thức luôn mong muốn góp sức cho cộng đồng từ nhỏ đã thôi thúc người phụ nữ này quyết tâm rời miền quê nghèo Phù Cát lên Tây Nguyên học Đại học Y và sau này làm việc tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Thời điểm đó, việc dấn thân vào thương trường làm kinh tế chưa bao giờ xuất hiện trong suy nghĩ của bà Lệ.

Thế nhưng, với xuất phát điểm là một bác sĩ cùng tấm lòng tha thiết đóng góp cho cộng đồng, bà đã được truyền cảm hứng bởi câu chuyện khởi nghiệp đầy nhân văn, bắt nguồn từ chiếc máy xay sinh tố của Nutifood và quyết định đầu quân cho công ty này dưới vị trí trợ lý giám đốc điều hành vào năm 1999.

Tổng giám đốc Nutifood Trần Thị Lệ chia sẻ với phóng viên TheLEADER bên lề Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Bà Lệ kể lại, vào những thập niên 80 và 90 thế kỷ trước, tại viện nhi trong TP.HCM, cứ 10 em được điều trị thì có 2 đến 3 em tử vong bởi tình trạng dinh dưỡng không đủ đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh. Lúc bấy giờ, một vị bác sĩ đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm cho vào chiếc máy xay sinh tố xay nhuyễn kèm men tiêu hóa, giúp nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày.

“Việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã cứu sống hàng ngàn trẻ em”, bà Lệ nhớ lại.

Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, sự tích này vẫn luông được Nutifood truyền qua các thế hệ, giữ vững triết lý kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng phục vụ cộng đồng. Đây cũng chính là yếu tố giúp Nutifood khẳng định chỗ đứng là một trong “Big 4” ngành sữa Việt Nam.

Từ một startup, Nutifood đã trở thành thương hiệu hàng đầu khi nhắc đến dòng sữa đặc trị biếng ăn hay sữa công thức. Kết thúc năm tài chính 2017, doanh thu công ty đạt mức 9.403 tỷ đồng, cùng với hệ thống phân phối rộng khắp, nhiều sản phẩm của Nutifood đang ở vị trí dẫn đầu thị trường. Doanh nghiệp này đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020.

Để có được vị thế hiện tại, ít ai biết, đằng sau sự thành công của Nutifood là cả một quá trình cố gắng miệt mài, bền bỉ không ngừng nghiên cứu phát triển, quản trị kinh doanh. Đã có lúc, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, tưởng chừng như không vượt qua nổi.

Quay lại những năm Nutifood mới thành lập, chỉ sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc từ 200 đến 300% mỗi năm. Với tốc độ này, doanh số công ty đã cán mốc trên 500 tỷ đồng vào năm 2007.

“Với khát vọng muốn đưa Nutifood lên một tầm cao mới, ban lãnh đạo quyết định thực hiện IPO, đồng thời mời các anh chị chuyên nghiệp về điều hành công ty”, bà Lệ kể lại.

Không may, năm 2008, chiến lược sai lầm cộng hưởng với sự suy giảm của thị trường tài chính đã ảnh hưởng trực tiếp đến Nutifood, khiến doanh nghiệp thua lỗ lên tới 148 tỷ đồng, gần hết vốn điều lệ.

Tại thời điểm đó, bà Lệ được đề nghị quay lại điều hành. Trong tình huống khó khăn, toàn bộ nhân viên cốt cán đều rời đi, công nhân thì ăn lương chờ việc và đặc biệt 150 nhà phân phối, đối tác đều muốn chấm dứt hợp tác, bà Lệ vẫn không mất niềm tin vào sự trở lại của Nutifood.

“Lúc đó, tình huống bắt tôi phải suy nghĩ và tự động viên mình, đến mức này rồi không thể nào xuống được thêm nữa và chỉ còn cách đi lên thôi”, nữ doanh nhân chia sẻ.

Trong suốt gần 5 năm sau đó, bà Lệ thuyết phục toàn bộ cán bộ công nhân viên đồng cam cộng khổ, gắng sức làm ngày làm đêm. Kể về giai đoạn khó khăn này, ánh mắt bà dường như ánh lên niềm tự khi khi nhắc đến gia đình – hậu phương vững chắc đã thấu hiểu lý tưởng và ý chí để chia sẻ, giúp đỡ.

“Mẹ chồng tôi là một người rất tốt, hỗ trợ rất nhiều để tôi yên tâm làm kinh doanh. Các con tôi cũng hiểu mẹ đang đóng góp cho cộng đồng, nên các bạn cũng noi gương theo tự lo chăm sóc cho bản thân, rồi cùng mẹ tham gia các hoạt động từ thiện. Đặc biệt, trong những ngày đen tối nhất, ông xã Trần Thanh Hải – hiện là Chủ tịch Nutifood đã bán hết tất cả tài sản của mình ở lĩnh vực bất động sản cũng như các nơi khác để lấy tiền mua lại cổ phần, hỗ trợ cho vợ.

Nhờ nỗ lực chung và sự quản trị đúng đắn, Nutifood đã vượt qua cơn khủng hoảng, phát triển mạnh mẽ thành một trong những thương hiệu hàng đầu ngành sữa Việt, giờ đây sẵn sàng chinh phục thị trường quốc tế.

Để thực hiện ước mơ đó, bà Lệ cho biết, mỗi năm công ty đã mạnh tay chi gần 200 tỷ đồng cho hoạt động R&D để đem lại những sản phẩm chất lượng, hiệu quả nhất.

Đặc biệt trong dòng sản phẩm đặc trị cho trẻ suy dinh dưỡng, với tấm lòng của một người mẹ, bà Lệ khẳng định: “Sản phẩm mình đặt ra trước hết là dùng được cho con em mình, cho người thân, gia đình mình và sản phẩm phải thực sự hiệu quả, phải ngon để các cháu sử dụng được nhiều, để vượt qua giai đoạn suy dinh dưỡng mà phát triển”.

Với cái tâm và những nỗ lực bền bỉ trong suốt gần 20 năm, Nutifood đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam từ mức 33,4% năm 2000 xuống còn 24,9% ở thời điểm hiện tại. Cũng chính nhờ đó, công ty đã 3 năm liên tiếp đứng ở vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam về sản phẩm đặc trị trẻ em.

Bên cạnh việc khẳng định vị thế ở thị trường nội địa, những năm gần đây, Nutrifood cũng đang hiện thực hóa mục tiêu vươn ra thế giới với những thương vụ lớn như việc hợp tác với Delori để xuất khẩu sản phẩm sữa qua Mỹ, hợp tác với Ashi Nhật Bản mở liên doanh tại thị trường Việt Nam, mua nhà máy sản xuất tại Thụy Điển,…

“Trong tương lai, chúng tôi đang còn 3 đàm phán tiếp để mở rộng thị trường quốc tế”, bà Lệ tiết lộ.

Bí kíp tìm kiếm thế hệ kế cận

Hiện nay, ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và quốc tế, Nutifood vẫn tiếp tục đầu tư cho cộng đồng, giữ vững triết lý kinh doanh dù trải qua bao biến cố.

Nutifood cùng cái tên Trần Thị Lệ liên tục ghi dấu tại các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em và bệnh nhân nghèo, hỗ trợ đồng bào bị bão lụt, thiên tai trên cả nước, tài trợ các chương trình dinh dưỡng cho thể thao, bóng đá, các tài năng trẻ, xây dựng học viện bóng đá. Mới đây nhất, công ty tham gia vào đề án 641 của Chính phủ góp phần nâng cao thể trạng của trẻ em Việt Nam.

“Tôi bây giờ 46 tuổi rồi, tôi chắc không thể làm được đến năm 60, 70 tuổi mà vẫn có thể minh mẫn như bây giờ được nên rất cần đội ngũ trẻ tuổi và đầy năng lực. Không chỉ tôi mà chắc chắn toàn bộ ban lãnh đạo công ty đều muốn Nutifood có thể phát triển hàng trăm năm nữa”, bà Lệ cho biết.

Chia sẻ về định hướng của công ty giai đoạn tới tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vừa tổ chức, bà Lệ đã tiết lộ bí kíp tìm kiếm và đào tạo thế hệ kế cận. Theo đó, có 5 yếu tố quan trọng cần phải lưu ý đối với hoạt động này gồm:

Thứ nhất, phải chọn lựa hiền tài cho công ty. Hiện Nutifood đang đưa 137 trong tổng số hơn 5.000 nhân viên vào danh sách đào tạo cho thế hệ kế cận. Đây là những cá nhân có sự tương đồng về giá trị cốt lõi, thấu hiểu và có cảm xúc về lịch sử hình thành phát triển công ty, có mong muốn tiếp tục kế nghiệp để phát triển công ty lên một giai đoạn mới. Ngoài ra, họ phải là người “có ý chí, nghị lực, sự dấn thân, thực lực và tiềm năng lãnh đạo”.

Thứ hai, theo bà, những “lão thành” của công ty phải có trách nhiệm bồi đắp cho thế hệ trẻ, chia sẻ cho thế hệ trẻ những kiến thức chuyên biệt về doanh nghiệp để các em có thể “thấm” và từ đó phát triển lên.

Điều quan trọng thứ ba là phải có một kế hoạch cụ thể, có lịch đào tạo lâu dài và bền bỉ. Tổng giám đốc Nutifood khẳng định, chỉ riêng việc chọn lọc ra 137 em đã là cả một quá trình nhưng “mình phải tâm huyết để hướng dẫn cho các em”. Bởi lẽ, nhớ lại cách đây 19 năm, bản thân bà Lệ cũng chính là kết quả của một quá trình đào tạo từ khi bắt đầu bước vào kinh doanh lúc 27 tuổi.

Tiếp theo, những chia sẻ này không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà phải thực hành, phải gắn liền với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.

Cuối cùng, luôn động viên thế hệ tiếp theo phát triển thông qua chính sách “thưởng – thưởng” xứng đáng.

Bà Lệ khẳng định, ban giám đốc Nutifood “luôn kiên định việc đào tạo không phải ngày một ngày hai, quá trình đào tạo đòi hỏi chúng tôi phải vô cùng kiên trì, tốn kém rất nhiều chi phí”. Tuy nhiên, đây sẽ là thành quả xứng đáng bởi bà tin rằng những nỗ lực đào tạo này sẽ Nutifood có một cái thế hệ kế thừa đủ năng lực tiếp tục dẫn dắt công ty thành công trong thời gian tới.

Minh Thư

Theo TheLEADER