Khoảng 3 năm kiện tụng, tranh chấp chưa biết khi nào dừng của vợ chồng 'vua cà phê' Trung Nguyên tốn khá nhiều giấy mực của báo chí năm 2018. Năm nay, các cặp vợ chồng khác cũng nổi đình đám như đại gia Trần Phương Bình - Cao Ngọc Dung, bà Chu Thị Bình với ông Nguyễn Văn Quang,...
Năm sóng gió của vợ chồng Trung Nguyên
Không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng “vua cà phê" sau đó liên tiếp kéo nhau ra tòa để tranh giành quyền điều hành tại Trung Nguyên. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ vì các quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty. Phải đến khi vợ chồng bùng nổ tranh chấp pháp lý, người ta mới biết đến hình ảnh chính thức của bà Thảo.
Ông Vũ cũng phản pháo khi gửi đơn lên TAND TP.HCM kháng cáo, yêu cầu hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT), ký tháng 4/2015.
Trước đó, khi TAND cấp cao TP.HCM xét xử phúc thẩm ngày 20/9, khôi phục chức danh Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bà vẫn chưa thể bước chân vào công ty do liên tục bị cản trở. Phía Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đóng cửa không cho bà vào. Kể cả khi bà Thảo mời công an khu vực can thiệp thì vẫn bị "ngăn chặn và trấn áp ngay từ cửa của trụ sở".
Cuộc tranh chấp quyền lực lên đỉnh điểm với hàng loạt tố cáo, kiện tụng qua lại giữa hai bên, trong đó có cả những nội dung cáo buộc bà Thảo cướp, chiếm đoạt các con dấu. Ngoài những lá đơn, thì phía ông Vũ hoàn toàn im lặng về vụ ly hôn và mâu thuẫn vợ chồng sâu sắc.
Hơn 3 năm tranh chấp thương hiệu, câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông vua cà phê vẫn chưa ngã ngũ. Trong cuộc chiến pháp lý này, thương hiệu Trung Nguyên đang chịu thiệt hại lớn về mặt danh tiếng.
Trong khi đó, bà Thảo liên tục trả lời phỏng vấn báo chí, nói về tình yêu thương trọn vẹn của mình đối với chồng, tới việc lập fanpage trên Facebook với hàng vạn người theo dõi, kêu gọi hãy cứu lấy chồng bà, hãy cứu lấy Trung Nguyên, hãy để bà lo chữa bệnh cho ông Vũ, chứng minh đang có những thế lực đen tối dùng thủ đoạn chiếm đoạt Trung Nguyên.
Chồng vướng lao lý, vợ thăng hoa ngàn tỷ
Trong khi ông Trần Phương Bình vướng vòng lao lý, doanh nghiệp do bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Bình) làm chủ tịch vẫn phát triển như vũ bão trên thị trường chứng khoán.
Sau khi thoát gánh nặng DongABank, PNJ khởi sắc chứng kiến lợi nhuận tăng vọt nhờ bán và trích lập dự phòng khoản đầu tư cổ phiếu ngân hàng này. Mảng bán lẻ sôi động cùng với sự thăng hoa của vàng trang sức trong bối cảnh thị trường vàng miếng trầm lắng đã mang tới cho doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung rất nhiều thuận lợi.
Được mệnh danh là “nữ hoàng vàng bạc”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), hiện sở hữu khối tài sản trên 1.400 tỷ đồng.
Trái ngược với bà Dung là sự lao dốc của ông Trần Phương Bình với cái kết án chung thân trong vụ ngân hàng Đông Á. Trong tổng thiệt hại của vụ án là 3.608 tỷ đồng, gồm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 2.057 tỷ đồng và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng, bị can Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 3.568 tỷ đồng (2.017 tỷ đồng + 1.551 tỷ đồng) do hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm gây ra.
Vợ chồng đại gia quyền lực
Vợ chồng bà Chu Thị Bình và ông Lê Văn Quang đều nằm trong nhóm những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam. Có thể nói đây là gia đình giàu có, quyền lực trong giới thủy sản Việt Nam. Riêng bà Bình và ông Quang luôn có mặt trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Trong khi bà Chu Thị Bình nắm giữ 17.475.010 cổ phiếu MPC (24,96%) tương ứng với tài sản chứng khoán trị giá gần 800 tỷ đồng, thì ông Lê Văn Quang cũng nắm giữ 15.961.000 cổ phiếu MPC, sở hữu khối tài sản trên sàn là gần 730 tỷ đồng.
Trong năm qua, bà Bình là nhân vật chính trong vụ “bốc hơi” 264 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Mới đây, TAND TP.HCM tuyên EximBank phải hoàn trả cho bà Chu Thị Bình 245 tỷ đồng tiền gốc và 92 tỷ đồng lãi.
Bà Chu Thị Bình thuộc thế hệ “đại gia” chứng khoán đầu tiên, cùng với các ông Trương Gia Bình, Đoàn Nguyên Đức. Trải qua nhiều khó khăn, năm 1998, bà Bình là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy Hải sản Minh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Quí. Từ đó tới nay, bà Bình cùng chồng - ông Lê Văn Quang, tạo dựng nên Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ngày hôm nay.
Ồn ào chuyện tình tiền - hoa hậu
Vụ án Trương Hồ Phương Nga bị cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ, đã kéo dài hơn 3 năm kể từ khi vụ án bị khởi tố đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Mới đây, Hoa hậu Phương Nga đăng tải trên trang cá nhân những dòng trạng thái bày tỏ tâm trạng vui mừng khi được “thoát” khỏi án phạt “cấm đi khỏi nơi cư trú”. Dù sau khi được tại ngoại trong vụ án tình tiền với đại gia Cao Toàn Mỹ, Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga vẫn bị quản thúc tại nơi sinh sống để cơ quan công an tiếp tục điều tra.
Tháng 8/2017, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và đến tháng 6/2018 thì phục hồi điều tra. Căn cứ vào quyết định phục hồi điều tra vụ án và điều tra bị can, Công an TPHCM cũng ra quyết định hủy bỏ các quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Phương Nga, Thùy Dung đã ban hành trước đây.
Còn nhớ tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/9/2016, bị cáo Dung và Nga đều khai mối quan hệ giữa Cao Toàn Mỹ và Nga không phải chỉ đơn giản là mua bán nhà mà giữa họ còn có một "hợp đồng tình cảm" trong vòng 7 năm. Nhưng sau đó 2 bên phát sinh mâu thuẫn nên ông Cao Toàn Mỹ tố cáo Nga chiếm đoạt tiền.
Vụ án đã hai lần được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng cả 2 lần HĐXX đều trả hồ sơ. Tại tòa, hoa hậu Phương Nga phủ nhận cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng, cô cho rằng đó là số tiền ông Mỹ tự nguyện đưa cho mình vì giữa hai bên có quan hệ tình cảm.
Vợ chồng đại gia nhận bằng tiến sĩ danh dự
Ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng vừa được trao bằng Tiến sĩ, giáo sư danh dự của ĐH Apollos, Mỹ nhân sự kiện khai trương chi nhánh mới tại Malaysia.
Đây là cặp đôi doanh nhân Việt thành danh không cần bằng cấp. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà ông Dũng đã rời ghế nhà trường từ sớm để lập nghiệp và tạo dựng sự nghiệp thành công trong suốt 30 năm qua. Trong khi vợ ông, bà Hằng cũng chỉ học xong lớp 11.
Song song với rất nhiều nỗ lực phát triển kinh tế theo đường lối riêng, khác biệt, gây tiếng vang tại Việt Nam: phát triển khu công nghiệp, làm du lịch,... ông Dũng luôn quan tâm đến các hoạt động xã hội, hướng đến cộng đồng qua rất nhiều việc làm bác ái, thiện nguyện: tài trợ cho các tổ chức từ thiện, giáo dục và y tế, tài trợ cho người dân vùng bị thiên tai.
Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông Dũng lò vôi đã phấn đấu trên thương trường và đã xây dựng được cơ ngơi vững chắc. Thành công của ông đã được xã hội ghi nhận qua khối tài sản có giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo Vietnamnet