Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông chủ Apec Nguyễn Đỗ Lăng: Những điều ít biết

07/04/2022 15:39

Ông chủ hệ sinh thái Apec Nguyễn Đỗ Lăng đã có một năm thành công với tài sản tăng rất nhanh và có tên trong danh sách Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, Apec còn từng có dự định hướng tới một công ty khác vốn lên đến 10.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng là một doanh nhân nổi danh trong hơn 1 thập kỷ qua. Ông được biết đến đầu tiên với tư cách Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APS). Năm 2010, dư luận xôn xao trước tin đồn ông bị khởi tố. Tuy nhiên, đây chỉ hiểu lầm khi ông vướng vào một vụ án liên quan Lý Thị Trúc Quỳnh.

Hình minh họa
Hình minh họa

Sau đó, ông Lăng ít được nhắc đến. Thị trường chỉ tập trung vào những tên tuổi “nóng” hơn như ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC,...

Thế nhưng, trong hai năm gần đây, thị trường chứng khoán đã và đang chứng kiến nhiều doanh nhân nổi lên nhờ có trong tay hệ sinh thái nhiều công ty đa dạng ngành nghề. Và đặc biệt hơn cả, cổ phiếu trong các hệ sinh thái đó đều có tốc độ tăng phi mã với các cổ phiếu API, APS, IDJ, CSC,...

Kể từ cuối năm 2020, các cổ phiếu trong hệ sinh thái của ông Đỗ Lăng tăng rất mạnh. API vươn lên 70.000 đồng/cổ phiếu, tăng 56.090 đồng/cổ phiếu, tương đương 403%. IDJ đã đạt tới 31.500 đồng/cổ phiếu, tăng 22.300 đồng/cổ phiếu, tương đương 242%. APS vươn mình mạnh mẽ, tăng 26.600 đồng/cổ phiếu, tương đương 619% lên 30.900 đồng/cổ phiếu. CSC dừng ở mức 116.800 đồng/cổ phiếu, tăng 91.420 đồng/cổ phiếu, tương đương 360%.

Từ vị trí một người “vô danh” trong danh sách tỷ phú giàu có ở Việt Nam, hiện tại, ông Đỗ Lăng vươn lên vị trí người giàu thứ 183 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 860 tỷ đồng.

nguyen-do-lang-1649320618.jpg
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn APEC GROUP

Từ năm 2006, ông nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương và đồng thời ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API).

Sau đó, ông là Thành viên HĐQT CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) và Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn APEC GROUP.

Tại cuộc Toạ đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam” diễn ra trong ngày 19/11/2021, ông Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ đề án của Tập đoàn APEC.

Theo đó, Apec Group sẽ có cuộc cách mạng về nhà ở xã hội. Tập đoàn phấn đấu trong 10 năm tới sẽ hoàn thành khoảng 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội 5 sao.

Để thực hiện kế hoạch này, Tập đoàn Apec tuyên bố thành lập Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam. Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp mới này sẽ khoảng 10.000 tỷ đồng.

Đây là con số vô cùng táo bạo và lớn vượt trội so với quy mô cả hệ sinh thái Apec ở thời điểm hiện tại.

API bắt đầu với số vốn hơn 22 tỷ đồng. Tới ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu API tăng lên 842 tỷ đồng, tổng tài sản 2.399 tỷ đồng. Còn tại APS, IDJ, các chỉ số này là 1.410 tỷ đồng, 1.613 tỷ đồng và 988 tỷ đồng, 3.456 tỷ đồng.

10.000 tỷ đồng là con số quá lớn với hệ sinh thái Apec. Vì vậy, Apec có thể sẽ huy động một phần vốn từ các tổ chức như ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước.

Apec đề xuất Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000 ha cho NƠXH với mỗi dự án từ 50 - 300ha. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha đến 20.000 ha.

Ngoài ra, Apec mong muốn hệ thống ngân hàng có chính sách riêng cho các dự án nhà ở xã hội.

Minh Trí/Báo Công Thương
Bạn đang đọc bài viết "Ông chủ Apec Nguyễn Đỗ Lăng: Những điều ít biết" tại chuyên mục Doanh nhân.